Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thăm, khảo sát Cảng Tiên Sa và làm việc về Dự án Cảng Liên Chiểu

25/11/23 3:11 PM

Chiều ngày 24/11/2023, trong chuyến công tác tại thành phố Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dẫn đầu Đoàn công tác của Chính phủ, Lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải và Bí thư, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã đến thăm, kiểm tra thực tế tại Cảng Tiên Sa – Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà thăm và khảo sát Cảng Tiên Sa

Tại Cảng Tiên Sa, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam; ông Trần Lê Tuấn, Bí thư Đảng uỷ – Tổng Giám đốc Cảng Đà Nẵng cùng các thành viên trong Ban Điều hành, Trưởng các đơn vị trực thuộc Cảng Đà Nẵng đã đón tiếp và báo cáo với Đoàn công tác về tình hình hoạt động và phát triển của Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nghe báo cáo về tình hình hoạt động của bến cảng Tiên Sa, cảng biển Đà Nẵng

Báo cáo với Phó thủ tướng và đoàn công tác, Tổng giám đốc Cảng Đà Nẵng – Trần Lê Tuấn cho biết Cảng Tiên Sa có vị trí chiến lược quan trọng, là cửa ngõ giao thương của khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Cảng Tiên Sa có công suất thiết kế 12 triệu tấn/năm, có khả năng tiếp nhận các tàu container lớn lên đến 70.000 DWT. Trong các năm qua, Cảng Đà Nẵng đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc, duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững về sản lượng, doanh thu, lợi nhuận, đóng góp lớn cho ngân sách địa phương và quốc gia. Cảng Tiên Sa cũng đã đầu tư nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, thiết bị, công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ, an toàn, an ninh, bảo vệ môi trường, là một trong số các cảng biển hiện đại nhất cả nước

Ông Trần Lê Tuấn cho biết Cảng Đà Nẵng đã đảm bảo các nguồn lực và mong muốn Chính phủ, Lãnh đạo thành phố quan tâm hỗ trợ Cảng Đà Nẵng được tham gia đầu tư vào Cảng Liên Chiểu để tận dụng nguồn lực, kinh nghiệm, thị phần, khách hàng của cảng và góp phần phát triển hệ thống cảng biển Đà Nẵng.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của Cảng Tiên Sa, những đóng góp của Cảng Đà Nẵng cho sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và cả nước. Phó Thủ tướng khen ngợi những nỗ lực của Ban Lãnh đạo và toàn thể cán bộ, công nhân viên của Cảng Tiên Sa trong việc vận hành, khai thác, quản lý cảng hiệu quả, an toàn, bảo đảm chất lượng dịch vụ, hài lòng khách hàng.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thăm hỏi, động viên và tặng quà cán bộ, người lao động tại bến cảng Tiên Sa

Ghi nhận những ý kiến đề xuất của Tổng Giám đốc Cảng Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, chiến lược phát triển hệ thống Cảng biển của Chính phủ thì sau 2030 sẽ dần chuyển đổi công năng của Cảng Tiên Sa thành cảng du lịch. Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ Ngành, thành phố Đà Nẵng cần xem xét, tính toán hợp lý để Cảng Tiên Sa có thể vẫn là Cảng tổng hợp tiếp nhận tất cả các nguồn hàng song song với du lịch; đồng thời xem xét nguồn lực của Cảng Đà Nẵng trong việc đề nghị tham gia đầu tư xây dựng Cảng Liên Chiểu.

Trước đó, Đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP Đà Nẵng về tình hình triển khai Dự án Cảng Liên Chiểu.Cuộc họp có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, lãnh đạo Bộ GTVT, Văn phòng Chính phủ, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và một số doanh nghiệp cảng biển…

Tiếp cận tổng thể, đồng bộ khi triển khai dự án bến cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng)- Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với lãnh đạo TP. Đà Nẵng chiều 24/11 về phương án đầu tư bến cảng Liên Chiểu

Dự án bến cảng Liên Chiểu có diện tích 450 ha gồm các khu bến container, bến cảng tổng hợp, bến thuỷ nội địa, bến hàng lỏng/khí, công suất thiết kế 50 triệu tấn/năm vào năm 2050. Hiện nay, TP. Đà Nẵng đang triển khai xây dựng phần cơ sở hạ tầng dùng chung (đê chắn sóng, luồng tàu, đường sau cảng) với tổng mức đầu tư 3.426 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.

Nhằm tối ưu hoá khả năng khai thác cảng biển, đáp ứng lượng hàng hoá thông qua tại khu vực, khắc phục tình trạng đầu tư manh mún, nhỏ lẻ, TP. Đà Nẵng kiến nghị chủ trương kêu gọi đầu tư đồng bộ các bến thuộc khu bến cảng Liên Chiểu (có phân kỳ đầu tư theo quy hoạch).

Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết mục tiêu lớn nhất là phát triển bến cảng Liên Chiểu đủ sức cạnh tranh quốc tế, có đầy đủ chức năng mà các nhà đầu tư, hãng tàu vận tải quan tâm, tận dụng ưu thế nổi trội về kết nối với tuyến đường sắt, giảm chi phí logistics…

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và các doanh nghiệp kinh danh khai thác cảng biển đã trao đổi, chia sẽ, đóng góp các ý kiến, nội dung về phuơng án kêu gọi đầu tư các hạng mục khai thác cảng; tiến độ triển khai các hạng mục khai thác cảng cần đồng bộ với dự án cơ sở hạ tầng; phát triển cảng cần phù hợp với các đồ án quy hoạch có liên quan; tính khả thi và hiệu quả đầu tư cảng; tuân thủ pháp luật về đấu thầu…

Tiếp cận tổng thể, đồng bộ khi triển khai dự án bến cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng)- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh việc triển khai dự án Cảng biển Liên Chiểu phải đặt trên cách tiếp cận tổng thể

Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, đây là dự án cảng biển quan trọng kết nối với giao thông đường bộ, đường sắt rất thuận lợi cho phát triển logistics, do vậy cần đầu tư đồng bộ để thu hút các hãng tàu, nâng cao sức cạnh tranh với các cảng biển trong khu vực và quốc tế.

Việc triển khai dự án Cảng biển Liên Chiểu phải đặt trên cách tiếp cận tổng thể. Bắt đầu từ yêu cầu đặt ra về thiết kế, thi công, quản lý, khai thác, vận hành đồng bộ với các hệ sinh thái, hạ tầng kinh tế-xã hội, đến lựa chọn những nhà đầu tư uy tín nhất, công nghệ hiện đại nhất, sự tham gia của nhà nước, các doanh nghiệp khai thác cảng, hãng tàu vận tải lớn…

“Có như vậy chúng ta mới khắc phục được tình trạng đầu tư manh mún, dàn trải, không đồng bộ khiến các cảng biển của Việt Nam rất khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế”, Phó Thủ tướng nói và đề nghị TP. Đà Nẵng nghiên cứu thêm kinh nghiệm của các cảng biển lớn trên thế giới để đưa ra đầu bài kêu gọi, thu hút đầu tư, hài hoà mục tiêu phát triển kinh tế với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo đảm lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp, người dân.