Qua cơn lận đận mới hiểu tận lòng nhau

24/06/22 1:25 PM

Nhớ lại những tích tắc đối mặt với sự sống và cái chết, anh Phạm Văn Ninh (Máy 3, tàu VINALINES MIGHHTY, Công ty Vận tải biển VIMC) còn rùng mình vì sợ. Anh xúc động kể với chúng tôi về tình nghĩa của đồng nghiệp, Công ty, Công đoàn đã quyết tâm đưa anh trở về với gia đình an toàn.

Thuyền viên Công ty Vận tải biển VIMC:

Anh Phạm Văn Ninh (bên phải) cùng đồng nghiệp trên tàu

Anh Phạm Văn Ninh (31 tuổi) sinh ra ở xã Hải Hà, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Năm 2015, anh tốt nghiệp ra trường và bắt đầu xuống tàu làm thuyền viên. Tàu VINALINES MIGHTY mà anh làm việc là tàu chở hàng, hoạt động chủ yếu ở khu vực Đông Nam Á, Bắc Á và các tuyến đi Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Điều kiện làm việc của thuyền viên rất vất vả, lại thường xuyên phải xa gia đình. Nhưng tất cả những khó khăn ấy chưa thấm vào đâu so với lần anh phải vượt qua ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết.

“Trước khi phát bệnh, em vẫn làm việc bình thường. Em chỉ thấy đau mỏi vai gáy, không ngủ được. Anh em trên tàu thấy vậy đã giúp đỡ, bố trí em làm công việc nhẹ nhàng. Sau đó, em bỗng thấy hai bên sườn có hiện tượng co thắt kéo dài. Anh em trên tàu khuyên em nằm nghỉ. Em uống thuốc giảm đau và “yên ổn” được khoảng 2 ngày.

Thuyền viên Công ty Vận tải biển VIMC:

Anh Phạm Văn Ninh được điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

Sau đó, khi tàu đến khu neo thuộc Liên bang Nga thì cơn co thắt ở sườn tái phát. Em đau dữ dội, ho từng cơn. Đôi mắt không thể nhìn thấy anh em thuyền viên ở xung quanh. Em không thở được. Trong vài giây ngắn ngủi ấy, may mắn là anh em thuyền viên, bằng kỹ năng và thiết bị trên tàu đã cứu sống em” – anh Ninh nói.

Trên tàu, điều kiện trang bị về y tế còn hạn chế, không thể đầy đủ bằng trên đất liền. Trước mỗi hành trình, Công ty đều phối hợp với Viện Y học biển Việt Nam rà soát, chuẩn bị các loại thuốc, trang thiết bị cho tàu nhằm chăm sóc sức khỏe thuyền viên. Rất may khi anh phát bệnh, Công ty đã trang bị cho tàu máy thở. Anh em thuyền viên đã sử dụng nó để cấp cứu, giúp anh vượt qua giây phút nguy hiểm, chờ được đến khi lực lượng cứu hộ lên tàu.

Thuyền viên Công ty Vận tải biển VIMC: "Qua cơn lận đận mới hiểu tận lòng nhau"

Anh Phạm Văn Ninh trong thời gian dưỡng bệnh

“Em đau không chịu được, chỉ biết gào thét. Em đã rất sợ và đã nghĩ đến trường hợp xấu nhất. Anh em trên tàu lo lắng cho em lắm, mọi người đều ở cạnh em. Thuyền trưởng, Máy trưởng đã nhanh chóng liên lạc với Công ty để gọi lực lượng cứu hộ ra tàu. Mọi người giữ chặt tay em, động viên em cố gắng chờ lực lượng cứu hộ đến. Khi em không còn ý thức về thời gian, không gian, thoi thóp với cơn đau quằn quại, mọi người đã cứu em từ cõi chết trở về, chỉ trong mấy giây đồng hồ. Kịp thời – hai chữ ấy có ý nghĩa với em hơn bao giờ hết, nhờ vậy mà em đã sống. Chỉ sau khoảng 4 tiếng đồng hồ, lực lượng cứu hộ đã tiếp cận tàu. Em được đưa lên bờ, nhập viện và được xác định bị viêm phổi. Lá phổi bên trái không hoạt động được. Đó là vào tháng 9/2021, em đã xuống tàu được hơn 4 tháng” – anh Phạm Văn Ninh nhớ lại.

Trong suốt quá trình tàu ở nước ngoài, Ban Chỉ huy tàu cũng như Công ty, Công đoàn luôn theo sát tình hình sức khỏe của anh. Mỗi khi tàu cập cảng, Công ty thúc giục đại lý làm việc với đơn vị cung cấp bảo hiểm làm thủ tục để đưa anh Ninh lên bờ khám bệnh.

Thuyền viên Công ty Vận tải biển VIMC:

Anh Phạm Văn Ninh chia sẻ khoảnh khắc bình yên, thơ mộng của thuyền viên trên tàu

“Khối u ở phổi của em lớn lên hằng ngày. Trong khi đó, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Các nước áp dụng biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt, không cho thuyền viên lên bờ. Nhưng Công ty đã làm hết sức có thể để em được lên bờ khám, chữa bệnh. Thực sự em rất biết ơn về điều đó” – anh Ninh cho biết.

Từ khi anh Ninh đau ốm, Công ty luôn động viên anh yên tâm, tin tưởng. Hằng ngày, các cán bộ của Công ty, Công đoàn hỏi thăm tình hình sức khỏe của anh. Công ty cố gắng thu xếp để anh Ninh được bay từ Hàn Quốc về Việt Nam chữa bệnh khi các chuyến bay thương mại còn hạn chế. Về đến Việt Nam, Công ty hướng dẫn anh làm thủ tục nhập viện, phẫu thuật loại bỏ khối u tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Công ty còn đón người thân của anh lên Hà Nội để anh được gặp gia đình.

Thuyền viên Công ty Vận tải biển VIMC:

Gia đình của anh Phạm Văn Ninh

“Em nhớ nhà và rất mong được gặp bố mẹ, vợ con. Khi lên thăm em ở bệnh viện, cả nhà mừng đến phát khóc vì biết em vừa trở về từ cõi chết. Trải qua biến cố này, em càng thấy tình cảm đồng nghiệp dạt dào không thể diễn tả hết được. Trong Công ty, ai thấy em đau ốm cũng buồn và lo lắng. Em thấy mình thật may mắn vì được Ban Chỉ huy tàu, anh em thuyền viên và Công ty hỗ trợ kịp thời để hôm nay, em còn ngồi đây và nói chuyện với chị” – anh Ninh tâm sự.

Sau khi anh Ninh trải qua ca phẫu thuật thành công, Công ty bố trí cho anh nghỉ 6 tháng dưỡng bệnh. Thông thường, trong thời gian thuyền viên nghỉ trên bờ sẽ không có lương và không được doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, Công ty vẫn hỗ trợ anh Ninh trong việc tham gia Bảo hiểm y tế để anh được chăm sóc sức khỏe thường xuyên. Sau khi sức khỏe hồi phục, anh lại được bố trí xuống tàu làm việc.

“Mọi chế độ, quyền lợi em được hưởng đầy đủ. Khi em nằm viện, đại diện Công ty, Công đoàn đến thăm hỏi, động viên dù chỉ được đứng ở bên ngoài chào nhau. Dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, Công ty, Công đoàn luôn hỏi han, chúc em sớm bình phục. Xúc động, em đã viết lên Facebook cá nhân cảm ơn Công ty, Công đoàn. “Qua cơn lận đận mới hiểu tận lòng nhau”, em thấy câu nói ấy thật đúng với trường hợp của mình.

Đồng chí Trần Duy Minh – Chủ tịch Công đoàn Công ty Vận tải biển VIMC cho biết, trong quá trình làm việc trên tàu, anh Ninh đã hai lần gặp biến cố về sức khỏe. Anh được Công ty hỗ trợ kịp thời. Lần thứ nhất, khi tàu cập cảng tại Hàn Quốc, bệnh tình của anh chuyển biến xấu. Công ty đã nỗ lực làm việc, thúc giục bên bảo hiểm làm thủ tục để anh Ninh được lên bờ, khám bệnh, xác định tình trạng sức khỏe.

Khi tàu cập cảng tại Nga, bệnh tình của anh Ninh tái phát, nguy hiểm đến tính mạng. Ban Chỉ huy tàu và Công ty đã làm hết khả năng để anh Ninh được an toàn, trở về Việt Nam chữa bệnh, sớm đoàn tụ với gia đình. Ngoài việc chú trọng khai thác hiệu quả những con tàu, Công ty và Công đoàn luôn hướng tới xây dựng tập thể tàu đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ nhau như người thân trong gia đình.

LĐCĐ