Sửa quy định về mua, bán, đóng mới tàu biển

18/03/24 9:02 AM

Cục Hàng hải VN đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 171/2016 quy định về đăng ký, xóa đăng ký và mua, bán, đóng mới tàu biển và Nghị định 86/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 171.

Theo dự thảo Nghị định mới, dự án đầu tư mua hoặc đóng mới tàu biển của doanh nghiệp nhà nước sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

 

Thực hiện theo Luật Đấu thầu

Điểm đáng chú ý trong dự thảo Nghị định mới là những thay đổi trong quy định về việc tính tuổi tàu biển và mua bán, đóng mới tàu biển của các doanh nghiệp.

Cụ thể, theo dự thảo, tuổi của tàu biển được tính bằng số năm và bắt đầu từ ngày đặt sống chính của tàu. Trường hợp không xác định được ngày đặt sống chính thì tuổi tàu được tính từ ngày bàn giao tàu.

Điều này khác với quy định hiện hành khi theo Nghị định 171, trường hợp không xác định được ngày đặt sống chính thì tính từ ngày việc lắp ráp thân vỏ tàu đạt được 50 tấn khối lượng hoặc bằng 1% khối lượng toàn bộ ước tính của số vật liệu sử dụng làm thân vỏ tàu biển, lấy trị số nào nhỏ hơn.

Cục Hàng hải VN lý giải, việc sửa đổi này để phù hợp với thực tế kỹ thuật đóng tàu bằng modun hiện nay khó xác định được ngày việc lắp ráp thân vỏ tàu đạt được 50 tấn khối lượng hoặc bằng 1% khối lượng toàn bộ ước tính của số vật liệu sử dụng làm thân vỏ tàu biển.

Một trong những sửa đổi đáng chú ý khác là việc mua, đóng mới tàu biển của doanh nghiệp sử dụng vốn nhà nước.

Cụ thể, nếu quy định hiện hành xác định dự án đầu tư mua hoặc đóng mới tàu biển sử dụng vốn Nhà nước được xác định là dự án đầu tư mua hoặc đóng mới tàu biển mà vốn của Nhà nước chiếm từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án, thì dự thảo nghị định mới chỉ xác định việc mua, đóng mới tàu biển của doanh nghiệp nhà nước.

Theo đó, dự án đầu tư mua hoặc đóng mới tàu biển của doanh nghiệp Nhà nước sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Với các dự án đầu tư mua hoặc đóng mới tàu biển khác sẽ do doanh nghiệp tự quyết định. Sửa đổi này nhằm phù hợp với những quy định tại Luật Đấu thầu năm 2023.

Thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử

Ngoài ra, để phù hợp với việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử theo quy định tại Nghị định 45/2020, dự thảo Nghị định mới cũng điều chỉnh nhiều quy định, chấp nhận các hồ sơ, thủ tục, dữ liệu điện tử.

Đơn cử, trong hồ sơ đề nghị chấp thuận đặt tên tàu biển, dự thảo Nghị định mới chấp nhận có các hợp đồng mua, bán tàu biển hoặc hợp đồng đóng mới tàu biển, hoặc các bằng chứng khác có giá trị pháp lý tương đương về quyền sở hữu đối với tàu biển.

Đặc biệt, chấp nhận các bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu, bản dịch công chứng nếu hợp đồng viết bằng ngôn ngữ nước ngoài.

Đối với Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, dự thảo đề xuất chấp nhận cả các bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử được cấp từ sổ gốc, hoặc bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính hay bản sao kèm bản chính để đối chiếu.

Các tổ chức, cá nhân sẽ nộp trực tiếp hồ sơ hoặc gửi qua hệ thống bưu chính, hoặc qua hệ thống Dịch vụ công trực tuyến đến cơ quan đăng ký tàu biển.

Trường hợp nhận hồ sơ qua hệ thống bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến, nếu hồ sơ không hợp lệ, chậm nhất 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký tàu biển hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

Báo Giao thông