Trong 10 năm, số lượng thuyền viên tăng hơn 11.000 người nhưng chủ yếu tập trung ở chức danh thủy thủ và thợ máy. Đây là thực tế đáng lo ngại của ngành Hàng hải, vì điều này chứng tỏ đang sụt giảm nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, số lượng thuyền viên của Việt Nam đã tăng lên sau 10 năm triển khai thực hiện các quy định của Công ước quốc tế về tiêu chuẩn huấn luyện, cấp chứng chỉ và trực ca của thuyền viên năm 1978 sửa đổi 2010 (Công ước STCW 1978/2010).
Tính đến ngày 1/10/2022, số lượng thuyền viên Việt Nam đạt hơn 54.000 người. So với năm 2012, số thuyền viên đã tăng hơn 11.000 người.
Số liệu đào tạo sĩ quan thuyền viên trong 10 năm (từ năm 2012 đến năm 2022)
Số lượng thuyền viên tăng nhưng lại chủ yếu ở chức danh thủy thủ và thợ máy, trong khi số lượng sĩ quan – nguồn nhân lực có trình độ đào tạo cao hơn lại giảm.
Theo biểu đồ thống kê, số lượng đào tạo sĩ quan vận hành đạt khoảng 1.503 người và sĩ quan quản lý đạt 1.282 người vào năm 2012 thì tới năm 2022, con số tương ứng là 1.035 sĩ quan vận hành và 702 sĩ quan quản lý.
Số lượng đào tạo cho hai chức danh này cao điểm nhất vào năm 2015, khi sĩ quan quản lý đạt 1.118 người và sĩ quan vận hành đạt 1.706 người.
Đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng, trong quá trình triển khai Công ước STCW 1978/2010 vẫn còn những khó khăn, vướng mắc.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Triển khai thực hiện các quy định của Công ước quốc tế về tiêu chuẩn huấn luyện, cấp chứng chỉ và trực ca của thuyền viên năm 1978 sửa đổi năm 2010” (Công ước STCW 78/2010). Đề án nhằm triển khai thực hiện đầy đủ, toàn diện các quy định của Công ước STCW 78/2010 mà Việt Nam là thành viên; duy trì việc Việt Nam có tên trong “Danh sách trắng” (White list) của Tổ chức Hàng hải quốc tế – IMO.
Theo đề án, hệ thống đồng bộ các cơ sở đào tạo và huấn luyện thuyền viên đáp ứng các tiêu chuẩn quy định của Công ước STCW 78/2010; góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hàng hải, phục vụ tích cực cho việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 được xây dựng.
Để triển khai thực hiện Đề án, phải hoàn thiện các quy chế về công tác đào tạo, huấn luyện, trực ca, tiêu chuẩn sức khỏe và cấp các loại chứng chỉ của thuyền viên; về chế độ thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của thuyền viên; về chức danh, nhiệm vụ theo chức danh của thuyền viên và đăng ký thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam theo yêu cầu của Công ước STCW 78/2010.
Bên cạnh đó, hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (ISO) trong đào tạo và huấn luyện thuyền viên đối với cơ quan quản lý và các cơ sở đào tạo, huấn luyện thuyền viên; hoàn thiện quy chế về cấp phép đào tạo, huấn luyện để đánh giá, cấp phép đào tạo, huấn luyện cho các cơ sở đào tạo, huấn luyện.
Đại học Hàng hải Việt Nam trang bị phòng mô phỏng cho các sinh viên ngành Đi biển thực hành
Đồng thời, xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện thuyền viên theo tiêu chuẩn của Công ước STCW 78/2010 để sử dụng thống nhất trong toàn quốc; hoàn thiện bộ đề thi và đáp án về chuyên môn và tiếng Anh của các kỳ thi sĩ quan hàng hải để sử dụng thống nhất trong toàn quốc.
Bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ giảng viên, huấn luyện viên chính phù hợp với tiêu chuẩn quy định của Công ước STCW 78/2010; đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất của các cơ sở đào tạo, huấn luyện thuyền viên theo tiêu chuẩn của Công ước STCW 78/2010.
Quyết định nêu rõ, các chủ tàu Việt Nam phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để tuyên truyền, phổ biến cho thuyền viên Việt Nam về những quy định của Công ước STCW 78/2010; có kế hoạch bố trí thuyền viên tham dự các khóa đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện theo quy định của Công ước STCW 78/2010; xây dựng chương trình huấn luyện trên các tàu biển thuộc quyền quản lý và khai thác, sử dụng của mình theo quy định của Công ước STCW 78/2010.
Thuyền viên có trách nhiệm tham dự đầy đủ các khóa đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện tại các cơ sở đào tạo, huấn luyện thuyền viên theo quy định.
Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai thực hiện, hệ thống đồng bộ các cơ sở đào tạo và huấn luyện thuyền viên chưa đáp ứng các tiêu chuẩn quy định của Công ước STCW 78/2010. Nhiều cơ sở đào tạo thuyền viên còn rất thiếu trang thiết bị và nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo thực hành. Bên cạnh đó, Hàng hải là ngành đặc thù, môi trường làm việc khắc nghiệt, vất vả, phải xa gia đình. Ngành Vận tải biển nhiều năm gặp khó khăn do biến động của thị trường vận tải biển thế giới khiến thu nhập của đội ngũ sĩ quan, thuyền viên không cao hơn các ngành nghề khác. Điều này dẫn đến sự suy giảm mạnh, thiếu hụt về nguồn nhân lực hàng hải.
Mức lương cho các thuyền viên cấp thấp nhất của Việt Nam đạt khoảng hơn 10 triệu đồng/tháng, tùy chủ tàu và chặng đi tàu. Một số ít chủ tàu trả mức lương cho thuyền viên cấp thấp từ 16 đến 23 triệu đồng.
Một khó khăn nữa trong việc triển khai thực hiện Công ước STCW 1978/2010 là việc các hệ thống pháp luật có liên quan cũng liên tục được sửa đổi, bổ sung. Theo đại diện Cục Hàng hải Việt Nam, điều này dẫn đến thiếu đồng bộ, chồng chéo, gây sự lúng túng cho các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong việc áp dụng, thực thi các cơ chế, chính sách. Một số văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực Hàng hải chưa theo kịp sự phát triển nhanh, mạnh của kinh tế – xã hội và thực tiễn đặt ra trong công tác quản lý hàng hải.
Công tác quản lý nhà nước về hàng hải cũng được đánh giá đôi lúc còn chưa chủ động để đáp ứng được yêu cầu quản lý, chưa theo kịp xu thế phát triển của thế giới. Nguồn lực cho công tác này còn thiếu, chưa đồng đều về chất lượng; hạ tầng ngành Hàng hải chưa đáp ứng nhu cầu tăng trưởng vận tải biển.