Tăng kết nối, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

19/12/21 5:11 PM

Do dịch Covid-19 tác động đã làm cho năng lực đáp ứng của ngành logistics rơi vào khủng hoảng: tắc nghẽn hàng tại các cảng biển, thiếu container rỗng, kéo dài lịch vận chuyển… khiến hoạt động xuất nhập khẩu hết sức căng thẳng.

Thông tin này được đưa ra tại “Diễn đàn Phát triển ngành logistics Việt Nam với khu vực châu Âu – châu Mỹ”, do Bộ Công thương tổ chức sáng 17-12.

Chi phí logistics tăng cao

Có thâm niên 20 năm tham gia dịch vụ logistics, đang trực tiếp xuất khẩu mặt hàng đá sang các thị trường Hoa Kỳ, châu Âu và cung cấp thủy sản cho thị trường Việt Nam, bà Jolie Nguyen, Tổng Giám đốc Global Maritime Services Co., Ltd chia sẻ, 2 năm qua thực sự là giai đoạn khó khăn chồng chất không chỉ cho các doanh nghiệp (DN) logistics mà còn cả DN xuất nhập khẩu khi chi phí vận tải tăng vọt trong đại dịch Covid-19.

Các đại biểu tham gia diễn đàn sáng 17-12

Giá cước năm 2021 tăng gấp 3-4 lần so với năm 2020 và gấp 8-9 lần so với năm 2019 do thiếu container rỗng, ùn tắc tại các cảng biển. 2 ngày qua, tại cảng Long Beach (Mỹ) vẫn có 101 tàu đến từ Bắc Mỹ tới Mexico nằm chờ dài, tình trạng này không thể giải quyết trong một sớm một chiều mà có thể kéo tới năm 2022.

Chưa dừng lại đó, trước đây giá cước tàu thường cố định khoảng 1-2 tháng, nhưng nay chỉ 15 ngày đã thay đổi nên các DN logistics có tâm lý phải xuất hàng bằng mọi giá vì sợ giá cước có thể tăng thêm. Thiếu container, thiếu tàu nên các hãng tàu không ưu tiên những mặt hàng nặng như đá, dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Khó khăn tiếp theo, thời điểm trước, một container hàng chỉ cần 4-5 tuần là tới cảng chính, nhưng nay mất đến 80 ngày!

Cung cấp thêm thông tin, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến Thủy sản Việt Nam cho biết, hoạt động logistics 2 năm qua mang lại những “đau thương” và nhức nhối cho hoạt động xuất nhập khẩu của DN nói chung và ngành hàng thủy sản nói riêng. Hiện thị trường châu Âu và châu Mỹ chiếm 38% thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Thế nhưng, cước phí đi Mỹ đã tăng từ 3.500 USD/container lên 13.000-17.000 USD/container tùy hàng hóa vận chuyển đến bờ Đông hoặc bờ Tây. Còn hàng hóa vận chuyển đi châu Âu, cước phí đã tăng từ 2.000 USD/container lên 12.000-14.000 USD/container tùy cảng chính hoặc cảng phụ. Riêng hàng hóa đi Trung Đông thì cước phí vận chuyển đã tăng từ 1.500 USD lên 10.000 USD/container. Đó là chưa tính DN còn đang phải chịu thêm nhiều khoản chi phí phát sinh khác như phí kẹt cảng, phí vệ sinh, phí nhiên liệu sạch, cân bằng container…

Liên quan đến vấn đề này, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương chia sẻ, cùng với kết quả khả quan đạt được thì sự tăng trưởng xuất khẩu đã làm bộc lộ nhiều bất cập trong ngành logistics. Điển hình là hạ tầng giao thông, cảng biển xuống cấp nghiêm trọng, kho bãi cũ kỹ không đáp ứng tiêu chuẩn của đối tác xuất nhập khẩu, quản trị chưa được ứng dụng công nghệ hoàn chỉnh, chưa kể việc ách tắc giao thông tại các tỉnh thành do kiểm soát dịch bệnh nên thời gian giao nhận hàng bị kéo dài… Điều này đã tạo ra những thách thức rất lớn cho các DN xuất nhập khẩu.

Đa dạng lộ trình

Ông Roger WU, Giám đốc Phát triển kinh doanh cảng Long Beach (Mỹ) cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng, kéo theo lượng hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh. Trong cao điểm dịch bệnh, hệ thống cảng phải xử lý hàng triệu container nhưng phải tuân thủ nguyên tắc an toàn sức khỏe nhân viên của Chính phủ Mỹ nên việc tắc nghẽn tại cảng là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ được cải thiện trong thời gian tới. Vấn đề là hàng xuất khẩu từ các nước phải chuẩn hóa tiêu chuẩn theo yêu cầu của nước nhập khẩu để tránh tình trạng bị kiểm soát, giảm thời gian thông quan hàng hóa.

Về nội tại, các chuyên gia tham dự diễn đàn cho rằng, Việt Nam cần cải thiện hạ tầng tại các cảng biển, số hóa và tự động hóa hoạt động logistics. Song song đó, xây dựng cơ chế một cửa giao dịch thương mại kinh doanh, đồng thời áp dụng quy trình không giấy tờ tại hải quan cửa khẩu. Đồng bộ những giải pháp này sẽ giúp DN chủ động kế hoạch xuất khẩu và rút ngắn thời gian.

Riêng khâu vận chuyển, ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam (VIMC), nhấn mạnh thêm, Việt Nam có 45 cảng biển quốc gia, trong đó VIMC quản lý 16 cảng biển. Về lâu dài cần triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển logistics và hỗ trợ cho xuất khẩu. Cụ thể, phải xây dựng hoàn chỉnh hệ sinh thái hàng hải trong và ngoài nước. Kế đến xây dựng trung tâm logistics đủ năng lực tiếp nhận hàng hóa trong bối cảnh sản xuất phát triển mạnh như hiện nay. Tiếp theo, phải nâng tầm kết nối hạ tầng hàng hải với trung tâm kinh tế, khu công nghiệp. Phát triển mô hình cảng mở, trong đó cho phép sử dụng chung nguồn lực hạ tầng liên quan giữa các cảng liền kề, lân cận trong nước; trong nước với nước ngoài để gia tăng nội lực các cảng nhưng giảm chi phí đầu tư.

Quan trọng hơn, cần thiết lập tuyến vận tải biển mang thương hiệu Việt Nam, thay vì phụ thuộc vào một số hãng tàu lớn trên thế giới. Trên thực tế, ngày 25-11, VIMC đã kết nối trực tiếp tuyến vận tải biển Việt Nam – Malaysia – Ấn Độ. Cách làm này đã giúp giảm áp lực vận chuyển hàng hóa và bình ổn giá nguồn cung vận tải, hỗ trợ DN xuất khẩu trong nước.

Hiện, tuyến dịch vụ kết nối trực tiếp cảng TPHCM và Hải Phòng tới các cửa ngõ lớn nhất của Ấn Độ với thời gian vận chuyển cạnh tranh, rút ngắn 10 ngày so với tuyến trung chuyển qua cảng Port Kelang như trước đây. Thực tế này cũng đã mở ra một phương thức mới trong tổ chức chuỗi logistics, các DN có thể liên kết để chủ động thuê tàu vận chuyển đơn hàng của mình mà không phụ thuộc hoàn toàn vào lịch đặt tàu từ các hãng tàu MLO.

Báo SGGP