Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng của khu vực dịch vụ

27/02/20 9:16 AM

Đề án Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 283/QĐ-TTg ngày 19/02/2020. Đề án nêu rõ việc xây dựng cơ sở hạ tầng của khu vực dịch vụ thông qua tập trung phát triển các ngành dịch vụ “cơ sở hạ tầng” bao gồm: công nghệ thông tin và truyền thông, giáo dục, logistics và vận tải, tài chính – ngân hàng.

Kế hoạch đề ra mục tiêu giai đoạn 2021 – 2025, tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt khoảng 7 – 7,5%. Tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP khoảng 43 – 44% vào năm 2025.

Với khu vực tài chính – ngân hàng: Đến năm 2025, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 8%; tỷ trọng thu nhập từ dịch vụ phi tín dụng/tổng thu nhập của các ngân hàng thương mại 16 – 17%; Tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống tổ chức tín dụng dưới 3%.

Đồng thời, tất cả các ngân hàng thương mại (NHTM) áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn, triển khai thí điểm áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao tại các NHTM Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối và NHTM cổ phần có chất lượng quản trị tốt đã hoàn thành áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, có ít nhất 2 – 3 ngân hàng thương mại nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất (về tổng tài sản) trong khu vực châu Á.

Về công nghệ thông tin và truyền thông: Đến năm 2025, công nghệ thông tin trở thành ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh, bền vững, doanh thu cao, có giá trị xuất khẩu lớn; Việt Nam có khả năng chủ động trong việc sản xuất được các sản phẩm, giải pháp công nghệ thông tin, điện tử, các thiết bị viễn thông quan trọng phục vụ cho các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội, tạo nền tảng để phát triển kinh tế tri thức, góp phần làm chủ các hệ thống thông tin, đảm bảo an toàn thông tin và chủ quyền quốc gia số; phát triển được lõi công nghệ và sản phẩm trong tài chính, thương mại, nông nghiệp, sinh học và đối phó với biến đổi khí hậu, sản xuất công nghiệp, an ninh quốc gia.

Về giáo dục – đào tạo và lao động: Đến năm 2025, bình quân hàng năm đào tạo nghề nghiệp cho khoảng 4,6 triệu người, ít nhất 85% người học có việc làm hoặc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo; phát triển quy mô và mạng lưới trường các cấp bậc học; tăng cường chất lượng giáo dục phù hợp với mục tiêu đổi mới chương trình, sách giáo khoa và cách mạng công nghiệp 4.0; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; hoàn thiện thể chế, đổi mới quản lý hệ thống quản lý nhà trường; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa từng bước hiện đại; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động giáo dục; hội nhập quốc tế về giáo dục.

Về logistics và vận tải: Đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8% – 10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15% – 20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50% – 60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 10% – 15% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Chính phủ đề ra các nhiệm vụ về tạo lập môi trường chung cho phát triển các ngành dịch vụ, trong đó riêng năm 2020 hoàn thiện luật và hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện gồm: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Bên cạnh đó, đối với từng lĩnh vực như lĩnh vực tài chính – ngân hàng, công nghệ thông tin và truyền thông, giáo dục – đào tạo và lao động, logistics và vận tải, đều có các giải pháp, nhiệm vụ chung như rà soát, hoàn thiện xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, cải cách hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… nhằm tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ các lĩnh vực trên phát triển.

Tạp chí Tài chính