Đoàn công tác của Cục Hàng hải VN vừa trực tiếp thị sát, đánh giá tình hình hoạt động của tàu VR-SB tại khu vực Hải Phòng.
Loại hình tàu sông pha biển dù đã góp phần “chia lửa” cho vận tải đường bộ song cũng còn một số bất cập liên quan đến yếu tố thị trường, an toàn, an ninh hàng hải
“Chia lửa” cho vận tải đường bộ
Cục Hàng hải VN vừa tổ chức đoàn công tác khảo sát thực tế tại Công ty Cổ phần Đóng tàu Thái Bình Dương (Tiên Lãng, Hải Phòng) và tàu vận tải ven biển (VR-SB) tại bến cảng Vật Cách, Hải Phòng. Đây là hoạt động chuẩn bị cho hội nghị về phát triển vận tải thủy và vận tải ven biển dự kiến sẽ được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì vào tháng 9 tới.
Theo đoàn công tác, từ khi được đưa vào khai thác, loại hình vận tải VR-SB đã góp phần quan trọng trong việc “chia lửa” cho vận tải đường bộ. Theo thống kê, từ khi triển khai tuyến vận tải ven biển (tháng 7/2014) đến nay, tổng số phương tiện mang cấp VR-SB đi vào hoạt động khoảng 1.786 tàu. Trong đó có 839 phương tiện chở hàng; 288 phương tiện chở khách và 659 các loại phương tiện khác.
“Ước tính, tổng khối lượng hàng hóa do phương tiện cấp VR-SB vận tải thông qua cảng biển từ khi mở tuyến đến tháng 6/2019 đạt 91 triệu tấn với hơn 89.000 lượt phương tiện vào rời cảng biển. Mức tăng trưởng hàng hóa qua cảng trung bình hàng năm ngày càng cao. Năm 2018, sản lượng hàng hóa do tàu SB vận chuyển đạt gần 35 triệu tấn, tăng gấp 7 lần so với năm 2015 (5 triệu tấn)”, đại diện Cục Hàng hải cho hay.
Cạnh tranh thiếu lành mạnh?
Tuy vậy, Hiệp hội vận tải biển Diêm Điền cho rằng, việc phát triển “nóng” của tàu SB đang là nguyên nhân khiến thị trường vận tải thủy nội địa xuất hiện sự chồng chéo, cạnh tranh thiếu lành mạnh đòi hỏi công tác quản lý của cơ quan chức năng phải nâng cao hơn nữa.
Chia sẻ cụ thể hơn với Báo Giao thông, ông Vũ Đức Then, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải biển Diêm Điền (Thái Bình) cho biết, hiện đa số tàu SB chạy hành trình như tàu biển. Trong khi đó, bản thân tàu SB không đủ tiêu chuẩn chạy dài ngày, tình trạng mất an toàn xảy ra rất nhiều.
Việc hoạt động vượt khuôn khổ của đội tàu SB cũng khiến việc kinh doanh của DN vận tải biển điêu đứng khi giá cước sụt giảm gần một nửa. Nếu như năm 2014, cước vận chuyển hàng hóa từ Bắc vào Nam và ngược lại là 474 nghìn đồng/tấn thì hiện tại, giá cước chỉ ở mức 250 nghìn đồng/tấn. Đối với một tàu vận tải, doanh thu 1 ngày/tấn phương tiện hiện chỉ khoảng 7.500 đồng, trong khi chi phí phải bỏ ra lên tới hơn 13 nghìn đồng/ngày/tấn phương tiện. Nếu hoạt động, chủ tàu đã phải chịu lỗ gần 5.500 đồng/ngày/tấn phương tiện, tàu trọng tải càng lớn, khoản lỗ càng cao”, ông Then cho hay.
Cũng theo ông Then, thực trạng trên khiến đội tàu biển gần như rơi vào khủng hoảng. Riêng tại Hiệp hội Diêm Điền, có những tàu nguồn thu thấp đến khi lên đà không có tiền sửa chữa, DN vay vốn mua tàu đã phải gọi ngân hàng để trả tàu. Nếu trước năm 2014, Hội vận tải Diêm Điền có khoảng 220 con tàu, đến giờ chỉ còn hơn 100 đầu tàu.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải VN đánh giá cao sự đóng góp ý kiến của các đơn vị, hiệp hội. “Trên cơ sở nắm bắt tình hình thực tế hoạt động của tàu VR-SB, thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ đưa ra những giải pháp phù hợp đối với việc phát triển đội tàu trên cả nước để nâng cao hơn nữa hiệu quả của vận tải biển nói riêng và ngành logistics nói chung”, ông Sang nói.
Báo Giao thông