Bộ GTVT đã quyết định không giảm giá dịch vụ xếp dỡ tối thiểu đang thực hiện tại các cảng biển Việt Nam do mức giá hiện hành đang thấp hơn khu vực. Quyết định này được cho là rất đúng đắn, kịp thời, tuy nhiên những khó khăn của doanh nghiệp cảng biển do giá xếp dỡ quá thấp vẫn cần được Bộ GTVT tiếp tục tháo gỡ trong thời gian tới.
Cảng contaiter quốc tế Cái Lân – CICT
Giá dịch vụ thấp nhất khu vực
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, trong quý 1-2020, các đơn vị thuộc khối cảng biển đều gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong đó, cảng Hải Phòng, Đà Nẵng, Sài Gòn đều sụt giảm sản lượng 15% so với cùng kỳ. Các cảng liên doanh thuộc khu vực Cái Mép – Thị Vải, hàng hóa càng không khả quan, mức giảm khoảng 30% so với cùng kỳ. Dự báo, trong năm 2020, kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cảng biển sẽ sụt giảm khoảng 40% so với năm 2019.
Trong bối cảnh đó, hàng loạt doanh nghiệp vận tải lại kiến nghị Bộ GTVT xem xét điều chỉnh giảm khung giá dịch vụ xếp dỡ container để tháo gỡ khó khăn trước tác động của dịch Covid-19. Tuy nhiên, sau khi xem xét kỹ, Bộ GTVT đã quyết định không giảm giá.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công, lý do thứ nhất là việc giảm giá xếp dỡ container trong thời điểm hiện tại không mang lại lợi ích cho doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam mà chỉ làm lợi cho các doanh nghiệp vận tải biển nước ngoài. Hiện 95% hàng hóa xuất nhập khẩu bằng container đi và đến Việt Nam đều do các tàu nước ngoài đảm nhận. Với khoảng 10 triệu TEU hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua các cảng biển Việt Nam, bình quân các hãng tàu đã được hưởng phần chênh lệch cước xếp dỡ lên đến hàng trăm triệu USD/năm.
Lý do nữa là giá xếp dỡ container tại Việt Nam hiện đang quá thấp. Tại Thông tư 54/2018 hướng dẫn về khung giá dịch vụ tại cảng biển Việt Nam, giá xếp dỡ container và nhiều dịch vụ khác tuy đã được điều chỉnh cao hơn trước nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Cảng Sài Gòn, cho biết, hiện mức giá sàn bốc xếp container nội địa khu vực TPHCM đang rất thấp, chỉ bằng 27% giá sàn container ngoại trong khu vực, trong khi các cảng vẫn phải đầu tư lớn cho trang thiết bị, cơ sở hạ tầng. Hiện Cảng Sài Gòn đang phải thực hiện giá dịch vụ bốc xếp container thấp hơn giá thành. Bên cạnh đó, giá sử dụng dịch cầu bến, phao neo cũng không tăng giá trong hơn 10 năm qua. Tương tự, đại diện Công ty CP Đầu tư và Phát triển cảng Đình Vũ (Hải Phòng) cũng cho biết, giá dịch vụ xếp dỡ container tại khu vực này đang thấp nhất cả nước, chỉ bằng 1/2 giá trong khu vực. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cảng biển đều cho rằng việc Bộ GTVT không đồng ý giảm giá 30% so với giá xếp dỡ tối thiểu như kiến nghị của các đơn vị vận tải biển là cần thiết nhưng chưa thể tháo gỡ được khó khăn đang hiện hữu.
Cần tiếp tục tháo gỡ
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp cảng biển, đại diện Hiệp hội Cảng biển Việt Nam và cộng đồng các doanh nghiệp cảng biển đã kiến nghị Bộ GTVT xem xét điều chỉnh nâng giá tối thiểu bốc xếp container tại cảng cho phù hợp với tình hình chung, đảm bảo cho các doanh nghiệp cảng phát triển bền vững. Về vấn đề này, Bộ GTVT cho biết đã yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 54/2018 trong đó tiếp tục tăng có lộ trình đối với giá dịch vụ xếp dỡ container và sửa đổi, bổ sung biểu khung giá hoa tiêu, lai dắt hàng hải, dịch vụ sử dụng cầu bến, phao neo cho phù hợp với thực tế, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, khắc phục được các vướng mắc hiện nay.
Bên cạnh việc tháo gỡ về giá xếp dỡ container tại cảng biển, đại diện Cảng Sài Gòn đề nghị, Cục Hàng hải Việt Nam cần có ý kiến với các cơ quan hữu quan xem xét áp dụng chung đơn giá thuê đất bến cảng để giải quyết khó khăn tài chính cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19. Trong năm 2019, cơ quan thuế đã thông báo thu thuế đất cho Cảng Tân Thuận và Cảng Tân Thuận 2 theo đơn giá thuê đất văn phòng, cao hơn 3 lần so với đơn giá thuê đất bến cảng. Đại diện Cảng Đình Vũ kiến nghị xem xét hỗ trợ giảm một số loại thuế cho doanh nghiệp do kinh doanh đang sụt giảm nghiêm trọng. Đặc biệt, các doanh nghiệp cảng cũng đề xuất đưa khối doanh nghiệp cảng biển vào diện đối tượng được hưởng gói hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó dịch Covid-19 của Chính phủ.
Trước những kiến nghị của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết, Bộ GTVT đang yêu cầu các cơ quan quản lý đánh giá chính xác tác động của dịch Covid-19 với các doanh nghiệp cảng biển để đưa ra giải pháp hỗ trợ đúng mức, kịp thời.
Không đồng ý giảm giá bốc xếp container, tuy nhiên để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải biển, Cục Hàng hải Việt Nam đã đề nghị các doanh nghiệp cảng biển giảm 10% giá dịch vụ hoa tiêu cho các tàu thuyền Việt Nam hoạt động tuyến nội địa. Thời gian thực hiện 3 tháng, kể từ ngày 1-5-2020. Hiện một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lai dắt đã giảm giá kịch khung đối với dịch vụ này.