Tình trạng thiếu container rỗng nghiêm trọng trong vận tải biển kéo dài suốt từ cuối năm ngoái đến nay nhiều khả năng sẽ còn tiếp diễn đến giữa năm.
Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), dữ liệu từ Baltic Exchange cho thấy, từ năm 2019 đến năm 2020, chi phí vận tải từ Trung Quốc đến Bờ Tây và Bờ Đông của Bắc Mỹ đã tăng lần lượt 208% và 110%. Chi phí vận chuyển giữa châu Á và châu Âu cũng tăng lên. Riêng trong tháng 12/2020, chi phí vận chuyển từ Trung Quốc đến Bắc Âu đã tăng 60%. Chi phí vận chuyển đến Rotterdam tăng gần gấp sáu lần trong một năm.
Năng lực vận chuyển trên toàn cầu tiếp tục giảm trong khi giá vận chuyển vẫn ở mức cao. Giá vận chuyển của một số công ty vận tải quốc tế thậm chí tăng quá cao, đặc biệt là sau tháng 10/2020, khiến tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp chủ hàng giảm xuống mức rất thấp. Giá vốn vận tải tăng, trong khi giá chung vẫn giữ nguyên gây nhiều áp lực cho các công ty. Kết quả là, một số công ty sẽ phải đối mặt với phá sản trong năm nay.
Mặc dù phần lớn hoạt động buôn bán vẫn diễn ra như bình thường, nhưng có hai vấn đề ngày càng gia tăng trong ngành phân phối. Thứ nhất, năng lực vận chuyển giảm, đẩy giá vận chuyển lên cao. Thứ hai, các công ty đang cạn kiệt vốn đệm để đối phó với chi phí vận chuyển cao bất ngờ, ảnh hưởng đến khả năng duy trì hoạt động của họ.
Các nhà bán lẻ Bắc Mỹ đang phải đối mặt với các cuộc đàm phán hợp đồng dịch vụ xuyên Thái Bình Dương khó khăn nhất trong thời gian gần đây. Giá cước vận chuyển đã tăng mạnh, cao hơn gấp đôi so với giá cước thông thường, tạo áp lực lớn lên ngân sách vận tải trong khi hàng hóa bị chậm trễ kéo dài. Các chủ hàng đang phải chấp nhận mức giá cao chỉ để đảm bảo có sẵn tải và các thiết bị cho vận chuyển hàng hóa của họ.
Các mức phí phát sinh cũng có thể đẩy tổng chi phí vận chuyển một container từ châu Á đến các bờ biển phía Tây và phía Đông của Bắc Mỹ lên trên 6.000 USD và 7.000 USD/FEU (trong vận tải hàng hóa bằng container, 1 container loại 20 feet tương ứng với 1 TEU, 1 FEU = 2 TEU). Phí lưu trú container cũng tăng lên, do các bến cảng hàng hải bị tắc nghẽn ở Nam California khiến việc nhận và trả container bị chậm trễ hơn bình thường.
Nhập khẩu hàng hóa từ châu Á vào Mỹ trong tháng 1 năm nay đã tăng 14% so với tháng 1/2020, kéo dài mùa vận chuyển cao điểm bắt đầu vào tháng 7/2020 trong bảy tháng liên tiếp. Đây cũng là chuỗi thời gian thị trường vận chuyển của nước này ở trong tình trạng “cao điểm” dài nhất từ trước đến nay. Khối lượng nhập khẩu hàng hóa từ châu Á vào Mỹ sẽ ở gần mức 1,59 triệu TEU của tháng 1 cho đến hết quý I/2021. Hàng hóa thương mại điện tử nhập khẩu vào Mỹ từ châu Á sẽ dẫn đến nhu cầu bổ sung hàng tồn kho liên tục của các nhà bán lẻ, và điều này được dự báo sẽ tiếp tục gây căng thẳng cho chuỗi cung ứng tại cảng và các mắt xích liên quan. Lượng hàng tăng mạnh đã tạo sức ép lên khả năng xếp dỡ hàng hóa của các cảng của Mỹ (cả ở Bờ Đông, Bờ Tây). Các cửa ngõ chính đã nhìn chung trong tình trạng tắc nghẽn các bến tàu biển, thiếu thiết bị và thời gian quay đầu xe tải lâu hơn bình thường.
Những thực trạng nói trên đang khiến cho tình trạng thiếu container vận chuyển tiếp tục gia tăng mỗi ngày và dự báo tình trạng này vẫn chưa thể giải quyết trong nửa đầu năm 2021.