Khủng hoảng chuỗi cung ứng đã gây nên ùn tắc nhiều tuyến vận tải và tiếp tục kéo dài trong suốt năm 2021. Nhiều chuyên gia dự báo tình trạng này sẽ còn tiếp tục trong năm 2022, vậy doanh nghiệp vận tải toàn cầu cũng như Việt Nam sẽ phải chuẩn bị, ứng phó như thế nào trong năm tới?
Tình trạng ùn tắc tuyến vận tải Âu – Mỹ được dự đoán sẽ kéo dài tới 2022
Trong khi tình hình tắc nghẽn tuyến vận tải Âu – Mỹ chưa thể được giải quyết trong thời gian gần, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực vận tải đã đưa ra dự đoán tình trạng này có thể sẽ kéo dài tới hết nửa đầu năm 2022.
Theo công ty bảo hiểm tín dụng thương mai Euler Hermes, các đợt bùng phát dịch mới, chính sách ‘không COVID’ của Trung Quốc, thiếu hụt lao động và sự biến động thương mại trong dịp Tết nguyên đán sẽ là những nguyên nhân chính để tắc nghẽn vận tải tiếp tục kéo dài. Trước đó, các chuyên gia phân tích cũng đã cảnh báo về việc biến thể mới Omicron có thể là đòn giáng tiếp theo vào cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng.
Ông Soren Skou, giám đốc điều hành Moller Maersk, tập đoàn vận tải biển hàng đầu thế giới chia sẻ: “Ngành vận tải biển đang có khoảng 300 con tàu chở hàng lênh đênh ngoài khơi chờ ngày được cập bến, hầu hết là tại Los Angeles, Mỹ và một số quốc gia Châu Âu. Nguyên nhân của tình trạng này không phải là bởi các cảng không đủ sức chứa, mà đó là do thiếu hụt lao động, thiếu hụt tài xế tại nhiều nơi”.
Trong khi đó, các doanh nghiệp thì vẫn đang loay hoay tìm phương hướng để hoạt động trong bối cảnh gián đoạn chuỗi cung ứng. Nhu cầu trên thị trường được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao bởi sau dịp lễ Giáng Sinh, vẫn còn đó là Tết nguyên đán và dịp lễ hội đầu năm 2022 của người Châu Á. Do đó, doanh nghiệp buộc phải thay đổi chiến lược như tăng cường kết nối với các nhà cung ứng địa phương, hợp tác kinh doanh cùng đối thủ.
Hay như với Sweetwater, nhà cung cấp nhạc cụ, thiết bị âm thanh lớn nhất của Hoa Kỳ thì chọn giải pháp tích trữ hàng hóa, tăng lượng hàng tồn kho từ sớm. Ông Phil Rich, người đứng đầu quản lý chuỗi cung ứng của công ty này chia sẻ: “Như với giáng sinh năm nay, chúng tôi đã chủ động đặt hàng từ tháng 6, tháng 7, thậm chí là từ tháng 3, tháng 4. Và lẽ dĩ nhiên, chúng tôi phải tận dụng tối đa công suất của các nhà kho để đảm bảo hàng hóa khi về sẽ luôn có không gian tích trữ.”
Còn tại Việt Nam, tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2021, ông Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cho biết, dù đã và đang tận dụng những cơ hội mà bối cảnh đại dịch COVID-19 đem lại, nhưng chi phí logistics đang tác động tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp:
“Các đơn vị logistic hiện nay phải gặp thứ nhất là chuyện tăng giá, thứ hai là phụ phí mà tôi có thể kể ra tại đây là hơn 10 loại phụ phí, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của chúng ta, làm giảm tính cạnh tranh của các đơn vị xuất nhập khẩu ở Việt Nam ở trên trường thế giới”.
Thiếu hụt nhân lực là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng ùn tắc tuyến vận tải
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cũng thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành dịch vụ logistic của nước ta vẫn còn nhiều hạn chế. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là sự thiếu hụt nhân lực. Theo ước tính của Bộ Công thương, Việt Nam đang cần khoảng 2,2 triệu nhân lực về logistic
Về giải pháp, PGS TS.Nguyễn Thanh Trương, Phó Chủ tịch Hiệp hội phát triển nhân lực logistic Việt Nam đề xuất: “Cần có kế hoạch rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục về lĩnh vực logistic làm sao cho gắn với sự phát triển kinh tế – xã hội của cả nước và nhu cầu của ngành logistic. Có thể xem xét xây dựng một số trung tâm đào tạo nhân lực trình độ cao ở cả 3 miền. Chúng ta có thể học theo kinh nghiệm của Singapore, quốc gia có trình độ phát triển logistic hàng đầu thế giới, đã tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao từ năm 2016 khi đầu tư 4,5 tỷ USD cho công cuộc này”.
Bên cạnh giải pháp phát triển nguồn nhân lực, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, cần tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác hoàn thiện thể chế, nhất là việc thể chế hóa kịp thời các quan điểm, đường lối của Đảng về kinh tế đối ngoại để hoàn thiện các cơ chế chính sách và quy định pháp luật về logistics;
Đồng thời Đẩy mạnh chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng công nghệ mới để thúc đẩy tự động hóa tối đa các quy trình hoạt động; triển khai các giải pháp nhằm phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, cảng biển, kho bãi; kết nối các phương thức vận tải. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động logistics theo hướng giảm thiểu thủ tục kiểm tra tại khâu nhập khẩu, tăng cường hậu kiểm và minh bạch trong vấn đề thủ tục hải quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngành logistics Việt Nam phát triển.