THÂN GỬI CÁC CÁN BỘ NHÂN VIÊN, SĨ QUAN, THUYỀN VIÊN CỦA TỔNG CÔNG TY HÀNG HẢI VIỆT NAM!
Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đã lây lan ra hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đến đầu tháng 4 năm 2020 vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ít nhất đã có hơn một triệu rưỡi người nhiễm bệnh và hơn 8 vạn người trong số đó đã tử vong. Mọi hoạt động giao thương, đi lại trên toàn thế giới hầu như bị “đóng băng”.
Đảng, Nhà nước và Chính phủ với tinh thần “chống dịch như chống giặc” đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, đồng bộ để kiềm chế, kiểm soát có hiệu quả sự lây lan, chủ động ngăn chặn, ứng phó với dịch bệnh trên toàn quốc; bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của nhân dân dù phải chấp nhận thiệt hại về kinh tế.
Nhiều tổ chức lớn và chuyên gia kinh tế trên thế giới cảnh báo dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng đại suy thoái. Ngành hàng hải vốn chưa hết khó khăn bởi suy thoái sâu và kéo dài hơn mười năm qua lại tiếp tục gặp “con sóng dữ” do Covid-19 đem đến.
Thưa các đồng chí, các bạn đồng nghiệp!
Cho dù ngay sau khi dịch bệnh bùng phát, Tổng công ty cùng các doanh nghiệp thành viên đã rà soát, phân tích, đánh giá cụ thể tác động của dịch bệnh, đưa ra các kịch bản ứng phó với những khó khăn của thị trường, nhưng nếu dịch bệnh kéo dài hết Quý 2 năm 2020, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động kinh doanh của toàn hệ thống VIMC. Theo tính toán, Tổng công ty có nguy cơ lỗ lớn, suy giảm mạnh các chỉ tiêu kinh tế tài chính. Đặc biệt, một số doanh nghiệp có sức khỏe tài chính yếu kém, nhất là các doanh nghiệp vận tải biển sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, thậm chí cạn kiệt dòng tiền, ảnh hưởng tới các hoạt động hàng ngày và đời sống của các gia đình cán bộ, nhân viên và đội ngũ sỹ quan, thuyền viên.
Khó khăn chồng khó khăn. Tổng công ty và các doanh nghiệp ngoài việc phải cắt giảm toàn bộ các khoản đầu tư chưa thực sự cấp bách, tiết kiệm đến mức tối đa các khoản chi có thể, còn phải tiếp tục cơ cấu lại các nguồn lực, cơ cấu lại các thị trường kinh doanh, bộ máy kinh doanh…
Những giải pháp này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các cán bộ, công nhân viên trong toàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, những người đang trực tiếp làm việc trên những con tàu, bến cảng, các cơ sở kinh doanh khác để giữ cho mạch máu hàng hóa của đất nước vẫn được duy trì, thông suốt. Hơn lúc nào hết, lãnh đạo Tổng công ty thấu hiểu được sự lo lắng, trăn trở, những khó khăn trong cuộc sống của các đồng chí, đồng nghiệp, nhất là các sĩ quan, thuyền viên, người lao động và cũng mong nhận được từ các đồng chí, đồng nghiệp sự chia sẻ, đoàn kết, giữ vững niềm tin để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Thưa các đồng chí!
Vào thời điểm khó khăn nhất những năm 2013-2015, Chúng ta đã vượt qua một “con sóng” rất lớn nhờ sự đoàn kết và thay đổi một cách mạnh mẽ. Chúng ta hãy tiếp tục “nắm tay nhau” chặt hơn, sáng tạo hơn, tận dụng sức mạnh của công nghệ để vượt qua “con sóng thần” do dịch bệnh lần này.
Giải pháp dù có hiệu quả, dù có mạnh mẽ nhưng cần phải có sự quyết liệt, cụ thể, dám nghĩ dám làm của lãnh đạo doanh nghiệp và người lao động. Hãy “biến nguy thành cơ” để sau giai đoạn dịch bệnh được khống chế, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam có thể bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều thách thức nhưng cũng đầy tiềm năng và cơ hội.
Hãy giữ vững niềm tin và sự mạnh mẽ, Chúng ta sẽ chiến thắng!