Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thị sát Cảng Quốc tế Cái Mép(CMIT)

22/03/21 10:45 AM

Sáng 20/3, trong khuôn khổ buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu,Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn Công tác của Chính phủ đã đến thị sát và làm việc tại Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cùng Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và lãnh đạo một số bộ, ngành và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thăm Cảng CMIT

Nằm trong phạm vi cụm cảng Cái Mép – Thị Vải, Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) là cảng liên doanh của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam(VMIC) với đối tác nước ngoài. Đây là một trong số 19 cảng trên thế giới có khả năng đón được các siêu tàu container lớn nhất hiện nay. Hàng năm, hơn 200 chuyến tàu từ cảng CMIT đã đi thẳng đến các cảng nước Mỹ và châu Âu, vận chuyển hơn 1,1 triệu TEUs (hơn 14,3 triệu tấn hàng hoá). Với tốc độ tăng trưởng bình quân 13%/năm, CMIT đã hoạt động vượt công suất thiết kế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hài lòng với những bước phát triển vượt bậc của Cụm cảng Cái Mép – Thị Vải thời gian qua, đặc biệt đánh giá cao mức tăng trưởng của cảng CMIT nhất là trong bối cảnh kinh tế cả nước chịu ảnh hưởng bất lợi từ dịch COVID-19. Để cụm cảng Cái Mép – Thị Vải nói chung và cảng CMIT nói riêng phát huy vai trò cảng trung chuyển quốc tế, Chính phủ ủng hộ các đề xuất sớm triển khai đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, hoàn thành xây dựng cầu Phước An, hình thành trung tâm logistics Cái Mép Hạ…

Chủ tịch HĐQT VIMC Lê Anh Sơn báo cáo với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về quy mô, định hướng phát triển của cảng CMIT

Vinh dự đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm, lãnh đạo VIMC bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc trước những quan tâm của Thủ tướng và Chính phủ về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng, hệ thống cảng biển tại BR-VT nói chung.

Nhân dịp này lãnh đạo VIMC và cảng CMIT đã kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành cho nạo vét sông Thị Vải đạt độ sâu mớn nước tối thiểu 15,5m để đón được tàu tải trọng lớn. Cùng với đó là sớm xây dựng tuyến đường sắt kết nối khu cảng với đường sắt quốc gia, vì hiện nay lượng hàng hóa tại khu vực CM-TV phải đưa vào TP. Hồ Chí Minh làm thủ tục hải quan còn quá lớn (hơn 90%), làm tăng chi phí logistics; kết nối Cái Mép với các cảng sông ở TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Lào, Campuchia và Thái Lan.

Thúc đẩy nhanh quá trình đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối đa phương thức; phát triển hệ sinh thái logistics để cụm cảng Cái Mép – Thị Vải có thể trở thành cảng trung chuyển hàng hóa quốc tế.