Thủy thủ, thuyền viên – những người vượt ‘sóng’ Covid-19

23/06/21 10:48 AM

Thuyền viên, những người lao động trên biển đang “vận hành” bộ máy khổng lồ của nền kinh tế toàn cầu. Hiện có trên 90% lượng hàng hóa như lương thực, nhiên liệu, nguyên liệu thô và hàng chế tạo được luân chuyển thông qua ngành vận tải biển.

Ngày 25/6 hàng năm được thế giới lấy làm “Ngày thuyền viên” nhằm ghi nhận những đóng góp, hy sinh của các thuyền viên – những người có thời gian dài sống và làm việc trên biển, xa cách gia đình, người thân và bạn bè.

Gần 2 năm chưa được “lên bờ” vì dịch Covid-19

Chỉ nhìn qua bộ đồng phục màu trắng, lấp lánh sao mũ trong những ngày tàu cập cảng, dịp lễ tết, khánh tiết, hay những chuyến du hành khắp thế giới… nhiều người chưa thể hiểu rõ về nghề thủy thủ, thuyền viên, thấu cảm những nỗi niềm sâu xa và cuộc sống khắc nghiệt mà họ trải qua hằng ngày.

Thông thường, khoảng vài tháng, thuyền viên được lên bờ nghỉ ngơi và được “thay ca”. Nhưng khi đại dịch Covid-19 ập đến, do hạn chế đi lại trên toàn thế giới, họ không thể về nhà như trước. Câu chuyện về những thủy thủ, thuyền viên hơn 1 năm, thậm chí gần 2 năm không được đoàn tụ với người thân, gia đình đã không còn xa lạ.

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) – một trong những doanh nghiệp hàng hải hàng đầu của cả nước với đội tàu biển hơn 70 chiếc hoạt động trên toàn thế giới, hơn 5.000 thuyền viên, trong hơn 1 năm qua chịu không ít ảnh hưởng vì dịch Covid-19.

Tổng giám đốc VIMC, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh cho biết: “Các doanh nghiệp vận tải biển trong tổng công ty đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn của thị trường và dịch bệnh Covid-19, làm tốt công tác tư tưởng cho các thủy thủ, thuyền viên, giúp cho họ yên tâm công tác; qua đó duy trì hiệu quả hoạt động của đội tàu. Đặc biệt, do làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh nên cho đến nay chưa có một thuyền viên hay thủy thủ nào bị nhiễm Covid-19”.

“Hộ chiếu vắc xin” cho thủy thủ, thuyền viên

Đại dịch Covid-19 lan rộng trên toàn thế giới, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế. Tuy vậy, hàng vạn thuyền viên Việt Nam làm việc trên các tàu treo cờ Việt Nam chạy các tuyến trong, ngoài nước; cùng hàng nghìn thuyền viên Việt Nam làm việc trên các tàu nước ngoài vẫn đang tiếp tục khắc phục khó khăn, vận hành tàu biển, duy trì sự lưu thông của hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa xuất nhập khẩu.

Đại diện VIMC chia sẻ: “Thuyền viên tàu biển – do đặc thù của nghề phải cập cảng biển tại nhiều quốc gia, tiếp xúc với nhiều đối tượng nên nguy cơ lây nhiễm cao. Đội tàu biển Việt Nam không chỉ thay người tại Việt Nam, mà có những tàu liên tục hoạt động ở nước ngoài, thay thuyền viên tại nước ngoài. Thuyền viên được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 sẽ là “Hộ chiếu vaccine” để đi lại thuận lợi giữa các nước, lên bờ và thay đổi thuyền viên”.

Ủy ban An toàn hàng hải (MSC) của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) đã công nhận vai trò quan trọng của các thuyền viên đối với ngành hàng hải quốc tế và đối với cả thế giới; đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết trong ưu tiên thuyền viên được tiếp cận với vắc xin Covid-19. IMO cũng đang phối hợp với các cơ quan liên quan của Liên hợp quốc, kêu gọi các Chính phủ ưu tiên các thuyền viên của quốc gia mình trong chương trình tiêm chủng vắc xin Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển an toàn qua biên giới.

Vietnamnet