Đại dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) diễn ra trên toàn thế giới, thực sự là một cuộc đại khủng hoảng ảnh hưởng đến hàng tỉ con người. Trong số ấy, thuyền viên với nghề nghiệp đặc thù, họ cũng phải trải qua những tháng ngày chẳng giống ai khi lênh đênh trên biển mà không thể cập bờ vì “người dân của chúng tôi là trên hết” của các quốc gia và vùng lãnh thổ.
Lênh đênh không dễ lên bờ mùa dịch.
Thông thường có khoảng 100.000 thuyền viên được thay đổi mỗi tháng trên khắp thế giới. Trong bối cảnh nhiều hạn chế được áp đặt tại các cảng trên khắp thế giới do đại dịch Covid-19 cũng như thiếu các chuyến bay quốc tế khiến hàng ngàn thuyền viên bị mắc kẹt trên bờ hoặc trên tàu sau khi kết thúc hợp đồng làm việc. Điều đó dẫn đến việc thuyền viên bị mệt mỏi cả về thể chất cũng như tinh thần. Chính sách đóng cửa biên giới, phong toả, cách ly phòng chống dịch bệnh của hầu hết các nước trên thế giới cũng dẫn đến, khi thuyền viên đang làm việc trên tàu biển bị hết hạn chứng chỉ chuyên môn nhưng chủ tàu không thể thay thế hoặc bàn giao chứng chỉ chuyên môn đã được gia hạn mới cho thuyền viên được…
Các công ty vận tải biển nỗ lực hỗ trợ thuyền viên
Năm 2019, do tập trung tìm kiếm các hợp đồng COA (dài hạn), vận tải hai chiều, tăng cường thuê tàu khai thác tàu ngoài để nâng cao sản lượng, doanh thu và hiệu quả khai thác chung toàn đội tàu, một số doanh nghiệp trong Tổng công ty như Vosco, Vinaship đã có kết quả kinh doanh khả quan. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã khiến mọi kế hoạch năm 2020 phải lỡ dở khi các tàu phải nằm chờ hàng tại các cảng khu vực Đông – Nam Á vì không có hàng vận chuyển như Vosco hay như doanh nghiệp có tàu cho thuê định hạn như Vitranchart cũng gặp khó khăn khi người thuê tàu đề nghị thanh lý hợp đồng sớm, trả tàu.
Mặc dù gặp khó khăn kép, chưa kể quy định mới của IMO, siết chặt tiêu chuẩn đối với nhiên liệu vận hành tàu làm phát sinh thêm nhiều chi phí, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và các doanh nghiệp vận tải biển thành viên vẫn ưu tiên và hỗ trợ những điều kiện tốt nhất có thể đối với thuyền viên trên tàu bởi họ chính là những người ngày đêm vận hành, bảo dưỡng những con tàu đó đảm bảo chúng hoạt động liên tục với hiệu quả cao nhất. Vào thời điểm khó khăn, khi hầu hết các bộ phận đều bị giảm lương thì các thuyền viên trên tàu được giữ nguyên thu nhập. Bên cạnh đó, để ứng phó và hạn chế tác động của dịch bệnh Covid-19, đảm bảo an toàn cho đội nghũ thuyền viên, các công ty vận tải biển đã tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch như: Trang bị khẩu trang, nước rửa tay, thực hiện tiêu độc, khử trùng, hỗ trợ các biện pháp giúp nâng cao sức khỏe, thể trạng cho người lao động như cung cấp đủ nước uống; nâng cao chất lượng bữa ăn ca; bố trí ca làm việc hợp lý; tuyên truyền tới các sỹ quan, thuyền viên trên tàu bám sát hành trình, nêu cao tinh thần cảnh giác và xây dựng các phương án ứng phó khi tàu đi qua vùng có dịch để không thuyền viên nào trên tàu bị lây nhiễm dịch bệnh.
Ngày của Người đi biển 2020
Ngày 25/6 – ngày của những người đi biển năm nay được Tổ chức Hàng hải Thế giới (IMO) tôn vinh với chủ đề: “Người đi biển là Những người lao động chủ chốt – Seafarers are Key Workers”.
Tổng thư ký IMO Kitack Lim trong thông điệp của mình gửi đến những người đi biển ở khắp nơi trên thế giới, đã bày tỏ việc IMO hiểu được những vấn đề khó khăn mà các thuyền viên gặp phải trong đại dịch COVID-19. Tổng thư ký IMO cũng kêu gọi các quốc gia thành viên IMO và các công ty vận tải linh hoạt, tạo điều kiện và cung cấp cho họ các hỗ trợ thiết yếu, tạo điều kiện tối đa trong việc đi lại cho họ trong đại dịch.
TGTT