Ngày 14/10, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) Nguyễn Hoàng Anh đã chủ trì cuộc họp giao ban 9 tháng với 19 Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc.
Toàn cảnh buổi họp giao ban |
Tham dự cuộc họp có Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng; lãnh đạo các Vụ, Văn phòng và Trung tâm thông tin Ủy ban cùng đại diện lãnh đạo 19 Tập đoàn, Tổng công ty.
Hoàn thành nhiệm vụ được giao
Báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ 9 tháng năm 2019 của Ủy ban và 19 Tập đoàn, Tổng công ty, ông Đỗ Hữu Huy – Chánh Văn phòng Ủy ban cho biết: Đến nay, Ủy ban bước đầu hoàn thành nhiệm vụ về kiện toàn cơ cấu tổ chức, cán bộ, cũng như công tác đào tạo, công tác thi đua khen thưởng. Từ khi thành lập, Ủy ban đã xây dựng, ban hành 44 quy chế, quy định, quy trình, hướng dẫn nội bộ.
Ông Đỗ Hữu Huy – Chánh Văn phòng Ủy ban |
Hoạt động công nghệ thông tin được triển khai đồng bộ, hiệu quả; các ứng dụng nền tảng và hỗ trợ quản trị nội bộ, hỗ trợ giám sát doanh nghiệp tiếp tục vận hành ổn định; an ninh mạng và an toàn thông tin được đảm bảo; Cổng thông tin điện tử của Ủy ban đã đăng tải 2.323 tin, bài về hoạt động của lãnh đạo Ủy ban và sự kiện, hoạt động của doanh nghiệp. Về xây dựng Chính phủ điện tử, Ủy ban cơ bản đáp ứng yêu cầu kiến trúc Chính phủ điện tử 1.0, đã kết nối thông suốt với Trục liên thông văn bản quốc gia.
Về thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan đại diện chủ sở hữu, Ủy ban đã chỉ đạo doanh nghiệp xây dựng Chiến lược phát triển giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến 2035; kế hoạch kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2019 – 2024. Bên cạnh đó, Ủy ban đã hoàn thành nhiệm vụ phê duyệt báo cáo tài chính; giám sát, kiểm tra việc quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng như công tác đánh giá kết quả hoạt động, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Ủy ban cũng phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tập trung xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, quyết toán vốn khi cổ phần hóa đối với doanh nghiệp trực thuộc. Đến nay, về cơ bản, các Tập đoàn, Tổng công ty đã và đang nghiên cứu, thực hiện cơ cấu lại lĩnh vực, ngành kinh doanh; thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành; cơ cấu lại phương án sản xuất kinh doanh, chiến lược đầu tư, phát triển của doanh nghiệp; đổi mới quản trị doanh nghiệp; hoàn thiện các định mức kinh tế – kỹ thuật; cơ cấu lại tài chính, nguồn nhân lực; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ khoa học vào hoạt động sản xuất – kinh doanh. Theo đánh giá, công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đã được thực hiện theo đúng quy định pháp luật, công khai minh bạch; tuy nhiên, tiến độ chưa đáp ứng kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Sau khi tiếp nhận nhiệm vụ Thường trực và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém tại một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương, Ủy ban đã làm việc với các Tập đoàn, Tổng công ty để nắm bắt tình hình và chỉ đạo xử lý, tháo gỡ các vấn đề khó khăn, vướng mắc cụ thể tại từng dự án, doanh nghiệp. Ủy ban đã báo cáo với Ban Chỉ đạo, Ban Kinh tế Trung ương, Thường trực Ban Bí thư về tình hình và phương án xử lý các tồn tại, yếu kém tại một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương; báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý đối với các vướng mắc thực hiện quyết toán theo Thông tư 09/2016/TT-BTC và xác định giá trị thanh toán hợp đồng EPC.
Kiến nghị của doanh nghiệp
Tại phần thảo luận, lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng công ty đều đồng nhất ý kiến, đánh giá cao hiệu quả trong công tác phối hợp chuyên môn với các Vụ chức năng cũng như sự đồng hành, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo của Ủy ban trong giải quyết những vướng mắc.
Bên cạnh đó, đại diện các Tập đoàn, Tổng công ty cũng nêu ra những khó khăn mà doanh nghiệp đang đối mặt cũng như đưa ra những đề xuất, kiến nghị với Ủy ban.
Ông Vũ Thế Phiệt – Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam |
Ông Vũ Thế Phiệt – Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết: Hiện nay, ACV gặp khó trong công tác đầu tư sửa chữa, khắc phục hư hỏng hệ thống đường băng. Sau khi ACV cổ phần hoá, từ năm 2016, do liên quan đến vấn đề an ninh sân bay nên các khu bay, các đường bay, đường lăn thuộc Nhà nước quản lý. Như vậy, Nhà nước chịu trách nhiệm bố trí kinh phí để cải tạo, nâng cấp chứ không phải doanh nghiệp.
Về dự án xây dựng sân bay Long Thành, lãnh đạo ACV kêu gọi các doanh nghiệp của Ủy ban cùng tham gia ở các hạng mục khác nhau, khẳng định vai trò của doanh nghiệp nhà nước ở các dự án trọng điểm của quốc gia.
Ông Vũ Anh Minh – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam |
Chia sẻ khó khăn trong công tác sửa chữa, nâng cấp hạ tầng, ông Vũ Anh Minh – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết: Chi phí duy tu sửa chữa hàng năm của ngành đường sắt chỉ được bố trí khoảng 30% so với nhu cầu. Vì thế, các hạng mục sửa chữa liên tục bị dồn lại, càng ngày càng xuống cấp trầm trọng, gây mất an toàn chạy tàu và ngành đường sắt phải “lựa cơm, gắp mắm” để lựa chọn những dự án cấp thiết nâng cấp, sửa chữa.
Ngoài ra, đại diện của VNR cũng chỉ ra khó khăn nhất hiện nay là phải thực hiện trong điều kiện vừa thi công vừa khai thác. Việc thi công chỉ có thể làm tranh thủ trong thời gian ngắn giãn cách giữa hai chuyến tàu.
Ông Trần Đình Nhân – Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam |
Ông Trần Đình Nhân – Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: Công tác đầu tư xây dựng các dự án điện thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn, trong đó nhiều dự án bị chậm tiến độ so với dự kiến. Việc này làm ảnh hưởng rất lớn đến cân đối cung – cầu điện trong giai đoạn đến 2025, xuất hiện nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng vào các năm 2022, 2023 và khó khăn về cung ứng điện vào các năm 2020, 2021. Trong khi nhiều dự án nguồn chậm tiến độ, việc đảm bảo nguồn nhiên liệu cho phát điện trong giai đoạn tới cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tình hình cung cấp than cho các nhà máy điện chưa đáp ứng được yêu cầu cả về khối lượng, chất lượng và chủng loại than. Lãnh đạo của EVN đề nghị Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) có những hỗ trợ đặc biệt về nguồn nguyên liệu đầu vào.
Ông Lê Minh Chuẩn – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam |
Ông Lê Minh Chuẩn – Chủ tịch Hội đồng thành viên TKV khẳng định, TKV sẽ nỗ lực đảm bảo cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện của EVN. Về những khó khăn của doanh nghiệp, ông Lê Minh Chuẩn chia sẻ còn tồn đọng nhiều vướng mắc trong quy hoạch phát triển kinh tế địa phương và quy hoạch phát triển ngành. Bên cạnh đó, cạnh tranh trong thị trường ngành than giữa doanh nghiệp nhà nước và khối tư nhân chưa minh bạch và hài hòa.
Lãnh đạo TKV cũng cho biết thủ tục đầu tư, nhất là trong công tác thăm dò, cấp phép còn diễn ra khá lâu; thậm chí, những hoạt động đầu tư ở một số địa phương còn mang tính nhiệm kỳ của lãnh đạo, gây ra không ít khó khăn cho TKV.
Ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam |
Theo ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), trong thời gian gần đây, ngành sản xuất cao su của Việt Nam gặp nhiều khó khăn bởi tuy sản lượng vẫn đảm bảo nhưng giá cao su trên thị trường thế giới nói chung, giá cao su Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc nói riêng liên tục giảm khi các nhà đầu tư thực sự lo ngại về chiến tranh thương mại Mỹ – Trung ngày càng leo thang. Lãnh đạo VRG cũng đề nghị Ủy ban có những hướng dẫn trong công tác bàn giao đất và thoái vốn của doanh nghiệp.
Ông Dương Trí Thành – Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam |
Chia sẻ về tình trạng “được mùa, mất giá” với VRG, ông Dương Trí Thành – Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) – cho biết: Trong bối cảnh cạnh tranh hàng không gay gắt như hiện nay, doanh nghiệp đang phải tính toán từng mùa cao điểm, từng chuyến bay cao điểm, từng chỗ bán với mức giá đảm bảo tối ưu hoá doanh thu. Bên cạnh đó, lãnh đạo Vietnam Airlines cũng chia sẻ quan điểm về mong muốn có một sự cạnh tranh công bằng, minh bạch với những thành phần kinh tế khác trên thị trường giống như trường hợp của TKV. Về dự án xây dựng sân bay Long Thành, Vietnam Airlines sẵn lòng tham gia đầu tư, sát cánh cùng ACV.
Ông Nguyễn Xuân Hòa – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam |
Ông Nguyễn Xuân Hòa – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đưa ra ý kiến: Hành lang pháp lý, bao gồm quy chế tài chính và Luật Dầu khí hiện hành đang tạo ra những bất cập trong công tác gia tăng trữ lượng. Doanh nghiệp đang gặp khó trong việc bảo toàn vốn nhà nước bởi nhiệm vụ tìm kiếm, thăm dò giếng dầu mới khó có thể đảm bảo 100% thành công.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Xuân Hòa cũng đưa ra những đề xuất liên quan tới công tác tái cấu trúc 1 số đơn vị trực thuộc PVN.
Ông Nguyễn Phú Cường – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam |
Ông Nguyễn Phú Cường – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem) lý giải những khó khăn tác động tới doanh nghiệp hóa chất liên quan tới chính sách thuế, quy định đầu tư vốn nhà nước và sự cạnh tranh của khối doanh nghiệp tư nhân.
Ông Lê Anh Sơn – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Hàng hải Việt Nam |
Ông Lê Anh Sơn – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cho biết: Từ khi triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu theo Quyết định số 276/QĐ-TTg ngày 4/2/2003, Vinalines đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nằm tái cơ cấu toàn diện và đã dần hồi phục để duy trì ổn định năng lực sản xuất kinh doanh. Sau giai đoạn tái cơ cấu, các chỉ số tài chính đạt mức an toàn, vốn chủ sở hữu được bảo toàn và phát triển.
Lãnh đạo Vinalines cũng cho rằng, sự cạnh tranh trong các lĩnh vực hoạt động cốt lõi của Tổng công ty, bao gồm khối cảng biển, vận tải biển hay hoạt động logistics đang diễn ra rất mạnh mẽ. Bên cạnh đó, sau thời gian dài tái cơ cấu, nguồn lực tài chính của Vinalines không đủ để đáp ứng nhu cầu đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh.
Ông Trần Mạnh Hùng – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam |
Ông Trần Mạnh Hùng – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) chia sẻ quan điểm về vấn đề các doanh nghiệp cần chủ động và tích cực trong công tác vận động chính sách; đồng thời,cũng chia sẻ những kinh nghiệm của VNPT trong công tác tái cơ cấu doanh nghiệp.
Tiếp tục là các đầu tàu kinh tế của đất nước
Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Thị Phú Hà |
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Phú Hà nhấn mạnh: Ủy ban luôn đồng hành cùng 19 Tập đoàn, Tổng công ty, đưa những đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp lên các cơ quan có thẩm quyền.
Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Phú Hà đề nghị các doanh nghiệp cần bám sát, cập nhật các vấn đề luật liên quan tới doanh nghiệp nhà nước; đồng thời đề xuất, thời gian tới, Ủy ban và các doanh nghiệp sẽ tăng cường họp giao ban cũng như tổ chức những hội thảo chuyên đề nhằm nâng cao hiệu quả hơn nữa trong công tác phối hợp.
Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng |
Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng đưa ra đánh giá, về cơ bản, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các 19 Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc Ủy ban vẫn cho thấy những tín hiệu tích cực, tiếp tục thể hiện được vai trò và vị thế của doanh nghiệp nhà nước.
Liên quan tới những vướng mắc của các doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng cho rằng, doanh nghiệp cần trao đổi và phối hợp với Ủy ban sâu hơn nữa. Với những khó khăn liên quan tới địa phương, Bộ, ngành, Ủy ban luôn đóng vai trò kết nối, tuy nhiên, đi kèm với đó phải là sự quyết liệt, tích cực tham gia của doanh nghiệp.
Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh phát biểu kết luận |
Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh ghi nhận sự cố gắng nỗ lực của các doanh nghiệp trong 9 tháng năm 2019. Với sự làm việc tích cực, các Tập đoàn, Tổng công ty cơ bản đã đạt được một số kết quả nhất định, nhiều khả năng sẽ hoàn thành tốt mục tiêu, kế hoạch đề ra từ đầu năm.
“Như chúng ta đã biết, năm 2019 là năm chuẩn bị tổng kết đánh giá và chuẩn bị nội dung xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm, vì vậy cần tập trung nguồn lực để tạo chuyển biến bứt phá, nó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm. Trước tình hình đó, các doanh nghiệp của Ủy ban cần phải tiếp tục là các đầu tàu kinh tế đóng góp vào việc hoàn thành các mục tiêu chiến lược và kế hoạch phát triển của cả nước” – người đứng đầu Ủy ban nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh cũng lưu ý lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng công ty cần chỉ đạo quyết liệt để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đảm bảo phát triển vốn và nguồn lực của nhà nước. Trước những khó khăn của doanh nghiệp, Chủ tịch yêu cầu các doanh nghiệp cần có lộ trình, phối hợp với Ủy ban, từng bước tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật; đồng thời, yêu cầu các Tập đoàn, Tổng công ty sớm kiện toàn đội ngũ kiểm soát viên tại doanh nghiệp.
UBQLVNN