Từ Vinalines đến VIMC: 25 năm một chặng đường vượt sóng

29/04/20 8:00 AM

Trước yêu cầu phát triển và hội nhập của đất nước, phát huy lợi thế kinh tế biển, ngày 29/4/1995, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 250/TTg thành lập Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Chính phủ có vai trò chủ đạo trong phát triển ngành Hàng hải Việt Nam.

Đây là thời điểm quan trọng về mặt tổ chức và thể chế của ngành Hàng hải, thời điểm mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tại thời điểm thành lập 1995, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam bao gồm 24 doanh nghiệp thành viên, với một cơ sở vật chất kỹ thuật nhỏ và lạc hậu, đội tàu chỉ có 49 chiếc tổng trọng tải chưa đến 400.000 DWT, phần lớn là tàu cũ, tuổi trung bình lên đến 21,5 năm, không có tàu chuyên dụng, hệ thống cảng biển với 6.900 m cầu bến chưa được nâng cấp, không có bến chuyên dụng, trang thiết bị lạc hậu, năng suất thấp (chỉ bằng 30% các cảng trong khu vực), số vốn nhà nước giao chưa đến 1.500 tỷ đồng.

Đến thời điểm năm 2000, số tàu của Tổng công ty là 79 chiếc, tổng trọng tải hơn 844.000 DWT. Nét nổi bật trong hoạt động kinh doanh vận tải biển trong giai đoạn này là việc đưa vào khai thác chuyên tuyến vận tải container nội địa bằng các tàu container mới đầu tư, tạo ra một bước phát triển lớn trong vận tải container và vận tải đa phương thức ở Việt Nam. Năm 1998, mua tàu Pacific Falcon, tàu chở dầu thô đầu tiên của Việt Nam có trọng tải trên 60.000 DWT; năm 2000 đóng tàu hàng khô Mỹ Thuận, là tàu đầu tiên có trọng tải 6.500 DWT được đóng mới tại Việt Nam mở ra một giai đoạn mới tạo tiền đề cho ngành công nghiệp đóng tàu trong nước phát triển. Năm 1997, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội chủ tàu châu Á.

Nhằm mục tiêu phát triển ngành Hàng hải ngày một vững mạnh, ngày 01/11/2001, tại Quyết định số 1419/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển Tổng công ty Hàng hải Việt Nam giai đoạn 2001 – 2005, với mục tiêu đến năm 2010, Tổng công ty trở thành một tập đoàn hàng hải trung bình trong khu vực. Đến hết năm 2004, số vốn của Tổng công ty là hơn 2.900 tỷ đồng, tăng 1,3 lần so với năm 2000 và gần gấp đôi so với thời điểm 1995. Tổng số tàu biển đến hết năm 2005 là 104 tàu với tổng trọng tải gần 1,2 triệu DWT, tuổi tàu trung bình giảm xuống còn 17,4. Tổng số m cầu cảng đến hết năm 2005 là gần 9.000m. Năm 2005 đưa vào sử dụng tòa nhà Ocean Park tại số 01 phố Đào Duy Anh. Với quy mô 21 tầng bao gồm 2 tầng hầm, tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng, chức năng làm trụ trở làm việc của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và văn phòng cho thuê.

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam luôn đẩy mạnh tìm kiếm các nguồn đầu tư, với mục tiêu kinh doanh đa ngành, trong đó vận tải biển, quản lý và khai thác cảng, dịch vụ hàng hải là chính, giữ vai trò chủ lực trong ngành hàng hải Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Đến hết năm 2010, đội tàu của Tổng công ty gồm 150 chiếc, tổng trọng tải đạt gần 2,7 triệu DWT, tuổi trung bình của đội tàu giảm từ 21,5 xuống 16,2; tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa gần 33 triệu tấn tăng hơn 8 lần; tổng số m cầu bến hơn 16.000 m tăng hơn 2 lần, sản lượng hàng thông qua cảng đạt gần 70 triệu tấn, tăng gần 6 lần.

Và tổng số vốn nhà nước tại Tổng công ty năm 2010 là hơn 8.000 tỷ đồng, tăng 5,4 lần so với số vốn được giao từ ngày đầu thành lập. Từ năm 2007 đến 2010, tổng số tiền Tổng công ty đóng góp vào Ngân sách Nhà nước hơn 3.900 tỷ đồng.

Trên cơ sở phát huy những lợi thế về tiềm năng kinh tế biển, thực hiện chiến lược phát ngành Hàng hải trong hội nhập kinh tế quốc, ngày 26/9/2012, Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị về tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và khẳng định cần tái cơ cấu toàn diện và mạnh mẽ Tổng công ty Hàng hải Việt Nam để Tổng công ty vượt qua khó khăn trong giai đoạn trước mắt và phát triển vững mạnh khi thị trường vận tải biển phục hồi. Ngày 04/02/2013, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 276/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án Tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam giai đoạn 2012 – 2015. Mục tiêu của Đề án là đảm bảo Tổng công ty có cơ cấu hợp lý, tập trung vào 03 lĩnh vực chính là vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải, từng bước tháo gỡ khó khăn trong giai đoạn 2012 – 2015, tạo sự ổn định và phát triển phù hợp với điều kiện thị trường giai đoạn 2016 – 2020, là doanh nghiệp nòng cốt trong lĩnh vực vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải, góp phần thực hiện thành công Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và các năm tiếp theo.

Kết quả tái cơ cấu Tổng công ty đạt được đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo tích cực, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành liên quan đối với Tổng công ty trong công cuộc tái cơ cấu giai đoạn 2012 – 2015 và những năm sau tái cơ cấu. Kết quả đạt được cũng khẳng định sự quyết tâm của bộ máy lãnh đạo Tổng công ty đã đoàn kết, chung sức đồng lòng, tạo dựng lại niềm tin của người lao động trong toàn Tổng công ty để cùng quyết liệt triển khai thực hiện các giải pháp tái cơ cấu theo Đề án, sáng tạo, đề xuất giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.

Trên cơ sở đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt, ngày 20/6/2018 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 751/QĐ-TTg phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty mẹ – Tổng công ty Hàng hải Việt Nam; đây là sự khẳng định việc tái cơ cấu thành công Tổng công ty. Với tên giao dịch quốc tế VIETNAM MARITIME CORPORATION (VIMC), sau khi chuyển sang hoạt động theo mô hình quản trị mới, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – CTCP vẫn giữ mục tiêu đến năm 2020 là doanh nghiệp hàng đầu của ngành hàng hải Việt Nam trong các lĩnh vực vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải. Đến năm 2030 trở thành doanh nghiệp có thương hiệu trong khu vực có năng lực cạnh tranh cao, phát triển mảng kinh doanh vận tải biển theo hướng củng cố đội tàu container và tàu hàng khô, chiếm lĩnh thị trường nhập khẩu, thị trường nội địa và tham gia thị trường nội Á. Bên cạnh đó, nguồn lực được tập trung cho đầu tư hoàn thiện sớm, đưa vào khai thác các cảng nước sâu có vị trí trọng điểm như Tân Vũ, Lạch Huyện ở phía Bắc, nâng cao năng lực các cảng Tiên Sa ở miền Trung, Hiệp Phước, cụm cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải ở khu vực phía Nam… Tiếp tục đẩy mạnh dịch vụ chuỗi, tích hợp hoạt động cảng biển – vận tải biển – dịch vụ hàng hải trong dịch vụ logistics trọn gói nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho các khách hàng.

VIDEO: