Vận tải biển xoay xở thoát “vòng xoáy” Covid-19

11/06/20 8:31 AM

Doanh nghiệp cảng biển và vận tải biển đang nỗ lực bám sát chính sách kinh tế của các quốc gia trên thế giới để khơi thông bế tắc hậu Covid-19.

Thị trường vận tải biển nói chung đã có dấu hiệu sáng sủa hơn khi dịch Covid-19 được nhiều quốc gia khống chế thành công

Vận tải biển giải tỏa nỗi lo ách tắc

Ông Phạm Đăng Khoa, Trưởng phòng Khai thác Công ty Vận tải biển Vinalines cho biết, bước sang tháng 6/2020, thị trường vận tải biển nói chung đã có dấu hiệu sáng sủa hơn khi dịch Covid-19 được nhiều quốc gia khống chế thành công.

“Nếu cách đây 2 tháng (4/2020), nhiều nước như: Ấn Độ, Philippines… đồng loạt “bế quan tỏa cảng”, toàn bộ hoạt động tại cảng biển phải dừng lại, đội tàu biển Việt Nam chạy tuyến quốc tế chật vật, cả tháng không có một đơn hàng, buộc phải về thị trường nội địa “kiếm ăn” thì hiện tại, các tuyến vận tải như xi măng từ Việt Nam đi Philippines; mặt hàng đường từ Thái đi Indonesia hoặc đi Việt Nam, clinker từ Việt Nam đi Trung Quốc đã được mở lại.

Các tàu vận tải tuyến quốc tế quay về trong mùa dịch đã bắt đầu không còn mặn mà với thị trường trong nước”, ông Khoa nói.

Theo ông Khoa, luồng hàng hóa được khơi thông, chỉ số thuê tàu hàng khô (BDI) cũng nhích dần. Tính tại thời điểm ngày 8/6, chỉ số BDI cỡ tàu Supramax (50.000 – 60.000 DWT) vào khoảng 507 điểm (thời điểm khó khăn nhất trong đợt dịch là 500 điểm), cỡ tàu Handisize (15.000 – 35.000 DWT) ở mức 294 điểm (cách đó một tháng khoảng 250 điểm).

Tuy vậy, ông Khoa cho rằng, chỉ số trên vẫn khá thấp so với mức điểm để hãng vận tải có thể ổn định và phát triển (1.000 – 1.500 điểm).

“Giá cước mặt hàng như: Than, clinker, đường… cũng chưa được như kỳ vọng của các doanh nghiệp (DN) vận tải. Đơn cử, mặt hàng than đi Philippines hiện dao động từ 6 – 8 USD/tấn (tùy từng khu vực). Trong khi đó, giá cước ổn định phải hơn 10 USD”, ông Khoa cho hay.

Trái ngược với dấu hiệu “khởi sắc” của tàu chạy tuyến quốc tế, đội tàu nội địa vẫn chưa thoát khỏi “vòng xoáy” Covid-19.

Ông Vũ Đức Ngọ, GĐ Công ty TNHH Thương mại và vận tải Vũ Gia Tam (Thái Bình) cho biết, hiện, DN này đang có khoảng 3 tàu phải chờ “ăn hàng” dài ngày trong khu vực nhiệt điện Duyên hải do hàng khan hiếm. Trong đó, tàu nằm chờ lâu nhất đã hơn 20 ngày.

“Ước tính, mỗi ngày một con tàu 5.000 tấn nằm chờ, chi phí cho tiền lương, bảo hiểm xã hội cho thuyền viên, bảo hiểm thân vỏ, nhiên liệu… đơn vị phải bỏ ra khoảng 7 triệu đồng. Các DN vận tải nội địa đang vô cùng khó khăn”, ông Ngọ nói.

Đối với khối cảng biển, một số khu vực cảng có lượng hàng giảm sâu trong tháng 4/2020, hơn một tháng nay cũng đã đón nhận nhiều tín hiệu tích cực.

Theo đại diện cảng vụ hàng hải Vũng Tàu, nếu tháng 4/2020, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Vũng Tàu chỉ đạt gần 8,3 triệu tấn (giảm 7% so với cùng kỳ năm trước) thì trong tháng 5/2020, lượng hàng thông qua đạt hơn 9,6 triệu so với gần 9,5 triệu tấn so với cùng năm 2019.

“Điểm sáng” từ hiệp định thương mại

Chia sẻ về giải pháp vực dậy hoạt động vận tải biển sau dịch, ông Phạm Đăng Khoa dự báo, hai quý cuối năm, tình hình còn rất khó khăn do dịch còn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia.

“Khi dịch bắt đầu xảy ra, các công ty, trong đó có Công ty Vận tải biển Vinalines đã tính đến giải pháp đảo chuyển tàu, vùng này có dịch thì đẩy tàu sang vùng không có dịch.

Song, giờ dịch lan ra toàn cầu, giải pháp này gần như không khả thi”, ông Khoa nói và cho rằng, để dự đoán, lựa chọn được phương án kinh doanh tốt nhất tại thời điểm này, các DN vận tải chỉ có thể bám sát vào chính sách thay đổi từng ngày của các nước.

“Điển hình nhất là thị trường Trung Quốc, trong tháng 5/2020, giữa “cơn khát” hàng hóa của tàu vận tải, quốc gia này thay đổi không lấy quặng từ Brazil mà lấy từ Ấn Độ. Trên chặng ngắn này, giá cước thuê tàu cỡ Supramax tăng lên đến 12.000 USD/ngày, trong khi đó khu vực Đông Nam Á chỉ khoảng 4.000 – 5.000 USD/ngày.

Tuy nhiên, chỉ khoảng 1 tháng sau, người ta lại chuyển sang cỡ tàu Capesize lớn hơn, mức cước của tàu Supramax lại giảm”, ông Khoa dẫn chứng.

Nhìn từ chiều hướng tích cực hơn, ông Trịnh Thế Cường, Trưởng phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải (Cục Hàng hải VN) cho biết, sự kiện Quốc hội Việt Nam vừa chính thức thông qua việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu mở ra hy vọng cho sự phục hồi của hoạt động hàng hải nếu có hiệu lực ngay trong năm nay.

“Kể từ ngày đầu tiên EVFTA có hiệu lực, việc cắt giảm thuế quan sẽ áp dụng cho 65% hàng xuất khẩu của EU sang Việt Nam và 71% hàng nhập khẩu của EU từ Việt Nam. Cộng với tình hình các nước châu Âu đang bắt đầu dỡ bỏ cách ly xã hội khi dịch Covid-19 “giảm nhiệt”, tất cả các yếu tố đó sẽ thúc đẩy thương mại giữa hai bên.

Với đặc điểm 90% hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam thông thương bằng đường biển, hoạt động hàng hải sẽ trở nên sôi động”, ông Cường nói.


“Theo ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội DN Dịch vụ logistics VN, nếu có hiệu lực trong năm 2020, EVFTA sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam có cơ hội phục hồi, phát triển.

Riêng ngành hàng hải, những cảng nước sâu có tàu đi thẳng châu Âu sẽ đón nhận cơ hội vô cùng lớn với sự gia tăng sản lượng của các mặt hàng: thủy sản, dệt may, da giày, đồ gỗ, hàng nông sản (gạo, rau quả…).”


Báo Giao thông