Trong giai đoạn 2021 – 2025, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiến hành nghiên cứu đầu tư dự án đường sắt nối vào cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, Hải Phòng; dự án đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu kết nối vào cảng Cái Mép – Thị Vải để giảm chi phí logistics.
Hiện nay các tuyến đường sắt kết nối giữa các khu công nghiệp với cảng biển rất ít mà chủ yếu vận chuyển bằng đường bộ
Câu chuyện xây dựng các tuyến đường sắt kết nối từ các đầu mối hàng hóa đến cảng biển để giảm chi phí logistics đã được nhắc đến nhiều năm trước. Tuy nhiên, đến nay rất ít dự án được nghiên cứu để xây dựng.
Năm 2017, chính quyền TPHCM đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nghiên cứu lại việc kết nối đường sắt đến cảng Cát Lái do lượng hàng qua cảng này tăng nhanh. Hơn nữa, tình hình giao thông dẫn đến cảng Cát Lái thường xuyên xảy ra kẹt xe, khiến hàng hóa luân chuyển chậm dẫn đến đội chi phí vận tải rất cao.
Nếu có các tuyến đường sắt kết nối từ các khu công nghiệp đến cảng biển thì doanh nghiệp chỉ cần đóng hàng vào container đưa lên tàu lửa chạy đến tận cảng để bốc lên tàu biển. Việc vận chuyển bằng tàu lửa vừa chở được lượng hàng lớn vừa giảm tải cho đường bộ. Còn xét về khía cạnh kinh tế, vận chuyển bằng đường sắt thì giá thành sẽ rẻ hơn, khi đó giá cả hàng hóa sẽ cạnh tranh tốt hơn.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, đường sắt có ưu thế là vận tải khối lượng lớn. Tuy nhiên, ưu thế đó chỉ phát huy được khi kết nối liên thông giữa các đầu mối hàng hóa với cảng biển, các ICD, các trung tâm kinh tế lớn. Theo thống kê của Bộ GTVT, hiện tại vận tải chiếm đến 60% chi phí logistics. Do đó, muốn giảm chi phí logistics trước hết phải giảm được chi phí vận tải.
Nhận thấy được tầm quan trọng của đường sắt kết nối đến cảng, giai đoạn 2021 – 2025, Bộ GTVT đưa vào danh mục dự án đề nghị đầu tư công trung hạn như đường sắt kết nối giữa khu vực Hải Phòng với cảng Lạch Huyện; kết nối khổ đường sắt giữa Việt Nam – Trung Quốc khu vực biên giới Lào Cai – Hà Khẩu; tuyến đường sắt từ Trảng Bom (Đồng Nai) đến cảng Cái Mép – Thị Vải…
Để hiện thực hóa các dự án đường sắt, Bộ GTVT đề xuất tăng vốn đầu tư công trung hạn trong 5 năm tới đối với các dự án đường sắt (trừ đường sắt đô thị) với tổng vốn 27.942 tỉ đồng; còn tổng vốn cấp cho dự án hạ tầng đường sắt là 40.292 tỉ đồng.
Đối với các dự án đường sắt cần số vốn đầu tư rất lớn, vì thế số vốn mà Bộ GTVT đề xuất rất khó để đáp ứng đủ cho các dự án.
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cho rằng, Nhà nước chỉ nên đầu tư hạ tầng đường sắt các tuyến chính, còn các tuyến đường nhánh dẫn đến các trung tâm logistics, cảng biển nên để các nhà đầu tư thực hiện vì các dự án này có sức hút với nhà đầu tư. Tuy nhiên, muốn doanh nghiệp tham gia đầu tư thì phải xây dựng được cơ chế khuyến khích thì mới thúc đẩy được vận tải bằng đường sắt.