Trong 6 tháng đầu năm 2020, đã có 12,733 triệu tấn hàng hóa thông qua các cảng của Công ty Cổ phần cảng Hải Phòng, bằng 96,8% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 40% tổng sản lượng hàng hóa thông qua toàn hệ thống cảng biển tại Hải Phòng.
Với lượng hàng hóa trung chuyển trên, lợi nhuận trước thuế của Cảng Hải Phòng tăng 3,8% , lợi nhuận khai thác cảng tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Đây là những con số ấn tượng khẳng định tính ổn định, sự vững vàng của một doanh nghiệp cảng biển trong bối cảnh các hoạt động của kinh tế toàn cầu đang bị suy giảm nghiêm trọng do đại dịch Covid-19.
Chia sẻ về kết quả này, ông Phạm Hồng Minh – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần cảng Hải Phòng, cho biết để giải bài toán thị trường, công ty đã tăng cường năng lực nội tại như: đầu tư trang thiết bị hiện đại cho các công đoạn xếp dỡ, kho bãi, phương tiện… đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, điều hành, trong kết nối với các đối tác.
Bên cạnh đó, công ty cũng đưa ra hàng loạt giải pháp, chính sách, từ việc linh hoạt áp dụng mức giá cho các khâu dịch vụ đến khai thác tìm thị trường mới. Tất cả được triển khai một cách bài bản, chuyên nghiệp trên tinh thần hỗ trợ tối đa cho hãng tàu, đại lý và chủ hàng.
Trong 6 tháng vừa qua, tất cả những khách hàng truyền thống đã cam kết hợp tác lâu dài với cảng Hải Phòng. Đồng thời, doanh nghiệp này đã liên tục thu hút thêm các service mới của ZIM, OOCL, COSCO và KMTC/CKL thông qua việc các tàu container adhoc của các hãng như Evergreen, Maersk, Vsico… đến làm hàng tại đây.
Theo bà Lê Thị Bích Nga – Giám đốc hãng tàu Hyundai Chi nhánh Hải Phòng, bên cạnh những lợi thế về vị trí thì Công ty Cổ phần cảng Hải Phòng là doanh nghiệp cảng có bề dầy kinh nghiệm và tính chuyên nghiệp cao. Đặc biệt từ sau khi cổ phần hóa, từ quan niệm đến chính sách đối với khách hàng của doanh nghiệp này đã thay đổi theo hướng hội nhập cùng phát triển.
Bên cạnh đó, mối quan hệ của cảng Hải Phòng với các cơ quan liên quan như hải quan, cảng vụ… rất chặt chẽ nên tốc độ thông quan hàng hóa được đẩy nhanh. “Đây là những điểm cộng mà Hyundai cũng như các hãng tàu khác luôn tin tưởng đồng hành”, bà Nga nói.
Ông Nguyễn Kiên Giang – Phó cục trưởng Cục hải quan Hải Phòng, cho biết Công ty Cổ phần cảng Hải Phòng là doanh nghiệp có lượng hàng hóa xuất nhập khẩu thông quan lớn của khu vực, hàng năm kim ngạch xuất nhập khẩu qua đây ước đạt 40% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua cảng Hải Phòng.
Tuy có được những kết quả tích cực như vậy, nhưng trước những thách thức của cơ chế thị trường, của hội nhập kinh tế quốc tế, việc tìm lời giải cho bài toán phát triển bền vững là điều Công ty Cổ phần cảng Hải Phòng luôn trăn trở.
Ông Phạm Hồng Minh – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần cảng Hải Phòng, chia sẻ: “Chúng tôi đặt ra mục tiêu phải sớm đưa cảng tiến xa ra biển, xây dựng những bến cảng nước sâu đủ năng lực đón những con tàu có sức chở 14.000 TEU và xây dựng hệ thống hậu cần sau cảng chuyên nghiệp, đồng bộ. Như vậy, công ty mới đáp ứng được yêu cầu là điểm trung chuyển, chia tách hàng hóa trong chuỗi logistics toàn cầu”.
Được biết, để tiến tới mục tiêu này, Công ty Cổ phần cảng Hải Phòng đã huy động mọi nguồn lực cho việc di dời cảng Hoàng Diệu, đồng thời chuẩn bị gần 7 nghìn tỷ đồng cho việc đầu tư xây dựng 2 bến cảng tại cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng.
Theo kế hoạch, dự án này sẽ được khởi công trong năm 2020, đến năm 2022 sẽ đưa 1 bến vào khai thác và đến năm 2025 sẽ hoàn thành dự án. Khi đó cảng sẽ đáp ứng sản lượng hàng hóa thông qua khoảng 1,1 triệu Teu/năm.
Đánh giá về vai trò, vị thế của cảng Hải Phòng, Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang cho biết Hải Phòng được xác định là cửa ngõ chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, có vai trò tiếp nhận và trung chuyển hàng hóa quốc tế, đây cũng là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa của hải trình toàn cầu.
Việc Công ty Cổ phần cảng Hải Phòng triển khai xây dựng 2 bến tại cảng quốc tế Lạch Huyện là xu thế tất yếu và cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành hàng hải quốc gia, đồng thời góp phần vào tiến trình xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc tế.