Dịch bệnh Covid-19 càng làm gia tăng tình trạng thiếu thuyền viên của các chủ tàu. Trong đó một bộ phận thuyền viên vốn ở các hãng tàu có công việc, thu nhập ổn định bỏ việc để “đánh thuê” lấy lương cao hơn.
Sĩ quan, thuyền viên của Công ty cổ phần Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (Vitranschart)
Làm việc trên tàu nước ngoài nhiều chính sách ưu đãi
Khó khăn nhất đối với doanh nghiệp trong nước hiện nay là phải cạnh tranh nhân lực với các hãng tàu nước ngoài, đặc biệt các hãng tàu Trung Quốc.
Các tàu hoạt động tuyến quốc tế, đặc biệt là tàu “đánh thuê” Trung Quốc đang có mức lương hấp dẫn với thuyền viên. Với các chức danh AB (thủy thủ có kinh nghiệm) hiện đạt mức 1.200 – 1.500 USD. Chức danh thuyền trưởng từ 3.800 – 4.000 USD lên đến 5.500 – 6.400 USD/tháng.
Chủ tàu Trung Quốc cũng đơn giản hóa thủ tục tuyển dụng, thay vì yêu cầu phỏng vấn tiếng Anh ngặt nghèo thì hiện tại, những chức danh thấp chỉ cần có đầy đủ hồ sơ, chứng chỉ chuyên môn là có thể trúng tuyển.
Đối với khối tàu nhỏ (5.300 tấn) chạy tuyến Bắc Á, lương của các chức danh tăng đến 20 – 30% so với đầu năm 2021. Đơn cử, chức danh quản lý hiện đã ở mức hơn 2.000 USD/tháng.
Có những chủ tàu cần thuyền viên gấp hoặc đề nghị thuyền viên quay vòng, mức lương có thể cao hơn nữa. Như mới đây, có tàu hơn 80.000 tấn, lương thủy thủ lên đến 1.800 USD/tháng trong khi trước đây chỉ dao động từ 1.000 – 1.200 USD/tháng.
Trong bối cảnh cạnh tranh nhân lực, để có được người làm, nhiều chủ tàu nội địa đã tăng mạnh tăng lương cho thủy thủ từ 15 – 16 triệu đồng lên 20 – 23 triệu đồng/tháng; chức danh Phó 2 từ 28 – 32 triệu đồng lên 38 triệu đồng/tháng, Phó 3 từ 21 – 22 triệu đồng lên 20 – 25 triệu đồng/tháng.
Thậm chí, có công ty trả lương cho chức danh Phó 2 lên đến hơn 40 triệu đồng, thuyền trưởng từ 48 – 50 triệu đồng lên 58 – 70 triệu đồng/tháng nhưng vẫn rất khó tuyển.
Thuyền viên chuẩn bị rời cảng
Chủ tàu nội địa khó giữ chân thuyền viên
Bà Mai Thị Thu Vân – Phó Tổng giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Vitranschart cho biết: “Trong mùa dịch, tất cả mọi thứ trở nên đặc biệt khó khăn đối với đội ngũ sỹ quan, thuyền viên, từ việc làm, quyền lợi, phúc lợi, điều kiện sinh hoạt cho đến đời sống tinh thần. Trong thời gian sắp tới, chúng tôi đứng trước nỗi lo thiếu thuyền viên vì trong bối cảnh như thế này thì ai cũng lo lắng cho bản thân, gia đình nên sẽ lựa chọn những công việc gần nhà, ổn định”.
Đại diện phòng Tổ chức nhân sự và Thuyền viên, Công ty cổ phần Vận tải biển Vinaship cho biết, công ty cần có 150 thuyền viên để vận hành, khai thác 7 con tàu. Nhưng hiện có khoảng 30% thuyền viên chấm dứt hợp đồng. Nguyên nhân một phần do có nhiều người ở trong vùng giãn cách xã hội phòng dịch Covid-19 quá lâu, không đi tàu được nên chuyển đổi công việc duy trì cuộc sống, song, một phần không nhỏ bỏ đi “đánh thuê” để lấy lương cao.
Từ đầu năm đến nay, Vinaship đã hai lần tăng lương cho thuyền viên với chức danh thủy thủ mới (OS) từ 12 – 13 triệu đồng lên 14 – 15 triệu đồng/tháng. Sỹ quan vận hành từ 16 – 17 triệu đồng tăng lên 23 – 24 triệu/tháng (Phó 3). Để tạo động lực cho người lao động gắn bó, công ty cũng kèm theo chế độ thưởng quý. Tổng thu nhập mỗi thủy thủ cũng gần 20 triệu/tháng.
Công ty cũng mong muốn các địa phương có cơ chế tạo điều kiện cho nguồn thuyền viên dự trữ di chuyển thuận lợi giữa các tỉnh, thành, giúp chủ tàu có được lực lượng bổ sung kịp thời khi có trường hợp bỏ việc đi làm cho chủ tàu nước ngoài.
Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, 8 tháng đầu năm 2021, sản lượng hàng container thông qua cảng biển Việt Nam tăng trưởng 18% so với cùng kỳ năm 2020. Vận tải biển tăng trưởng trong dịch bệnh nhưng các chủ tàu lại đau đầu với tình trạng thiếu và “chảy máu” nguồn nhân lực.
Từ góc độ đào tạo, TS Trương Thanh Dũng – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Hàng hải II – cho biết hiện có một số lý do khiến các bạn trẻ ngại chọn học ngành Hàng hải. Tâm lý học viên muốn gần gũi người thân. Thêm vào đó, ngày nay các gia đình chỉ có từ 1 – 2 con nên càng không thích để con theo nghề này.
TS Trương Thanh Dũng – Hiệu trưởng Trường cao đẳng Hàng hải II
Còn đại diện Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cho biết, do ảnh hưởng của suy thoái gần 10 năm nay nên mức lương của thuyền viên có phần chững lại. Bên cạnh đó, trong bối cảnh cạnh tranh về nhân lực, đã xuất hiện hiện tượng thuyền viên “tự nâng giá”, tìm nhiều lý do để đề nghị tăng lương. Nếu không được đáp ứng thì xin chấm dứt hợp đồng trước hạn để bỏ việc, đi tàu “đánh thuê” có mức lương cao hơn. Do đó, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam kể cả giai đoạn khó khăn nhất cũng không giảm lương thuyền viên.
Ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết để chữ chân thuyền viên không thể áp dụng các biện pháp hành chính, hay hàng rào kỹ thuật, thao tác thương mại như với hàng hóa. Mà thay vào đó, các doanh nghiệp muốn thu hút thuyền viên, phải trả lương thật tốt và cải thiện môi trường làm việc.