Để phát triển cảng biển và kinh tế biển cần sớm tháo gỡ những nút thắt, nhất là kết cấu hạ tầng kết nối cảng biển. Nước ta có 27 tỉnh có bờ biển với 266 cảng biển lớn nhỏ và một nửa dân số ở các tỉnh, thành phố ven biển; vùng đặc quyền kinh tế ở biển Đông trên 01 triệu km2, chiếm khoảng 29% diện tích biển Đông, gấp 3 lần diện tích đất liền; đường vận tải trên biển Đông có mật độ đứng thứ hai thế giới… Với vị trí như vậy, vai trò của vận tải biển cũng như hệ thống cảng biển là hết sức quan trọng và là mấu chốt để giúp phát triển kinh tế vươn khơi hội nhập. Điều đó đòi hỏi cần có giải pháp toàn diện nhằm tháo gỡ những cơ chế để khuyến khích phát triển cảng biển. Dưới đây là một số giải pháp có tính chiến lược cho phát triển hệ thống cảng biển trong tương lai.
Tăng cường chất lượng sản phẩm quy hoạch, tạo sự ổn định, bền vững trong phát triển
Thúc đẩy các giải pháp thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào xây dựng quy hoạch phát triển cảng biển từ những đơn vị tư vấn nghiên cứu uy tín quốc tế tham gia vào công tác nghiên cứu quy hoạch, chính sách phát triển cảng biển của Việt Nam nhằm xây dựng quy hoạch có chất lượng, ổn định, tạo sự phát triển bền vững và làm cơ sở để hoạch định các chính sách phát triển hành lang kinh tế gắn với cảng biển.
Liên kết trong phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải (bao gồm liên kết ngành, lĩnh vực và liên kết vùng)
Trong phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải, kết cấu hạ tầng cảng biển là ưu tiên hàng đầu vì cảng biển mang tính chất trung tâm. Khi cảng biển phát triển sẽ vừa mang tính chất phục vụ cho nền kinh tế, vừa mang tính chất tạo động lực thúc đẩy các lĩnh vực liên quan đến cảng biển và vận tải biển… Do đó, khi chúng ta tăng cường tính liên kết ngành giữa phát triển hạ tầng cảng biển với các lĩnh vực khác như công nghiệp xi măng, điện than, công nghiệp chế tác hay công nghiệp luyện kim… sẽ tối ưu hóa trong việc quy hoạch lựa chọn các địa điểm đầu tư phát triển công nghiệp và hạ tầng cảng biển nhằm giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm. Tăng cường liên kết vùng cho phép sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực và phát huy tối đa chức năng, hiệu quả kết cấu hạ tầng hàng hải và hài hòa lợi ích các vùng miền, địa phương để mang lại lợi ích tổng thể cho đất nước. Đối với phát triển cảng biển khi mở rộng tính liên kết vùng ra ngoài ranh giới lãnh thổ sẽ là cơ sở để phát huy thế mạnh các hành lang kinh tế xuyên quốc gia và phát triển cảng biển trung chuyển hiệu quả.
Đảm bảo tính đồng bộ trong phát triển
Để đảm bảo phát triển bền vững kết cấu hạ tầng cảng biển cần tăng cường hơn nữa tính đồng bộ từ khâu đầu tư đến khai thác. Trước hết cần hoàn thiện thể chế về đầu tư khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển, trong đó có việc triển khai xây dựng mô hình cơ quan quản lý khai thác cảng biển theo quy định của Bộ luật Hàng hải Việt Nam.
Tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương để đảm bảo tính đồng bộ trong kết nối cảng biển với hạ tầng liên quan bao gồm hạ tầng phần cứng và hạ tầng phần mềm. Hạ tầng phần cứng là hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng thông tin, hạ tầng các khu công nghiệp, trung tâm phân phối… Hạ tầng phần mềm là hạ tầng dành cho các dịch vụ gắn liền với phát triển cảng biển như bảo hiểm, ngân hàng, hạ tầng các cơ sở đào tạo và hạ tầng dành cho các cơ quan quản lý nhà nước tại cảng biển. Những hạ tầng kết nối nêu trên là rất cần thiết để kết cấu hạ tầng hàng hải, cảng biển khi đưa vào khai thác không còn phải “chờ hàng, chờ đường hay chờ các cơ quan quản lý nhà nước…”.
Chủ động về vốn đối với các dự án ưu tiên, tăng cường xã hội hóa, thu hút đầu tư tư nhân
Kết cấu hạ tầng cảng biển có vai trò rất quan trọng đối với phát triển kinh tế biển nói riêng, kinh tế đất nước nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế. Đối với cảng biển hiện đại không chỉ đơn thuần là đầu mối GTVT, nơi giao thương, cửa khẩu xuất nhập hàng hóa mà còn là mắt xích quan trọng kiểm soát thông tin và chuỗi vận tải toàn cầu, có vai trò to lớn trong phát triển kinh tế cũng như an ninh – quốc phòng. Do đó, đối với những dự án quan trọng trong danh mục ưu tiên đầu tư, Nhà nước cần đảm bảo về nguồn vốn đầu tư để chủ động trong những tình huống an ninh – quốc phòng, giữ được ưu thế đặc quyền đặc lợi trong sử dụng tài nguyên. Đối với các dự án thứ yếu cần xã hội hóa tối đa nguồn vốn đầu tư để giảm chi phí và gánh nặng ngân sách. Mặt khác, huy động nguồn vốn của tư nhân là một yếu tố quan trọng, đặc biệt khi thu hút được những nhà đầu tư tư nhân có tiềm lực, kinh nghiệm quốc tế. Đây sẽ là động lực mạnh mẽ, điểm sáng để cải thiện và đổi mới công tác đầu tư, khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải.
Phát triển cảng biển gắn với tăng trưởng xanh
Cảng biển là trung tâm lưu thông, trao đổi hàng hóa giữa các phương thức vận tải, là nơi tập trung rất nhiều nguồn phát thải ảnh hưởng đến môi trường sinh thái (bao gồm hàng hóa phương tiện thiết bị xếp dỡ, vận tải). Mặt khác, cảng biển gắn liền với các hoạt động công nghiệp như công nghiệp điện than, lọc hóa dầu, luyện cán thép… Đây là những lĩnh vực liên quan đến cảng biển rất nhạy cảm đối với môi trường. Các dự án Nhà máy thép Formosa tại Hà Tĩnh, Vedan là những bài học kinh nghiệm sâu sắc về công tác bảo vệ môi trường biển. Do đó, ngay từ bây giờ cần có định hướng phát triển cảng biển xanh, ứng dụng khoa học công nghệ trong vận hành quản lý, khai thác và giám sát các hoạt động gắn liền với cảng biển, vận tải biển để giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái.
Tạp chí GTVT