Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết cần gỡ loạt vướng mắc trước khi trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, với tổng vốn đầu tư lên tới 113.500 tỉ đồng – khoảng 4,8 tỉ USD.
Chờ bổ sung vào quy hoạch cảng biển
Trong văn bản vừa gửi tới UBND TP.HCM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nêu ra loạt vấn đề về quy hoạch, chuyển đổi đất rừng, môi trường, quy mô đầu tư dự án, tác động đến các bến cảng hiện hữu…, cần tháo gỡ, nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng trước khi trình Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư.
Trước đó, bộ đã nhận được hồ sơ đề xuất thực hiện dự án cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn (cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ) của nhà đầu tư Công ty CP cảng Sài Gòn và Terminal Investment Limited Holding S.A. với vốn đầu tư dự án khoảng 113.531 tỉ đồng, thời gian đầu tư dự án 22 năm, quy mô sử dụng đất dự án khoảng 576ha.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, “siêu” dự án cảng biển này đã được định hướng phát triển trong các nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Bộ Chính trị, nhưng tại thời điểm nhà đầu tư nộp hồ sơ dự án chưa được bổ sung vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050, nên chưa có cơ sở để xác định thẩm quyền đầu tư dự án.
Tháng 12-2023, Bộ Giao thông vận tải đã trình Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, trong đó có đề xuất bổ sung quy hoạch cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Trường hợp dự án được bổ sung vào quy hoạch trong thời gian tới thì sẽ thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng.
Chuyển đổi 80ha rừng tự nhiên
Bộ Kế hoach và Đầu tư cũng cho hay theo đề xuất đầu tư Dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có quy mô sử dụng đất khoảng 576ha, trong đó có khoảng 93,3ha đất rừng và đất lâm nghiệp, 114ha đất chưa sử dụng và khoảng 326,5ha đất sông, rạch.
Hiện nay, TP.HCM đang trình Thủ tướng phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm năm (2021 – 2025). Theo đề xuất của TP.HCM, dự án thuộc danh mục công trình thực hiện trong kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2025, với diện tích đất rừng phòng hộ 93,3ha trên địa bàn huyện Cần Giờ.
Như vậy sau khi được Thủ tướng chấp thuận thì mới có cơ sở xác định dự án phù hợp với kế hoạch sử dụng đất của thành phố.
Một vướng mắc khác cũng cần được tháo gỡ khi đầu tư Dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là vị trí xây cảng chưa có kết nối giao thông đồng bộ, hạ tầng cung cấp điện, nước tại địa điểm thực hiện dự án hiện chưa được đầu tư theo quy mô, nhu cầu của dự án.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị TP.HCM rà soát, đánh giá khả năng đầu tư xây dựng các hệ thống hạ tầng kỹ thuật, kết nối giao thông để phục vụ phát triển dự án, việc cân đối ngân sách địa phương hoặc huy động vốn để hoàn thành các công trình kỹ thuật kết nối cảng.
Cho ý kiến về hồ sơ đề xuất dự án, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho rằng do chưa có hồ sơ về chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác nên không có cơ sở để xem xét.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng lưu ý việc xem xét, quyết định chuyển đổi mục đích hơn 80ha rừng tự nhiên để thực hiện dự án cần cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Lâm nghiệp.
Còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị TP.HCM có ý kiến đánh giá tác động của dự án đối với môi trường và đa dạng sinh học tại khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.