LOGISTICS 4.0: Đề xuất 3 giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp

19/10/22 2:09 PM

Việc xây dựng hệ sinh thái logistics trên nền tảng công nghệ số sẽ cung cấp giải pháp toàn diện và có giá trị gia tăng cho khách hàng.

Các diễn giả thảo luận tại Diễn đàn Logistics – Chuyển mình phát triển

Xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập và mở rộng thị trường xuất nhập khẩu.

Chia sẻ tại Diễn đàn Logistics – Chuyển mình phát triển, ông Lê Quang Trung – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) cho biết, thực trạng của chuyển đổi số trong các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước vẫn còn nhiều khó khăn do sự khác nhau do khác biệt và chênh lệch về điểu kiện tự nhiên, cơ sở vật chất, vấn đề lịch sử hoặc ứng dụng công nghệ thông tin.

Bên cạnh đó, một số cơ chế chính sách cho việc nghiên cứu và phát triển, thử nghiệm ứng dụng các công nghệ mới còn thiếu hoặc chưa được quy định rõ ràng, khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn khi triển khai.

Về pháp lý, một số quy định pháp luật liên quan đến xác thực điện tử, chia sẽ dữ liệu, định danh,… còn chưa được quy định cụ thể. Một số quy định pháp luật gây cản trở khi doanh nghiệp muốn đầu tư, mua sắm các sản phẩm công nghệ từ nước ngoài. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh dẫn tới không có nguồn ngân sách để nghiên cứu, phát triển và ứng dụng CNTT.

Theo ông Trung, để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình chuyển đổi số, các bên cần xem xét xây dựng một liên minh công nghệ để tăng cường sự trao đổi chia sẻ và hỗ trợ cho các tập đoàn, doanh nghiệp có quy mô lớn. Để làm được điều này, ông Trung cho rằng, các doanh nghiệp có thế mạnh về công nghệ như Viettel, FPT… có thể tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp logistics.

Phó Tổng giám đốc VIMC – Lê Quang Trung chia sẻ tại diễn đàn

Bên cạnh đó, ông Trung cho biết, xây dựng logistics hub, phát triển các quy trình dùng chung trên nền tảng công nghệ cũng là bước đi cần thiết. “Logistics là chuỗi xử lý các khiếu nại của khách hàng và chăm sóc khách hàng. Suy nghĩ xây dựng những platform chung về booking, hoặc liên quan đến dịch vụ chuỗi. Đặc biệt là ứng dụng AI trong xử lý khiếu nại và chăm sóc khách hàng”, ông Trung nhận định.

Cuối cùng, trong vấn đề con người, ông Trung đề nghị xây dựng ban chuyên gia tư vấn và kết nối về chuyển đổi số, từ đó cùng trao đổi và đưa ra hướng đi phù hợp cho cộng đồng doanh nghiệp, tạo điều kiện đầu tư trong IT, kiến tạo các nền tảng ứng dụng thích hợp cho khách hàng và người sử dụng.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, ông Trung khẳng định, VIMC đang nỗ lực để trở thành một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam

DĐDN