Nghị quyết 43-NQ /TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế của thành phố Đà Nẵng là “trở thành một trung tâm kinh tế biển, hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung với vai trò trung tâm của Đà Nẵng”.
Cảng Tiên Sa – một trong những trung tâm logistics của Đà Nẵng
Trước đó, liên quan đến việc phát triển logistics, HĐND TP. Đà Nẵng cũng đã ban hành Nghị quyết về quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ logistics đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Theo đó, Đà Nẵng được định hướng xây dựng thành điểm đến du lịch, dịch vụ hàng đầu, tầm khu vực; phát triển cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics, hướng đến hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại khu vực miền Trung. Trong đó, lấy Đà Nẵng là trung tâm logistics với hệ thống cảng biển (Tiên Sa, Liên Chiểu) và cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng là cửa ngõ giao nhận, vận chuyển với các địa phương, các quốc gia ASEAN và quốc tế.
Mục tiêu đặt ra thì rất lớn, nhưng theo nhiều chuyên gia, Đà Nẵng vẫn chưa hình thành trung tâm logistics cấp quốc gia cũng như quốc tế đủ tầm vóc… Đặc biệt, chi phí vận tải chi phí vận tải đường bộ còn ở mức cao gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam cho rằng, cần hình thành các trung tâm logistics hiện đại có quy mô lớn, bảo đảm cung ứng các dịch vụ tân tiến nhất với chi phí hợp lý hơn; đồng thời cần tăng cường tính kết nối giữa hệ thống các cảng biển, vùng kinh tế trong nước cũng như sớm ban hành 1 chuẩn chung về thương mại điện tử, công nghệ thông tin để tạo sự kết nối đồng bộ trong việc cung ứng dịch vụ logistics.