Tự hào ôn lại truyền thống vẻ vang của Quân đội, thành tích hoạt động của Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Hội Cựu chiến binh Tổng công ty là việc làm hết sức ý nghĩa, giáo dục truyền thống yêu nước, ý chí quật khởi của dân tộc trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và những đóng góp của những chiến sỹ – những hội viên Cựu chiến binh, cựu quân nhân hôm nay đang góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, xây dựng Tổng công ty Hàng hải Việt Nam phát triển bền vững.
Quân đội ta, Quân đội Nhân dân anh hùng, trải qua 75 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, cùng với những chiến công mãi mãi ghi vào lịch sử dân tộc như những biểu tượng sáng ngời về một Quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu và phục vụ, quân đội ta đã xây đắp nên những truyền thống cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”. Trung thành vô hạn với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, với Đảng với Nhà nước và nhân dân; quyết chiến, quyết thắng, gắn bó máu thịt với nhân dân, quân với dân một ý chí. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghi lại những mốc son lịch sử chói lọi: chưa tròn 1 tuổi đã cùng toàn dân làm nên Cách mạng Tháng Tám vẻ vang; 10 tuổi Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu; dũng cảm, mưu trí, linh hoạt đánh thắng cuộc tập kích chiến lược lần thứ hai bằng B52 của Mỹ, lập nên trận “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 trên bầu trời Hà Nội. Cùng toàn dân tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975 với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thống nhất non sông, hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Những năm 1977 – 1980 Quân đội ta lại cùng toàn dân đánh thắng hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế đối với nước bạn Campuchia.
Trong giai đoạn cách mạng mới của đất nước, nhiệm vụ của quân đội được Trung ương Đảng nêu rõ “Ra sức bảo vệ sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta… bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển, biên giới và hải đảo của nước Việt Nam thống nhất”. Đồng thời “tích cực tham gia sản xuất, góp phần xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội”. Trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Quân đội nhân dân Việt Nam đã có những đóng góp xứng đáng vào những thành tựu chung của đất nước sau hơn 30 năm đổi mới, nhất là từ năm 2005 đến nay. Đó là, quân đội đã nắm chắc và dự báo đúng tình hình liên quan đến quốc phòng – an ninh; chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng và Nhà nước hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách; ra Nghị quyết về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đã tham mưu với Đảng và Nhà nước đề ra đối sách phù hợp, xử lý linh hoạt, đúng đắn các tình huống phức tạp, các vấn đề nhạy cảm về quốc phòng – an ninh, trong quan hệ đối nội và đối ngoại, không để đất nước bị động, bất ngờ về chiến lược, đồng thời không để cho các thế lực thù địch lợi dụng, chống phá; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và quan hệ tốt với các nước láng giềng, bảo đảm sự ổn định chính trị-xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững.
Trong thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, quân đội đã thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, duy trì và thực hiện tốt công tác sẵn sàng chiến đấu ở tất cả các cấp; tỉnh táo, chủ động và kiên quyết đấu tranh phòng chống chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu, hành động phá hoại của các thế lực thù địch, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ và thành quả cách mạng của nhân dân. Kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Ngày 17 tháng 10 năm 1989, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VI) đã ra Chỉ thị số 381-CT/TƯ quyết định lấy Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12) đồng thời là Ngày hội Quốc phòng toàn dân – Ngày hội của truyền thống bảo vệ Tổ quốc, Ngày hội tôn vinh và nhân lên hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” – một nét độc đáo của văn hóa dân tộc Việt Nam trong thời đại mới. Ngày hội Quốc phòng toàn dân cũng là dịp để phát huy truyền thống yêu nước, biểu dương sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Những năm 1989 – 1990 tình hình thế giới diễn ra rất phức tạp, chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ. Nước ta đứng trước những khó khăn, thách thức gay gắt, nền kinh tế lâm vào khủng hoảng, ảnh hưởng nhiều tới đời sống cán bộ và nhân dân; các thế lực thù địch ráo riết đẩy mạnh hoạt động chống phá cách mạng, hòng xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt nam và chế độ XHCN ở nước ta. Trước tình hình đó, với tâm huyết và trách nhiệm đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ, anh em Cựu chiến binh có nguyện vọng thiết tha, bức xúc là tập hợp lại thành một tổ chức thống nhất, hợp pháp, dưới sự lãnh đạo của Đảng để có điều kiện thuận lợi tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đáp ứng nguyện vọng chính đáng đó của đông đảo CCB, ngày 6 tháng 12 năm 1989 Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng khoá VI đã quyết định thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
Từ đó đến nay, Hội CCB đã kiên định và nhất quán thực hiện nhiệm vụ chính trị hàng đầu là tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền và chế độ XHCN. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và những khó khăn trong nước, đại bộ phận cán bộ, hội viên luôn tỏ rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Hội; kiên quyết đấu tranh chống các quan điểm, tư tưởng thù địch, sai trái, bảo vệ sự nghiệp cách mạng của Đảng và Tổ quốc.
Làm nên những thành tích của Hội trong 30 năm qua bắt nguồn từ chính việc phát triển hội viên và xây dựng tổ chức Hội các cấp trong cả nước. Từ ngày đầu thành lập đến khi chuẩn bị Đại hội lần thứ I, cả nước mới có 70.000 hội viên thì đến nay đã có gần 3 triệu hội viên được tập hợp, hoạt động có hiệu quả tại hơn 16.000 tổ chức hội cơ sở xã, phường và các cơ quan thuộc Khối 487. Đồng thời, hội đã phối hợp với các đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc tập hợp hơn 1,6 triệu cựu quân nhân vào sinh hoạt trong các câu lạc bộ cựu quân nhân. Mọi sinh hoạt Hội, nội dung công tác Hội đã ổn định và đi vào nề nếp; các tổ chức Hội cơ sở tích cực thi đua xây dựng Hội trong sạch vững mạnh. Nói đến Hội CCB Việt Nam là nói đến một tổ chức chính trị- xã hội có hệ thống hoàn chỉnh, hoạt động tích cực, chặt chẽ; được các cấp, các ngành công nhận.
Hội CCB Việt Nam trưởng thành nhanh chóng về tổ chức, đồng thời các tổ chức Hội và hội viên CCB trong cả nước đã tích cực tham gia các công việc chung, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ của tổ chức mình. Hội đã vận động CCB đoàn kết phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, tích cực tham gia xây dựng bảo vệ Đảng, chính quyền, chế độ XHCN và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thường xuyên có hàng chục vạn hội viên CCB được bầu vào các cấp ủy Đảng. Tổ chức, động viên CCB nêu cao ý chí tự lực tự cường, phấn đấu giảm nghèo nhanh và bền vững; đẩy mạnh hoạt động tình nghĩa, giúp nhau nâng cao đời sống, vươn lên làm giàu hợp pháp, góp phần phát triển kinh tế- xã hội đất nước; hỗ trợ thành lập Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam trên quy mô cả nước cũng như tại nhiều tỉnh, thành. Hội đã động viên CCB tích cực tham gia các cuộc vận động, chương trình quốc gia, các phong trào xây dựng đời sống văn hóa- xã hội như xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới… Phối hợp chặt chẽ với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các đoàn thể khác tích cực tham gia giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ.
Với những thành tích của mình trong xây dựng Hội và tham gia các công việc chung của đất nước, 30 năm qua Hội CCB Việt Nam đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, 2 Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Lao động Hạng nhất, 21 CCB được tuyên dương Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, hàng vạn tấm gương CCB điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực đã xuất hiện trên cả nước… Những thành tích của Hội CCB Việt Nam trong 30 năm qua là rất to lớn, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận “Trung thành, đoàn kết, gương mẫu, đổi mới”.
Hội Cựu chiến binh Tổng công ty Hàng hải Việt Nam là một tổ chức Hội của Khối 487 gồm các cơ quan bộ, ngành trung ương tại Hà Nội được Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam thành lập tại Quyết định số 872/QĐ-CCB ngày 19 tháng 12 năm 2000. Những ngày đầu thành lập, hội có gần 200 hội viên thuộc 9 Chi hội của các đơn vị tại Hà Nội và Văn phòng Tổng công ty gồm những sỹ quan, chiến sỹ đã được đào tạo và phục vụ trong quân ngũ nên tư tưởng luôn vững vàng trước những khó khăn, gian khổ, thách thức hoặc những biến động phức tạp của xã hội. Được rèn luyện trong lửa đạn chiến tranh, bảo vệ Tổ quốc và thử thách trong dựng xây, làm kinh tế thời kỳ đổi mới đất nước, rất nhiều hội viên đã giữ cương vị lãnh đạo Tổng công ty và doanh nghiệp như các vị trí Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, lãnh đạo các Ban Tổng công ty, Giám đốc- Phó giám đốc, Bí thư Đảng uỷ các đơn vị…
Hoạt động thông tin, tuyên truyền về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước được các cấp hội quan tâm, cùng với việc triển khai những văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, Trung ương Hội và Tổng công ty được phổ biến đến từng Chi hội và hội viên. Kết quả nhận thức của hội viên được nâng cao, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chính trị của đơn vị và Tổng công ty.
Việc chăm lo đến đời sống của hội viên luôn được lãnh đạo Tổng công ty và Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh Tổng công ty quan tâm. Nhân dịp các ngày tết, ngày lễ lớn của đất nước, Hội đã tổ chức tặng quà và gửi thư chúc mừng, thăm hỏi hội viên, các thương binh, gia đình liệt sỹ và những gia đình có công với cách mạng của Tổng công ty. Hội đã thực sự gắn bó, đoàn kết, chia sẻ, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong công tác, hỗ trợ làm kinh tế gia đình, đến nay không có gia đình hội viên nào thuộc diện hộ nghèo. Quá trình thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp, các hội viên nhận thức đúng đắn chủ trương của Tổng công ty, ủng hộ và thực hiện tốt việc giải quyết chế độ chính sách đối với người lao động khi sắp xếp lại tổ chức sản xuất kinh doanh.
Hội luôn chủ động, tham mưu cho các cấp lãnh đạo để thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, đền ơn đáp nghĩa, luôn coi đây là việc làm nghĩa tình, giữ vững truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc và của Tổng công ty. Phối hợp tổ chức nhiều hoạt động về nguồn như đi thăm viếng, giúp đỡ tu bổ tôn tạo nghĩa trang liệt sỹ xã Triệu Long (Triệu Phong – Quảng Trị), viếng các nghĩa trang quốc gia Trường Sơn, Đường 9, Vị Xuyên – Hà Giang, thành cổ Quảng Trị, các khu di tích: Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn, quê Bác… tổ chức thăm lại chiến trường xưa, thăm đơn vị quân đội cũ. Tháng 7 hàng năm, Tết Nguyên đán tổ chức đi thăm- tặng quà các Trung tâm điều dưỡng thương binh nặng khu vực Miền Bắc, các gia đình thân nhân liệt sỹ, các đồng chí thương binh, Mẹ Việt Nam anh hùng…
19 năm, chặng đường chưa dài với lịch sử của Quân đội nói chung, Hội Cựu chiến binh Việt Nam nói riêng song với truyền thống và phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, mặc dù với đặc thù riêng, tổ chức hội và hội viên ngày càng giảm nhưng được sự quan tâm tạo điều kiện của Đảng uỷ, Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc, các tổ chức đoàn thể và lãnh đạo các đơn vị trong Tổng công ty, mỗi hội viên CCB, Cựu quân nhân và Hội CCB Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã thực sự giữ vai trò là một tổ chức chính trị xã hội, là chỗ dựa tin cậy vững chắc của Đảng, luôn bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền. Kiên trung, anh dũng trong chiến đấu- phục vụ Quân đội, tận tuỵ- đổi mới trong xây dựng kinh tế đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của từng đơn vị và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam./.
Duy Thịnh/Công đoàn TCT