Nguồn thu của cảng biển Việt Nam mất đi không dưới 300 triệu USD/năm do giá xếp dỡ container xuất nhập khẩu thấp hơn rất nhiều so với khu vực.
Xếp dỡ container tại Cảng CMIT
Làm giàu cho hãng tàu nước ngoài
Ông Lê Công Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển VN cho biết, Thông tư số 54/2018 điều chỉnh giá bốc dỡ tại cảng biển của Bộ GTVT (có hiệu lực từ ngày 1/1/2019) tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp (DN). Việc điều chỉnh tăng giá bốc dỡ container XNK nhận được sự đồng thuận của chủ tàu nước ngoài, giúp các DN tăng nguồn thu.
Tuy vậy, theo ông Minh, hiện giá dịch vụ bốc dỡ container tại các cảng biển Việt Nam, nhất là tại khu vực 1 (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định) vẫn thấp nhất so với cảng biển của các nước lân cận.
“Hiện, giá xếp dỡ container XNK tại Thái Lan là 59 USD/cont20’ (container 20 feet), 91 USD/cont40’; Campuchia là 65 USD/cont20’, 99 USD/cont40’; Singapore là 111 USD/cont20’; 159 USD/cont40’. Trong khi đó, tại Việt Nam, sau thời điểm áp dụng khung giá mới, giá cao nhất tại các cảng nước sâu như CM – TV mới chạm ngưỡng 52 USD/cont20’, 60 USD/cont40’. Thấp nhất là khu vực 1 với giá dịch vụ bốc dỡ container XNK mới chỉ dừng lại ở mức 33 USD/cont20’, 53 USD/cont40’”, ông Minh nói.
Cũng theo ông Minh, đây là bất cập lớn bởi với hạ tầng cảng biển tương đương các nước, giá dịch vụ xếp dỡ container tại cảng biển Việt Nam cần phải tăng tương ứng để đảm bảo quyền lợi DN.
Theo ông Phạm Quốc Long, Phó chủ tịch Hiệp hội Đại lý và môi giới hàng hải VN, hiện các hãng tàu nước ngoài đang thu giá làm hàng tại cảng (THC) đối với chủ hàng XNK trong nước là 100 – 120 USD/cont20’ và 150 USD/cont40’. Trong khi đó, họ chỉ trả cho cảng mức giá chỉ bằng khoảng 30% tổng số tiền họ thu được.
“Mức giá xếp dỡ ở Việt Nam hiện đang “làm giàu” cho hãng tàu nước ngoài. Chưa kể, mỗi năm, cảng biển Việt Nam có khoảng 15 – 17 triệu Teus hàng hóa container thông qua, việc thu giá xếp dỡ container XNK thấp hơn rất nhiều so với khu vực khiến nguồn thu của các cảng biển Việt Nam mất đi không dưới 300 triệu USD/năm. Nguồn thuế nộp vào ngân sách Nhà nước cũng bị hao hụt đáng kể”, ông Long nói.
Về phía DN, đại diện Công ty CP Cảng Hải Phòng cho rằng, để DN có nguồn lực nâng cấp hạ tầng cầu, bến, đầu tư trang thiết bị có tần suất xếp dỡ cao hơn, việc điều chỉnh giá xếp dỡ container cần thực hiện đồng thời đối với hàng hóa XNK và hàng vận tải nội địa bởi giá dịch vụ bốc dỡ container nội địa cũng đang rất thấp, chỉ bằng 30 – 36% so với mức giá bốc dỡ container XNK trong khi chi phí tác nghiệp là như nhau.
Cần tăng giá xếp dỡ cả cảng biển và cảng cạn
Ông Lê Công Minh cho rằng, để đảm bảo cho DN cảng biển Việt Nam có được nguồn vốn tái đầu tư, cơ quan chức năng cần điều chỉnh mức giá tối thiểu đối với dịch vụ xếp dỡ container quốc tế tại tất cả các khu vực. Trước mắt, cần tăng thêm 15% vào năm 2020. Sau đó, nâng dần mức giá bằng khoảng 80% mức giá THC mà các hãng tàu đang thu của chủ hàng Việt Nam.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Bùi Thiên Thu, Phó cục trưởng Cục Hàng hải VN khẳng định, quan điểm của Cục Hàng hải là ủng hộ việc tăng giá xếp dỡ container XNK để các cảng biển có nguồn thu, làm lợi cho đất nước.
“Thông tư 54/2018 đã đưa giá nhiều dịch vụ hàng hải tăng thêm 10% so với Quyết định số 3863 của Bộ GTVT. Tuy nhiên, mức giá này vẫn chưa phản ánh đúng năng lực của cảng biển Việt Nam. Riêng giá xếp dỡ container XNK cần điều chỉnh tăng thêm, có thể chạm ngưỡng 50 USD/cont20’, ông Thu nói.
Tuy vậy, theo ông Thu, việc tăng giá không thể làm theo kiểu “nhảy vọt” mà sẽ được thực hiện theo lộ trình hợp lý. “Trước mắt, Cục Hàng hải sẽ kiến nghị Bộ GTVT xem xét, tăng giá xếp dỡ container tại cảng biển thêm 15-20% (5-7 USD/cont20’) vào năm 2020; Đồng thời, nghiên cứu đề xuất tăng giá dịch vụ bốc dỡ container đối với hàng hóa vận tải nội địa lên 15% so với giá hiện nay của các DN cảng biển”, ông Thu cho hay.
Ông Thu cho biết thêm, bên cạnh đề xuất tăng giá dịch vụ xếp dỡ container tại cảng biển, Cục Hàng hải cũng kiến nghị Bộ GTVT giao Cục chủ trì phối hợp với cơ quan liên quan rà soát, đánh giá, bổ sung quy định về giá dịch vụ xếp dỡ container tại các cảng cạn (ICD) khu vực 1, 2, 3. “Cảng cạn là một bộ phận thuộc kết cấu hạ tầng giao thông, là tổ chức vận tải gắn liền với hoạt động của cảng biển, cảng hàng không, cảng thủy nội địa, ga đường sắt; Đồng thời, có chức năng là cửa khẩu đối với hàng hóa XNK, cơ sở hạ tầng kết nối với cảng biển nên việc bổ sung này là cần thiết”, ông Thu nói.
Báo Giao thông