Ngày 25/10, Hội nghị cấp cao lần thứ 3 của Dự án bảo vệ môi trường biển các nước Đông Nam Á (MEPSEAS) được khai mạc tại Quảng Ninh.
Đẩy mạnh hợp tác hàng hải giữa khối ASEAN và IMO
Hội nghị có sự tham gia của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) cùng các đại biểu quốc tế từ các quốc gia hưởng lợi từ dự án như Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan; đại diện các tổ chức quốc tế như Tổ chức các đối tác về quản lý môi trường biển Đông Á (PEMSEA), Tổ chức hợp tác kiểm tra nhà nước cảng biển khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (Tokyo-MoU)…
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại khai mạc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho biết trong 3 năm qua, các hoạt động trong dự án MEPSEAS đã mang lại những thay đổi rõ rệt trong việc quản lý và thực thi các Công ước IMO về bảo vệ môi trường biển tại 6 quốc gia tham gia dự án.
Trong đó, có việc triển khai có hiệu quả Công ước Quốc tế về phòng ngừa ô nhiễm từ tàu (Công ước MARPOL); Công ước quốc tế về kiểm soát các hệ thống chống hà độc hại của tàu; Công ước London và Nghị định thư London về phòng ngừa ô nhiễm biển do xả chất thải và các chất khác và Công ước quốc tế về kiểm soát, quản lý nước dằn và cặn nước dằn của tàu (Công ước BWM 2004).
Hiện tại, Bộ GTVT Việt Nam đang xây dựng hồ sơ để trình Chính phủ đề xuất gia nhập Công ước quốc tế về kiểm soát, quản lý nước dằn và cặn nước dằn của tàu (Công ước BWM 2004), dự kiến sẽ hoàn tất cuối năm 2022 và đầu năm 2023.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang, trong khối ASEAN, vận tải biển không chỉ đóng vai trò kết nối vận chuyển hàng hóa thương mại của khối với các khu vực trên thế giới mà còn giúp tăng cường kết nối các nước thành viên, hướng tới đạt được thị trường vận tải biển chung ASEAN. Do đó, việc tăng cường hợp tác hàng hải giữa khối ASEAN và IMO là một trong những nội dung cần đẩy mạnh thời gian tới.
“Không chỉ 6 nước tham gia dự án MEPSEAS mà toàn bộ 10 nước thành viên ASEAN cần trao đổi nhằm đề xuất thiết lập cơ chế hợp tác chính thức giữa ASEAN và IMO, để các quốc gia có thêm cơ hội và điều kiện tham gia sâu hơn vào các dự án/hoạt động của IMO trên các lĩnh vực của ngành hàng hải, trong đó có lĩnh vực bảo vệ môi trường biển”, lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh và khẳng định, Việt Nam cam kết nỗ lực để thúc đẩy sớm phê chuẩn Công ước BWM 2004, cũng như triển khai hiệu quả các Công ước quốc tế khác của IMO mà Việt Nam đã được hỗ trợ từ dự án MEPSEAS.
Trục xuất tàu biển đe dọa môi trường và tài nguyên
Hội nghị có sự tham gia của nhiều đại biểu quốc tế để thảo luận, trao đổi về các giải pháp, phương án hoạt động hiệu quả cho dự án MEPSEAS
Theo đại diện Cục Hàng hải VN, kinh tế biển chiếm tỷ trọng lớn trong tổng GDP của Việt Nam. Do đó, bảo vệ môi trường biển là nhiệm vụ quan trọng mà Chính phủ dành sự quan tâm. Trong khi đó, Việt Nam đối mặt với nhiều rủi ro môi trường từ các hoạt động như thăm dò và khai thác dầu khí, hoạt động cảng, vận tải biển, du lịch…
Trong năm 2021, số lượng tàu cập cảng biển Việt Nam là 61.229 lượt nội địa và 78.475 lượt tàu quốc tế với tổng lượng hàng hóa thông qua cảng là 706,3 triệu tấn. Nguy cơ ô nhiễm môi trường biển khá rõ nét.
Trong đó hiện nay, các tàu thuyền tự do trao đổi nước dằn trong vùng nước cảng biển, gây nguy cơ ô nhiễm lớn. Trên thực tế, vẫn chưa có luật xử lý trao đổi nước dằn từ tàu thuyền.
Bảo vệ môi trường biển, thời gian tới, Việt Nam sẽ tham gia và phối hợp với các Quốc gia trong việc thực hiện các hoạt động kiểm soát và ngăn ngừa ô nhiễm môi trường biển. Đồng thời, tham gia các cuộc họp do IMO tổ chức để trao đổi, thảo luận và học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia thành viên và các nhà khoa học có chuyên môn.
Cùng đó, tổ chức kiểm tra cảng biển với tàu nước ngoài cập cảng Việt Nam để đảm bảo các tàu tuân thủ các quy định của Công ước AFS (Công ước Quốc tế về kiểm soát các hệ thống chống hà độc hại của tàu) và BWM. Trường hợp phát hiện tàu có khuyết điểm đe dọa tài nguyên, môi trường và sức khỏe con người sẽ tạm giữ hoặc trục xuất.
Cấm tàu xả nước dằn khi phát hiện mẫu nước dằn tàu có tác động xấu đến môi trường, sức khỏe con người, tài sản hoặc tài nguyên. Ngoài ra, Việt Nam sẽ công bố các vị trí trao đổi nước dằn phù hợp với các quy định của Công ước BWM.
Đặc biệt, sẽ tiến hành điều tra, phát hiện và xử lý vi phạm với tàu treo cờ Việt Nam và các tổ chức, cá nhân có liên quan; tàu nước ngoài hoạt động trong vùng biển Việt Nam không tuân thủ các quy định của Công ước AFS và BWM (bao gồm vùng nước cảng biển, lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế).