Vosco sẵn sàng bước vào chu kỳ tăng trưởng mới với kế hoạch đầu tư đội tàu hơn 10.000 tỷ đồng

3/04/25 5:18 PM

Thay đổi lãnh đạo, không vay nợ và đổi mới đội tàu, Vosco – cái tên từng gắn liền với hình ảnh những “thủy thủ quả cảm” – đang chuẩn bị cho một chu kỳ tăng trưởng mới.

Vosco có kế hoạch bổ sung 10 tàu mới để mở rộng đội tàu và thay thế tàu cũ, hỏng. Ảnh: Vosco.

Lãnh đạo mới – Đội tàu mới

Cuối tháng 1/2025, Công ty Cổ phần Vận tải biển Việt Nam (Vosco) cho biết đã tiếp nhận tàu hàng rời cỡ Supramax đầu tiên mang tên Vosco Starlight. Ngay sau đó, công ty dự kiến sẽ thanh lý tàu Vosco Star, đã khai thác được 26 năm và không còn hiệu quả. Trước đó, trong năm 2024, Vosco đã thuê thêm hai tàu chở hóa chất cỡ 13.000 DWT mang tên Đại Thành và Đại Hưng. Đầu năm nay, công ty tiếp tục nhận tàu Đại Quang theo hình thức thuê trần.

Việc mua và thuê tàu hàng mới nằm trong kế hoạch nâng cấp đội tàu quy mô lớn của công ty. Cuối năm 2024, Vosco tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường, thông qua chủ trương đầu tư phát triển đội tàu mới gồm 10 chiếc. Cụ thể, công ty dự kiến mua hai tàu hàng rời Supramax (56.000–58.000 DWT/chiếc), đóng mới bốn tàu Ultramax (62.000–66.000 DWT/chiếc) và bốn tàu dầu sản phẩm cỡ MR (50.000 DWT/chiếc). Tổng giá trị đầu tư có thể lên tới hơn 410 triệu USD, tương đương hơn 10.000 tỷ đồng.

Lãnh đạo Vosco thông qua kế hoạch này trong bối cảnh công ty chưa bổ sung tàu mới kể từ năm 2013. Hiện tại, Vosco sở hữu 12 tàu gồm 7 tàu hàng khô, hàng rời, 2 tàu container và 3 tàu dầu sản phẩm. Phần lớn trong số này đều đã khai thác nhiều năm, đang được tính toán để thanh lý, thay thế bằng đội tàu hiện đại hơn.

Năm 2024, Vosco cũng đã thông qua kế hoạch đầu tư vốn để thành lập công ty con hoạt động trong lĩnh vực quản lý tàu. Tuy nhiên, kế hoạch này chưa được triển khai và dự kiến chuyển sang năm 2025.

Chiến lược “thay máu” toàn diện đội tàu đi kèm với những thay đổi lớn trong bộ máy lãnh đạo. Quý III/2024, ông Nguyễn Quang Minh rời vị trí Chủ tịch HĐQT để đảm nhiệm vai trò Tổng Giám đốc thay ông Cao Minh Tuấn nghỉ hưu theo chế độ. Ngay sau đó, ông Hoàng Long – thành viên Hội đồng quản trị – được bầu giữ chức Chủ tịch thay ông Minh.

Ông Nguyễn Quang Minh, sinh năm 1973, có gần 30 năm công tác tại Vosco. Từ 2011 đến 2021, ông từng giữ chức Phó Tổng Giám đốc và là thành viên HĐQT trong giai đoạn 2012–2018. Ông được bầu làm Chủ tịch HĐQT từ tháng 3/2024. Trong khi đó, tân Chủ tịch HĐQT Hoàng Long là người đại diện 10% phần vốn của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) tại Vosco.

Dư dả tiền mặt – Không nợ vay

Từng là đơn vị thành viên của Vinalines, ở thời kỳ vận tải biển phát triển mạnh, Vosco là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu ngành hàng hải Việt Nam, nổi bật với biệt danh “những thủy thủ” gắn với nhiều dấu mốc tiên phong. Với đội tàu hùng hậu, công ty từng là đơn vị đầu tiên mở tuyến vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đi Mỹ, Ấn Độ, Australia, Đông Phi, Nam Âu…

Tuy nhiên, sau sự sụp đổ của Vinalines và suy thoái của ngành vận tải biển toàn cầu, trong suốt hơn một thập kỷ, Vosco tập trung vào xử lý thua lỗ thay vì mở rộng. Đến cuối năm 2022, công ty đã xử lý xong phần lỗ lũy kế kéo dài từ giai đoạn 2013–2020, khi thị trường vận tải biển gặp nhiều khó khăn.

Hiện tại, tình hình tài chính của Vosco được đánh giá là tương đối lành mạnh. Tính đến cuối năm 2024, công ty có khoảng 1.300 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, chiếm gần 50% tổng tài sản. Đáng chú ý, Vosco không sử dụng nợ vay và cũng không chi trả cổ tức từ năm 2011 đến nay. Đây là nền tảng thuận lợi cho kế hoạch đầu tư đội tàu quy mô lớn.

Lãnh đạo công ty cho biết, nguồn vốn đầu tư sẽ đến từ vốn tự có và vốn vay tùy theo từng dự án cụ thể. “Công ty đã hoàn tất tái cơ cấu tài chính với các ngân hàng, tập trung quản trị hiệu quả dòng tiền và chủ động làm việc với các tổ chức tín dụng để tiếp cận nguồn vốn vay đầu tư phát triển đội tàu. Năm 2024, một số ngân hàng trong nước đã chấp thuận cấp vốn, và hiện công ty đang tiếp tục trao đổi với các ngân hàng nước ngoài về khoản vay trung, dài hạn”, đại diện Vosco cho biết.

Năm 2025, công ty sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá các phương án đầu tư phù hợp để phát triển đồng thời cả 3 nhóm đội tàu: hàng rời, tàu dầu và tàu chuyên dụng. Các hình thức đầu tư sẽ linh hoạt, gồm mua tàu cũ, đóng mới hoặc thuê.

Công ty Chứng khoán An Bình nhận định, kế hoạch đầu tư đội tàu mới là bước đi tham vọng, đòi hỏi nguồn vốn lớn nhưng có thể mang lại lợi ích lâu dài, giúp Vosco nâng cao năng lực vận tải và cải thiện khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Dù vậy, với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 10.000 tỷ đồng – gấp 4 lần tổng tài sản hiện có – kế hoạch này sẽ cần được trình xin ý kiến cổ đông tại đại hội thường niên năm 2025.

Ngoài đóng mới và mua tàu, công ty cũng xem xét khả năng thuê hoặc mua lại tàu đã qua sử dụng. Theo lãnh đạo Vosco, hiện nay giá tàu cũ đang ở mức hợp lý, trong khi thị trường vận tải biển dài hạn tương đối ổn định, là thời điểm phù hợp để thay thế dần các tàu khai thác kém hiệu quả hoặc không đạt tiêu chuẩn phát thải.

Thận trọng

Năm 2025, Vosco đặt kế hoạch doanh thu 6.000 tỷ đồng – tương đương năm 2024. Lợi nhuận trước thuế kỳ vọng đạt 376 tỷ đồng, giảm khoảng 10%. Theo đánh giá của công ty, thị trường tàu hàng khô, container và tàu dầu sản phẩm vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro do căng thẳng địa chính trị và những bất ổn trong chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, công ty đang đối mặt với thách thức do quy mô đội tàu bị thu hẹp trong quá trình tái cơ cấu, chi phí sửa chữa – bảo dưỡng tăng cao, và các quy định quốc tế về môi trường, khí thải ngày càng nghiêm ngặt.

Trước tình hình này, Vosco sẽ theo dõi sát biến động thị trường, tối ưu hóa khai thác và tăng cường quản lý chi phí nhiên liệu, phụ tùng, vật tư để nâng cao hiệu quả. Đồng thời, công ty sẽ chủ động chuẩn bị phương án đáp ứng các tiêu chuẩn mới của thị trường quốc tế hoặc từ Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO).

Song song đó, Vosco cũng tìm kiếm các đối tác có tiềm lực để liên doanh, mở rộng quy mô hoạt động, đa dạng hóa ngành nghề, phát triển thị trường xa hơn, tiềm năng hơn và mở rộng danh mục hàng hóa vận chuyển. Công ty cũng sẽ phối hợp với các phương thức vận tải khác như đường bộ, đường sắt để mở rộng chuỗi cung ứng.

TheLEADER