Phát triển logistics xanh không còn là xu hướng mà dần trở thành yêu cầu tất yếu với các hoạt động xuyên suốt từ khâu mua nguyên vật liệu, sản xuất, phân phối, giao hàng, xử lý phế thải, với toàn bộ chu kỳ sống của sản phẩm.
Chiều ngày 9/7, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) tổ chức Tọa đàm Phát triển Logistics xanh, thích ứng nhanh và công bố FIATA World Congress 2025.
Phát triển logistics xanh không còn là xu hướng mà dần trở thành yêu cầu tất yếu
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại toạ đàm
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định: “Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là yêu cầu tất yếu, không thể đảo ngược và là xu thế chung toàn cầu trong giai đoạn hiện nay. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 đã đặt mục tiêu xanh hoá các ngành kinh tế, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bền vững về môi trường và công bằng xã hội. Trong đó giao nhiệm vụ cho các Bộ ngành liên quan trong ‘phát triển logistics xanh’ gồm các trung tâm logistics xanh, cảng xanh… Để thực hiện Chiến lược này, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 882/QĐ-TTg phê duyệt, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, trong đó, dịch vụ logistics là 1 trong 18 chủ đề trọng tâm của Kế hoạch”.
Khảo sát của Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững của VCCI đã cho thấy, chuyển đổi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị theo hướng bền vững hơn là một trong những xu thế mà cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đang rất quan tâm và dành nhiều ưu tiên. Theo đó, quản lý chuỗi cung ứng xanh gắn liền với quản trị các mắt xích của nó, bao gồm thiết kế xanh, sản xuất xanh, vận hành xanh, thu mua xanh, logistics xanh, quản lý chất thải… Khi các mắt xích đó đều “xanh” thì doanh nghiệp sẽ có thể nâng cao năng lực sản xuất, năng lực vận hành, đồng thời hình thành nên hệ sinh thái xanh, bền vững xoay quanh doanh nghiệp, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh và gia tăng khả năng thích ứng, chống chịu, phục hồi của doanh nghiệp trước các cú sốc của thị trường.
“Từ yêu cầu đó, phát triển logistics xanh không còn là xu hướng mà dần trở thành yêu cầu tất yếu với các hoạt động xuyên suốt từ khâu mua nguyên vật liệu, sản xuất, phân phối, giao hàng, xử lý phế thải, với toàn bộ chu kỳ sống của sản phẩm. Nghị quyết số 163/NQ-CP của Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam cũng đã xác định phát triển logistics gắn với chuỗi cung ứng bền vững”, ông Vinh nhận định.
Ông Lê Quang Trung – Phó Chủ tịch VLA, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam chia sẻ tại Toạ đàm
Ông Lê Quang Trung – Phó Chủ tịch VLA, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam(VIMC) cho rằng: “Vấn đề chuyển đổi xanh rất quan trọng đối với các hoạt động logistics nói riêng và các vấn đề liên quan đến xuất nhập khẩu nói chung. Theo cam kết của Chính phủ, VLA cùng với các công ty logistics liên quan đến cảng biển, dịch vụ, các công ty vận tải biển, các kho bãi cũng đang nỗ lực từng bước để chuyển đổi hoạt động logistics, cũng như chuyển đổi sử dụng phụ tải thông thường sang logistics được quản lý chặt chẽ hơn liên quan đến quy trình xanh, liên quan đến môi trường, liên quan đến các vấn đề về bao bì, đặc biệt là quản trị các vấn đề về quy trình logistics ngược (tức quy trình về tái chế và thu hồi sản phẩm). Đây là nỗ lực chung của ngành logistics Việt Nam với sự đồng hành của các nhà sản xuất để tạo nên một chuỗi cung ứng từ sản xuất cho đến người tiêu dùng. Có sự đồng hành đó, có thể thấy được việc chuyển đổi xanh hiện nay đang hết sức được quan tâm và được các công ty điều chỉnh để phấn đấu đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050 như Chính phủ đã cam kết trong COP26″.
Đồng quan điểm trên, ông Lê Duy Hiệp – Chủ tịch VLA cho biết thêm, trên thế giới, nhiều doanh nghiệp logistics lớn như các hãng tàu, doanh nghiệp cảng biển… đã có lộ trình cắt giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng xanh sớm hơn lộ trình của các quốc gia đã cam kết.
Theo VLA, hiện nay, ngành vận tải nói chung đóng góp 24% lượng khí thải toàn cầu. Hành trình tiến tới logistics xanh và thích ứng nhanh sẽ đóng góp vào quá trình giảm thải cacbon của ngành logistics Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung; qua đó thúc đẩy mạnh mẽ hơn cam kết của Chính phủ Việt Nam về hành trình tiến tới Net Zero.
“Phát triển chuỗi cung ứng xanh không còn là câu chuyện của tương lai, mà phải là ngay bây giờ, không còn là lựa chọn mà là sự bắt buộc. Phát triển chuỗi cung ứng xanh cũng chính là sự thay đổi cần thiết, gắn liền với mục tiêu giảm phát thải ròng về 0%”, ông Hiệp nhấn mạnh.
Logistics ‘xanh’: Hành trình còn nhiều thách thức
Logistics xanh vẫn đang là một khái niệm tương đối mới. Để thúc đẩy logistics xanh để tăng trưởng toàn diện và bền vững tại Việt Nam, ngoài việc phải hiểu bản chất và vai trò của logistics xanh, cũng cần phải chỉ ra những thách thức trong việc xanh hóa ngành logistics của doanh nghiệp trong nước.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, Phó Chủ tịch VLA, Phó Tổng giám đốc VIMC – Lê Quang Trung đã chỉ ra ba thách thức trong quá trình thực hiện được chuyển đổi xanh của ngành logistics:
Thứ nhất là những khó khăn liên quan đến quy định. Cho đến thời điểm hiện tại, mặc dù chúng ta hướng tới giảm khí thải các bon, hướng tới việc khắc phục hoạt động để thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, đối với hệ thống cảng biển, vận tải biển, hay logistics trong kho bãi thì đến thời điểm này mới chỉ là khuyến khích mà chưa có các quy định cụ thể, chưa có chính sách để triển khai, cũng như chính sách để hỗ trợ cụ thể. Đây là khó khăn đầu tiên trong quá trình triển khai.
Vấn đề thứ hai, chuyển đổi xanh thì thực tế muốn thực hiện nó thì phải gắn đến vấn đề về đầu tư. Vì rất nhiều các trang thiết bị, các vấn đề phụ tải, thì trước đây chúng ta vẫn sử dụng các nhiên liệu hoá thạch, ví dụ như dầu mỏ, ví dụ như than đá,…Tất cả những phụ tải thông thường mà có tốn kém chi phí năng lượng cao thì sẽ dần dần phải được chuyển đổi sang các phụ tải thân thiện với môi trường. Điều này là không hề rẻ, kể các hệ thống máy móc động cơ để giảm lượng khí thải cũng cần phải có những thiết bị đặc biệt mà rất tốn kém trong việc đầu tư.
Bên cạnh các khó khăn về tài chính, kể cả sự chấp nhận của thị trường cũng là một thách thức lớn. Bởi lẽ, thực tế trong quá trình chuyển đổi xanh, chúng ta thấy có thể làm chi phí về logistics trong một giai đoạn nhất định sẽ tăng lên, thì lúc này liệu thị trường có chấp nhận và đồng hành được hay không. Đây là khó khăn đòi hỏi sự đồng hành của cả xã hội cũng như phải có giải pháp để chúng ta có đầu tư theo hướng phân kỳ, tiến tới mục tiêu chuyển đổi xanh.