Thập kỷ vừa qua đã đánh dấu nhiều cột mốc lớn trong lịch sử ngành logistics toàn cầu. Thị trường hậu cần đã phát triển vượt bậc và có nhiều cải thiện đáng kể về cơ sở hạ tầng trên toàn thế giới. Trong đó, công nghệ số hóa và các giải pháp đột phá trong chuỗi cung ứng và hậu cần giữ vai trò quan trọng nhất.
Sự tiến bộ về công nghệ đã tăng cường khả năng và chức năng của mọi yếu tố trong ngành logistics – ngay từ khâu đóng gói và dán nhãn đến vận chuyển đường dài và chuyển hàng dặm cuối. Những thay đổi trong nhu cầu của người tiêu dùng, sự tăng trưởng trong ngành thương mại điện tử và sự cạnh tranh thị trường khốc liệt cũng đã cho phép những chuyển đổi nhanh chóng trong ngành công nghiệp hậu cần hiện nay.
Từ đây, thập kỷ mới của logistics thông minh hơn và nhanh hơn đã chính thức bắt đầu. Ngành công nghiệp đã sẵn sàng cho sự tăng trưởng lớn và dự kiến sẽ đạt 12,256 tỷ USD vào năm 2022 sắp tới. Dưới đây là Top 5 xu hướng mới dự kiến sẽ định hình tương lai của chuỗi cung ứng và ngành logistics trong năm 2020 và trong tương lai dài.
1. Trí thông minh nhân tạo
Trí thông minh nhân tạo (AI) đang mang lại cuộc cách mạng trong khâu đóng gói và chuyển hàng trên khắp thế giới. Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu triển khai áp dụng AI trong phần lớn các hoạt động của chuỗi cung ứng để tăng cường năng suất chuỗi cung ứng và giảm thiểu chi phí vận hành. Trong năm 2020 và những năm tiếp theo, công nghệ AI vẫn sẽ tiếp tục định hình lại ngành logistics với các dịch vụ sáng tạo như thuật toán AI tự học, khả năng mã hóa theo địa lý, tối ưu hóa tuyến vận chuyển, dự đoán nhu cầu theo thời điểm, tự động hóa kho bãi,…
2. Theo dõi thời gian thực trong chuỗi cung ứng
Khi các giao dịch xuyên biên giới ngày càng tăng cao và lĩnh vực bán hàng trực tuyến tiếp tục phát triển, hệ thống logistics truyền thống hiện đang không đủ khả năng theo dõi hàng hóa khi chúng đang di chuyển trong chuỗi cung ứng. Với công nghệ mới có thể xóa bỏ những điểm mù này bằng khả năng theo dõi đơn hàng theo thời gian thực tại bất kỳ thời điểm nào trong chuỗi cung ứng, xuyên suốt từ điểm sản xuất đến kho hàng, trong quá trình vận chuyển và giao hàng tận nơi.
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp nhận ra về nhu cầu áp dụng công nghệ thông minh để theo dõi vị trí chính xác của hàng hóa. Những phần mềm theo dõi hàng hóa theo thời gian thực, thiết bị theo dõi chủ động, cảm biến vị trí thông minh sẽ sớm thống trị ngành công nghiệp hậu cần, tăng khả năng theo dõi trên toàn bộ chuỗi cung ứng và cải thiện trải nghiệm của khách hàng một cách tối ưu nhất.
3. Chuỗi cung ứng bản sao kỹ thuật số
Khái niệm về Bản sao kỹ thuật số (Digital Twin) đã có mặt từ lâu nhưng chưa được áp dụng rộng rãi. Thông thường, một Bản sao kỹ thuật số là bản sao ảo của quy trình, mô hình hoặc chức năng kinh doanh trong thế giới thực. Trong bối cảnh chuỗi cung ứng năng động và cạnh tranh cao hiện nay, việc tối ưu hóa mạng lưới chuỗi cung ứng là hướng đi hợp lý nhất.
Với sự giúp đỡ của hệ thống Bản sao kỹ thuật số, các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng có thể lên kế hoạch về tuyến phân phối hàng hóa hiệu quả, chuẩn bị giải pháp cho các vấn đề có thể xảy ra, tăng tốc hoạt động và vạch ra những kế hoạch mới cho tương lai. Trong những năm tiếp theo, công nghệ Bản sao kỹ thuật số sẽ đóng vai trò chính trong việc mô hình hóa chuỗi cung ứng và hợp lý hóa các hoạt động logistics với độ chính xác cao hơn và giảm mức lãng phí ở mọi mặt.
4. Hợp tác với các dịch vụ hậu cần bên thứ ba
Nếu chuỗi cung ứng vẫn chưa đủ phức tạp, thời đại của dịch vụ chuyển phát nhanh sẽ khiến mọi thứ càng rối loạn hơn trước. Hiện nay, chúng ta có hơn 40% các lô hàng chuyển phát trong ngày so với chỉ có 5% trong 4 năm trước đây. Sự tiện lợi đang thống trị ngành logistics và nhu cầu giao hàng có giới hạn thời gian và theo dõi đơn hàng thời gian thực đang thúc đẩy các doanh nghiệp lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ hậu cần bên thứ ba (3PL) để giải quyết các vấn đề về lưu kho bãi, đóng gói, vận chuyển và chuyển phát dặm cuối hiệu quả nhất.
5. Logistics xanh
Các hệ thống hậu cần truyền thống đang thải ra khí thải carbon, chất thải độc hại và nguy hiểm vào môi trường mỗi ngày. Các doanh nghiệp chuỗi cung ứng hiện đại cần áp dụng các quy trình bảo vệ môi trường và có trách nhiệm với môi trường chung để giúp giảm thiểu tác động sinh thái của các hoạt động trong ngành logistics truyền thống. Trong những năm tới, các doanh nghiệp trên toàn cầu sẽ dần thay đổi chuỗi cung ứng, đi theo hướng logistics xanh để góp phần bảo vệ môi trường và cải thiện hình ảnh của doanh nghiệp trước khách hàng.
Một số sáng kiến logistics xanh đã được các doanh nghiệp chuỗi cung ứng áp dụng nhằm tìm nguồn cung ứng từ các đối tác có trách nhiệm với môi trường, giảm tiêu thụ năng lượng trong quá trình vận chuyển, tái sử dụng và tái chế các vật liệu đóng gói bền vững.