Sau khi nhóm phiến quân Houthis tấn công liên tiếp vào các tàu thuyền ở Biển Đỏ, các công ty vận tải đang tránh một trong những hành lang thương mại quan trọng nhất thế giới, điều này có thể làm gián đoạn thương mại, khiến thời gian di chuyển kéo dài và phụ phí gia tăng.
Các tàu thương mại cập cảng Haifa, Israel, trên Địa Trung Hải, ngày 13/12
Chuyện gì đã xảy ra?
Trong những tuần gần đây, nhóm phiến quân Houthis của Yemen, gần Iran, đã liên tục tấn công gần eo biển chiến lược Bab al-Mandeb, ngăn cách bán đảo Ả Rập với châu Phi.
Houthis cảnh báo sẽ nhắm vào các tàu lưu thông ngoài khơi Yemen hướng đến Israel, nhằm đáp trả cuộc chiến giữa Israel và phong trào Hồi giáo Palestine Hamas ở Dải Gaza.
Trong những tuần gần đây, tàu chiến tuần tra trong khu vực đã bắn hạ nhiều tên lửa và máy bay không người lái.
Thứ Hai (18/12), lực lượng Houthis đã thực hiện hàng loạt cuộc tấn công ở Biển Đỏ nhắm vào 2 con tàu hướng đến Israel, trong đó có Swan Atlantic, thuộc sở hữu của một công ty Na Uy.
Chủ tàu cho biết, tàu M/V Swan Atlantic của Na Uy đã bị một vật thể không xác định đâm phải hôm thứ Hai vừa qua.
Các công ty phản ứng ra sao?
Đối mặt với những cuộc tấn công này, một số hãng vận tải hàng hải hàng đầu thế giới đã tuyên bố tạm dừng hoạt động vận tải qua Biển Đỏ.
Maersk của Đan Mạch, Hapag-Lloyd của Đức, CMA CGM của Pháp và MSC của Ý-Thụy Sĩ đã thông báo rằng các tàu của họ sẽ không lưu thông qua Biển Đỏ cho đến khi có thông báo mới, ít nhất là đến thứ Hai hoặc cho đến khi có lộ trình an toàn.
Hãng vận tải hàng hải hàng đầu của Pháp CMA CGM đã quyết định buộc tất cả các tàu container trong khu vực phải đi qua Biển Đỏ, phải đến khu vực an toàn hoặc không rời khỏi vùng biển được cho là an toàn. Lệnh này có hiệu lực ngay lập tức và kéo dài đến khi có thông báo mới.
Hôm thứ Hai, gã khổng lồ hydrocarbon của Anh cũng tuyên bố đình chỉ mọi hoạt động vận chuyển ở Biển Đỏ.
Biển Đỏ đóng vai trò gì trong giao thông hàng hải?
Biển Đỏ là một tuyến đường cao tốc trên biển nối Địa Trung Hải với Ấn Độ Dương, từ đó nối châu Âu với châu Á.
Mỗi năm có khoảng 20.000 tàu đi qua kênh đào Suez, đây là điểm ra vào của các tàu đi qua Biển Đỏ.
Theo Phòng Vận chuyển Quốc tế (ICS) có trụ sở tại London, 12% thương mại toàn cầu thường đi qua Biển Đỏ.
Theo Jean-Philippe Casanova, tổng đại biểu của Armateurs de France, hàng năm có từ 200 – 250 tàu thương mại đi đến Trung Đông do các chủ tàu Pháp kiểm soát, tương đương 800 – 900 lượt lưu thông qua khu vực mỗi năm.
Cuộc chiến ở Biển Đỏ ảnh hưởng gì đến thương mại hàng hải?
Để tránh Biển Đỏ, các tàu thuyền sẽ phải đi qua Mũi Hảo Vọng, khiến hành trình kéo dài nhiều hơn, bình quân khoảng 6 ngày đối với một chiếc tàu đi từ châu Á đến châu Âu, phụ phí nhiên liệu cũng có thể tăng thêm 300.000 – 400.000 USD, Giáo sư Andreas Krieg tại King’s College London nhấn mạnh.
Giám đốc Paul Tourret tại ISEmar cho biết: “Sự chuyển hướng này có thể khiến hàng hóa tăng giá và phải tăng thêm 1 tàu vận chuyển. Những chuyến hàng có thể phải chịu thêm chi phí nếu đi tuyến đường dài hơn”.
Hàng hóa bị ảnh hưởng nhiều nhất sẽ là những mặt hàng tiêu dùng vào mùa xuân hoặc đầu mùa hè. Do đó, tình hình gián đoạn này sẽ không ảnh hưởng đến các mặt hàng trong mùa đông này.
Tuy nhiên, tình trạng trì trệ trong chuỗi cung ứng công nghiệp có thể gặp nhiều trở ngại.
Theo Torbjorn Soltvedt, thuộc công ty phân tích rủi ro Verisk Maplecroft, mối đe dọa kinh tế trước mắt liên quan đến Ai Cập: “Trong bối cảnh khủng hoảng tiền tệ và lạm phát cao, tình trạng doanh thu từ kênh đào Suez suy giảm sẽ bước vào giai đoạn trầm trọng”.
Do lo ngại về những khó khăn về nguồn cung thông qua tuyến đường thương mại quan trọng này, giá dầu đã tăng vào thứ Hai (18/12).
Petrotimes