Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư hướng dẫn về chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí bảo đảm hàng hải và cơ chế tài chính trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ công ích bảo đảm an toàn hàng hải.
Dự thảo nêu rõ, dịch vụ công ích bảo đảm an toàn hàng hải được thực hiện theo quy định tại Thông tư này bao gồm: 1. Vận hành hệ thống đèn biển, đăng tiêu độc lập; 2. Vận hành hệ thống luồng hàng hải công cộng; 3. Khảo sát phục vụ công bố thông báo hàng hải đối với luồng hàng hải công cộng; 4. Sửa chữa, cải tạo, nâng cấp tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải là đê chắn sóng, đê chắn cát, kè hướng dòng và kè bảo vệ bờ luồng hàng hải công cộng được giao cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về hàng hải thuộc Bộ Giao thông vận tải quản lý; 5. Nạo vét duy tu luồng hàng hải để đảm bảo chuẩn tắc thiết kế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; 6. Nhiệm vụ đột xuất bảo đảm an toàn hàng hải.
Phí bảo đảm hàng hải thuộc nguồn thu của ngân sách nhà nước bao gồm: Phí bảo đảm hàng hải thu được từ các luồng hàng hải công cộng do Nhà nước đầu tư; phần phí bảo đảm hàng hải trích nộp ngân sách nhà nước thu được từ các luồng hàng hải chuyên dùng theo quy định.
Về quản lý và sử dụng phí bảo đảm hàng hải, dự thảo đề xuất: Các Cảng vụ hàng hải khu vực thực hiện thu phí bảo đảm hàng hải tại luồng hàng hải và được để lại tỷ lệ phần trăm (%) trên tổng số tiền phí thu được để chi cho hoạt động thu phí theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và Lệ phí. Tỷ lệ để lại phí bảo đảm hàng hải cho các Cảng vụ hàng hải được xác định như sau: Cảng vụ HH Quảng Ninh 0,70%; Cảng vụ HH Hải Phòng 0,50%; Cảng vụ HH Thái Bình 3,50%; Cảng vụ HH Nam Định 4,00%; Cảng vụ HH Đà Nẵng 1,00%; Cảng vụ HH TP. HCM 0,50%…(chi tiết tại phụ lục kèm theo Thông tư).
Số phí bảo đảm hàng hải sau khi trừ đi chi phí tổ chức thu, các Cảng vụ hàng hải thực hiện kê khai, nộp vào Ngân sách Trung ương.
Phí bảo đảm hàng hải thu được hàng năm tại luồng hàng hải chuyên dùng sau khi trừ số tiền phí để lại tại Cảng vụ hàng hải được sử dụng như sau: Thực hiện trích 30% để nộp vào ngân sách nhà nước; doanh nghiệp đầu tư, khai thác luồng hàng hải chuyên dùng được hưởng 70% số tiền để bù đắp chi phí đầu tư, khai thác và vận hành luồng hàng hải chuyên dùng đảm bảo chuẩn tắc theo quy định.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
VGP News