Cục Hàng hải Việt Nam và một số cơ quan liên quan vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo ưu tiên tiêm ngừa vắc xin Covid-19 cho thuyền viên vận chuyển hàng hóa và thuyền viên cứu nạn vì là đối tượng nguy cơ cao.
Thuyền viên vận chuyển hàng hóa cần được tiêm ngừa vắc xin Covid-19
Theo kiến nghị của Cục Hàng hải Việt Nam, đặc thù của thuyền viên là phải cập cảng biển tại nhiều quốc gia, tiếp xúc với nhiều đối tượng (từ hoa tiêu đến công nhân tại cảng biển…), thường xuyên đi máy bay sang nước ngoài để thay thế. Do đó, thuyền viên là đối tượng có nguy cơ lây nhiễm rất cao.
Trong các nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm ngừa vắc xin Covid-19 được đề cập tại Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng Covid-19 có đối tượng có nhu cầu đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài. Thuyền viên tàu vận tải biển có thể được xếp vào nhóm này vì cũng được cấp giấy xuất khẩu lao động nước ngoài. Do đó, danh mục chi tiết các đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin của cơ quan chức năng cần đưa thuyền viên làm việc trên tàu biển hoặc đi tàu biển nước ngoài là đối tượng được ưu tiên.
Không chỉ Cục Hàng hải Việt Nam, Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam đã gửi đơn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét, chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền khi xây dựng chi tiết kế hoạch tiêm ngừa vắc xin Covid-19 nên ưu tiên thuyền viên. Bởi vì đây cũng là lực lượng duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa bằng đường biển, góp phần trực tiếp thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ. Nếu như công nhân, viên chức, lao động ở một số vùng có dịch phải có kết quả xét nghiệm âm tính mới được vào nhà máy làm việc thì với thuyền viên, tiêm ngừa vắc xin Covid-19 được coi như cấp “hộ chiếu vắc xin” khi làm việc trên những con tàu vận chuyển hàng hóa.
Theo Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam, đại dịch Covid-19 lan rộng ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế nhưng hàng vạn thuyền viên Việt Nam làm việc trên các tàu treo cờ Việt Nam chạy các tuyến trong, ngoài nước và hàng nghìn thuyền viên Việt Nam làm việc trên các tàu nước ngoài vẫn đang tiếp tục khắc phục khó khăn, vận hành tàu biển, duy trì sự lưu thông của hàng hóa. Bên cạnh đó, đối với hoạt động hàng hải, việc định kỳ thay đổi thuyền viên theo hợp đồng lao động được ký kết là một yêu cầu của pháp luật quốc tế và đòi hỏi khách quan phải thực hiện thường xuyên, liên tục.
Đối với lao động đặc thù như thuyền viên, điều đó là quá vất vả
Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 làm hạn chế trong vận chuyển hàng không, đặc biệt là do các quy định nghiêm ngặt về kiểm dịch y tế của các quốc gia nên việc thay thế thuyền viên, nhất là thay thế thuyền viên ở nước ngoài gặp khó khăn. Nhiều thuyền viên không được thay thế đúng thời hạn hợp đồng. Thời gian làm việc trên tàu vốn đã vất vả lại bị kéo dài quá mức, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần.
Trước những khó khăn đó, Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam kiến nghị Thủ tướng xem xét và chỉ đạo các cơ quan quản lý Nhà nước đưa thuyền viên Việt Nam – một trong những đối tượng lao động đặc thù đã quy định trong Bộ luật Lao động 2019 vào danh sách ưu tiên tiêm chủng vắc xin phòng ngừa Covid-19. Việc này giúp hoạt động thay thế thuyền viên và kinh doanh vận tải biển diễn ra thuận lợi, góp phần vào khôi phục và ổn định nền kinh tế của đất nước.