Hiệp hội Đại lý và Môi giới Hàng hải VN đề xuất sớm thực điều chỉnh giá dịch vụ tại cảng biển, đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp Việt.
Theo đánh giá, hãng tàu nước ngoài đang hưởng lợi rất lớn khi thu phí THC của chủ hàng Việt Nam cao và chỉ phải trả cho cảng 30 – 45% phí thu được
Tăng mạnh giá bốc dỡ container tại khu vực cảng nước sâu
Đại diện Hiệp hội Đại lý và Môi giới hàng hải Việt Nam (Visaba) cho biết, tổ chức này vừa có văn bản kiến nghị gửi Chính phủ và Bộ GTVT về việc điều chỉnh giá dịch vụ cảng biển.
Theo Visaba, dự thảo điều chỉnh Thông tư 54/2018 đang đề xuất điều chỉnh giá dịch vụ tối thiểu bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, trung chuyển khu vực 1 (không bao gồm khu vực cảng Lạch Huyện), khu vực cảng quốc tế Lạch Huyện và cảng Cái Mép – Thị Vải lên 10% từ năm 2021 và tiếp tục tăng thêm 10% từ năm 2023.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công suất sử dụng của các cảng biển khu vực 1 (không bao gồm khu vực cảng Lạch Huyện) mới chỉ đạt 60-70% nên việc điều chỉnh giá cần thực hiện trong 3 năm liên tục, bắt đầu từ ngày 1/7/2021 với mức tăng mỗi năm 10%.
Đối với các cảng biển khu vực cảng nước sâu Lạch Huyện và Cái Mép – Thị Vải, cơ quan chức năng cần nghiên cứu tăng giá dịch vụ tối thiểu bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, trung chuyển lên ít nhất 20% so với giá sàn đã được quy định tại Thông tư số 54/2018 từ ngày 1/7/2021 và có lộ trình quy định tăng mỗi năm 10% cho các năm sau đến năm 2023.
Lý giải cơ sở cho đề xuất trên, Visaba cho biết, phí THC áp dụng tại Việt Nam từ ngày 1/6/2007 với mức 50 USD/20’ và 75 USD/40’. Sau 14 năm, mức phí THC này đã tăng 2,5 lần trong khi giá bốc xếp cảng biển lại giảm đi 30 – 40%.
Thời điểm hiện tại, các hãng tàu đang thu phí THC đối với chủ hàng XNK Việt Nam khá cao (114 USD/cont 20’ và 173 USD/cont 40’) nhưng chỉ trả lại cho cảng ở mức chỉ bằng 30 – 45% mức thu từ khách hàng (33 USD/Teu tại khu vực Đình Vũ, 52 USD/Teu tại khu vực Cái Mép và 41 USD/Teu đối với khu vực TP Hồ Chí Minh).
Mức phí hãng tàu trả về cho cảng chênh lệch từ 68-87 USD/Teus so với mức phí hãng tàu thu của chủ hàng Việt. Vì vậy, nếu không thay đổi mức giá sàn, hàng năm Việt Nam sẽ mất hàng tỷ USD vào túi của các hãng tàu nước ngoài do mức chênh lệch thu/chi của hãng tàu. Các doanh nghiệp Việt Nam đều không được hưởng bất kỳ lợi ích nào.
Dù việc điều chỉnh giá dịch vụ cảng biển là cần thiết, giúp doanh nghiệp cảng có điều kiện tái đầu tư hạ tầng, thiết bị, song Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu thận trọng, tránh phát sinh chi phí logistics, gây bất lợi cho chủ hàng Việt
Điều chỉnh giá xếp dỡ không làm tăng chi phí logistics Quốc gia
Trước lo ngại hãng tàu sẽ tiếp tục tăng phụ phí với chủ hàng xuất nhập khẩu Việt Nam nếu giá bốc xếp tại cảng biển được điều chỉnh tăng lên, Visaba cho biết, qua dữ liệu tổng hợp từ 2017 đến nay, mặc dù có sự điều chỉnh giá sàn xếp dỡ tăng từ Quyết định 3863 bằng Thông tư 54/2018, nhưng phí THC của các hãng tàu không thay đổi.
Điều đó cho thấy, việc điều chỉnh tăng giá bốc xếp sẽ không làm tăng chi phí logistics của các doanh nghiệp Việt Nam vì giá bốc xếp do hãng tàu trả cho cảng đã được tính gộp trong giá cước chào cho khách hàng xuất nhập khẩu.
“Theo tính toán, việc điều chỉnh giá bốc xếp tăng từ 10-20%, nếu trừ đi mức lạm phát 5% thì với mức tăng 5-15% là không đáng kể nếu so với mức mà các hãng tàu đang hưởng lợi cũng như mức chênh lệch giá bốc xếp của các cảng Việt Nam so với khu vực.
Mặt khác, từ cuối năm 2020 đến nay, giá cước vận tải biển đã tăng gấp hơn 3 lần, cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây và được dự báo sẽ tiếp tục leo thang trong thời gian tới. Việc tăng giá phi mã về giá cước giúp hãng tàu nước ngoài hưởng lợi nhuận rất lớn. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế và lãi vay của hãng tàu đã đạt mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây.
Các phân tích trên cho thấy, thời điểm hiện nay là cơ hội tốt nhất để Việt Nam điều chỉnh giá bốc xếp tại cảng biển”, Visaba khẳng định.
Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Cục Hàng hải VN cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thị trường giá cước vận tải lại đang biến động, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Hàng hải VN và cơ quan chức năng phải rất thận trọng trong lộ trình điều chỉnh giá để bảo đảm chi phí logistics không phát sinh, gây bất lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam
“Vì vậy, đề xuất điều chỉnh tăng giá bốc dỡ container tại cảng biển Việt Nam ngay từ tháng 7/2021 là khó khả thi. Thời gian điều chỉnh khung giá dịch vụ tại cảng biển cũng chưa được xác định cụ thể”, đại diện này nói.