Theo Nhóm tác giả PGS. TS. Nguyễn Hồng Vân; TS. Nguyễn Thị Thúy Hồng – Trường Đại học Hàng hải Việt Nam: Quy việc đánh giá khái quát thực trạng kinh doanh dịch vụ logistics ở Việt Nam, sau đó tập trung phân tích các mô hình hợp tác hiện tại giữa các doanh nghiệp logistics của Việt Nam, chỉ ra ưu điểm và hạn chế của các mô hình này. Cuối cùng, nhóm tác giả đề xuất sử dụng một ứng dụng miễn phí, cài đặt dễ dàng trên các thiết bị di động để hỗ trợ hợp tác, nhằm khai thác và tận dụng cơ sở vật chất của các doanh nghiệp.
Nhóm tác giả cho biết, có nhiều công trình nghiên cứu về logistics nhưng nghiên cứu chuyên sâu về hợp tác trong kinh doanh dịch vụ logistics không nhiều và chưa được công bố tại Việt Nam. Trong số các nghiên cứu quốc tế, phải kể đến bài báo Horizontal cooperation in logistics: Opportunities and impediments (Hợp tác ngang trong logistics: cơ hội và trở ngại) của Frans Cruijssen trên Tạp chí Scicendirect số 43 năm 2007. Tác giả công bố kết quả khảo sát các doanh nghiệp logistics tại Flanders của Hà Lan và chỉ ra rằng, hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ logistics (LSPs) tin tưởng vào khả năng có lợi nhuận cao hơn từ hợp tác với các LSPs khác, nhưng cũng đồng thời cho thấy trở ngại dẫn đến việc các LSPs không thể hoặc phải chấm dứt hợp tác ngay sau lần đầu là do khó khăn trong việc tìm ra một đối tác tin cậy để tổ chức và thiết kế mô hình hợp tác hiệu quả.
Bài báo Win – win cooperation model between shippers and logistics providers in Korea base on the fair trade (Hợp tác cùng có lợi giữa chủ tàu và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics tại Hàn Quốc dựa trên thương mại công bằng) đăng trên International Journal on Advanced Logistics năm 2014 tập trung phân tích các vấn đề cấu trúc của thị trường logistics thông qua các số liệu, phân tích bảng câu hỏi về các thông lệ giao dịch phổ biến giữa các chủ hàng và LSPs cũng như giữa các công ty logistics lớn và các nhà thầu phụ. Qua đó, định hình các mô hình hợp tác thành công giữa các bên tham gia chuỗi cung ứng và các khuyến nghị về thương mại công bằng giưã các LSPs.
Năm 2019, trên Scienctific Electronic Library, các nhà khoa học của Đức và Malaysia (Herbert Codzab, Inga Léna Darkow, Iljar Baumler và Cristoph Geogi) đã công bố một nghiên cứu về hợp tác trong logistics mang tên Coordination, cooperation and collaboration in logistics and supply chains: a bibliometric analysis (phối hợp, hợp tác và liên kết trong logistics và chuỗi cung ứng: một phân tích lý thuyết) đã chỉ ra một số cơ chế hợp tác hiệu quả trong kinh doanh logistics, bao gồm việc thông qua các thỏa thuận ràng buộc, chia sẻ thông tin, hợp nhất khách hàng và nhà cung cấp.
Nhóm tác giả kết luận: Logistics là một thành tố quan trọng trong sự phát triển kinh tế tại mỗi quốc gia và trên toàn thế giới. Trong những năm qua, logistics tại Việt Nam đã dần định hình và trở thành một trong những thị trường có độ tăng trưởng cao nhất cả nước. Tuy nhiên, để các nhà cung cấp dịch vụ logistics Việt Nam có thêm cơ hội để nâng cao năng lực, tiết kiệm chi phí và mở rộng thị trường, cần có một hệ thống các giải pháp đồng bộ. Nghiên cứu thực trạng kinh doanh logistics tại Việt Nam, nhóm tác giả đề xuất một ứng dụng miễn phí để kết nối các LSPs Việt, phù hợp với trình độ áp dụng công nghệ thông tin của hầu hết các doanh nghiệp logistics nhỏ và vừa hiện nay, nhằm tận dụng cơ sở vật chất của nhau, là bước đầu tiến tới hợp tác bền vững và lâu dài.
Tạp chí GTVT