Với vị trí chiến lược nằm trên trục đường xuyên Á, hệ thống cảng nước sâu xếp loại đặc biệt của quốc gia, giao thông đa phương thức đồng bộ, hiện đại, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang nỗ lực hình thành khu thương mại tự do Cái Mép Hạ gắn với hành lang công nghiệp-đô thị đông tây.
Cụm cảng Cái mép – Thị vải
Bà Rịa-Vũng Tàu hội đủ các điều kiện để phát triển trung tâm logistics và cảng biển trung chuyển quốc tế nhờ vị trí địa lý nằm trên tuyến hàng hải quốc tế từ châu Âu, Trung Đông qua khu vực Bắc Á và châu Mỹ.
Sông Cái Mép-Thị Vải có đặc điểm sâu, khá rộng, ít bị bồi lắng cho phép các tàu trọng tải lớn ra vào thuận lợi; đồng thời, là cửa ngõ hướng biển phía đông nam trên tuyến đường xuyên Á thuộc hành lang kinh tế đông nam tiểu vùng sông Mê Công (Bà Rịa-Vũng Tàu-Thành phố Hồ Chí Minh-Phnom Penh-Bangkok-Dawey).
Và Bà Rịa-Vũng Tàu nằm trong vùng Đông Nam Bộ, nơi đóng góp 32% GDP, 44,7% tổng thu ngân sách nhà nước, vùng sản xuất ra lượng hàng hóa lớn nhất cả nước, chiếm 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam.
Với điều kiện thuận lợi đó, Bà Rịa-Vũng Tàu được xem là một trong ba cực tăng trưởng quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, là cửa ngõ ra biển của các tỉnh phía nam, có điều kiện thuận lợi về hệ thống hạ tầng cảng biển, gần sân bay quốc tế Long Thành đang được xây dựng, mạng lưới giao thông đường bộ tương đối hoàn thiện, các dự án kết nối với vùng hậu phương như cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, hệ thống giao thông liên cảng Cái Mép-Thị Vải và đường sắt kết nối kinh tế vùng và vươn ra khu vực quốc tế.
Vì vậy, việc sớm hình thành khu thương mại tự do Cái Mép Hạ là thật sự cần thiết, được nêu rõ trong Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho biết: Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển vùng Đông Nam Bộ nói chung và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng. Trong đó, chủ trương về hình thành khu thương mại tự do Cái Mép Hạ không phải là cơ chế ưu đãi dành riêng cho tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, mà là cơ chế đặc thù cho cả vùng Đông Nam Bộ. Dự án sẽ tạo ra công cụ kinh tế hữu hiệu để Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới trong thu hút đầu tư và thực hiện chiến lược công nghiệp hóa giai đoạn mới. Đồng thời, dự án cũng là động lực để vùng Đông Nam Bộ có thể đóng góp lớn hơn vào sự phát triển và thịnh vượng chung của cả nước.
Theo Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam Nguyễn Cảnh Tĩnh, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có chiều dài bờ biển khoảng 300km; hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đa phương thức tiếp tục được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Do đó, việc hình thành khu thương mại tự do Cái Mép Hạ gắn với hành lang công nghiệp-đô thị đông tây sẽ mang lại nhiều lợi ích cho kinh tế vùng và quốc gia.
Ông Tĩnh cho biết: Sự ra đời của khu thương mại tự do Cái Mép Hạ sẽ giúp Việt Nam tiếp cận được các nguồn hàng hóa từ các nước khác một cách dễ dàng và nhanh chóng. Đồng thời, khu thương mại tự do Cái Mép Hạ cũng sẽ là cơ hội để Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao sang các thị trường lớn như châu Âu và Bắc Mỹ. Đây là một trong những điều kiện để Việt Nam phát triển nền kinh tế số và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Việt Nam Trần Khánh Hoàng chia sẻ: Việc có một khu thương mại tự do không chỉ thu hút các nhà đầu tư, tạo nên những giá trị về kinh tế mà các cảng biển cũng được hưởng lợi. Chưa kể, khu vực Cái Mép Hạ, mặc dù diện tích nhỏ nhưng lại có cảng nước sâu. Tuy nhiên, để hình thành được khu thương mại tự do gắn với cảng biển, còn rất nhiều việc phải làm. Đó là, cần có cơ chế riêng để phát triển khu thương mại tự do Cái Mép Hạ, không chỉ ưu đãi thuế quan mà còn ưu đãi về đất đai, lao động và các dịch vụ liên quan. Cần có sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương để xây dựng một hệ thống quản lý hiệu quả và minh bạch cho khu thương mại tự do. Cần có sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong và ngoài khu thương mại tự do để tạo ra chuỗi giá trị cao cho hàng hóa xuất nhập khẩu.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 154/NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chính phủ giao tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chủ trì thực hiện xây dựng các đề án hoàn thiện việc xây dựng, phát triển khu thương mại tự do Cái Mép Hạ trình Chính phủ trong năm 2023.
Theo đó, để chuẩn bị sẵn sàng cho việc hình thành khu thương mại tự do Cái Mép Hạ, thời gian qua tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã chủ động cập nhật chủ trương phát triển khu thương mại tự do vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tổ chức lập quy hoạch trung tâm logistics Cái Mép Hạ với diện tích hơn 1.686ha; khẩn trương xác định vị trí, quy mô khu thương mại tự do; giao cơ quan chuyên môn xác định cụ thể diện tích, địa điểm xây dựng khu thương mại tự do với tọa độ địa lý, khu thương mại tự do Cái Mép Hạ sẽ hình thành trung tâm sản xuất và dịch vụ logistics hiện đại, bảo đảm thực hiện tất cả các dịch vụ thương mại quốc tế; trong đó, có sản xuất công nghệ cao, chế biến, sơ chế, phân loại, đóng gói, bảo quản, trưng bày giới thiệu sản phẩm, các dịch vụ thông quan, kiểm định hàng hóa tại chỗ cho hàng hóa xuất nhập khẩu.
Đồng thời, xây dựng chiến lược thu hút các nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, năng lực quản lý đến khu thương mại tự do, tập trung vào các ngành kinh tế trụ cột của tỉnh như: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển-logistics, du lịch-thương mại, các lĩnh vực công nghệ-tài chính, kinh tế số; những mô hình phù hợp trên thế giới, tạo sức hút mạnh mẽ những nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, năng lực quản lý.
“Đứng trước cơ hội kết nối giao thương, gia nhập sâu rộng vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, việc phát triển các mô hình kinh tế mới là bước phát triển tất yếu, trong đó mô hình khu thương mại tự do Cái Mép Hạ gắn với cảng biển là một bước đột phá chiến lược quan trọng hàng đầu. Đây là mô hình kinh tế mới tại Việt Nam, chưa có tiền lệ vì vậy cần có sự đồng thuận, quyết tâm cao của Chính phủ và các cơ quan Trung ương, nghiên cứu áp dụng, bổ sung, điều chỉnh thể chế, chính sách, đặc biệt cần điều chỉnh các luật và nghị định liên quan, nhất là các nội dung về khu thương mại tự do gắn với cảng biển”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ khẳng định.
Với những nỗ lực và quyết tâm của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cùng sự hỗ trợ của Trung ương và các bộ, ngành liên quan, khu thương mại tự do Cái Mép Hạ hứa hẹn sẽ trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn, một trung tâm sản xuất và dịch vụ logistics hiện đại, động lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và vùng Đông Nam Bộ nói chung.