1.Cơ quan đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước
Ngày 30/01/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 10/2019/NĐ-CP về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước.
Theo đó, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên là (gọi chung là Doanh nghiệp):
– Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đối với doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ.
– Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh đối với:
+ Doanh nghiệp do Bộ, UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc được giao quản lý;
Các doanh nghiệp này không thuộc đối tượng chuyển giao về Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước.
+ Doanh nghiệp thuộc đối tượng chuyển giao về Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước trong thời gian chưa chuyển giao.
– Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp được chuyển giao từ các Bộ, UBND tỉnh theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Nghị định còn quy định về quyền, trách nhiệm của người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập;…
Nghị định 10/2019/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ ngày 15/3/2019.
2.Các ngân hàng phải tuân thủ giới hạn sở hữu cổ phần
Ngày 28/12/2018, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 46/2018/TT-NHNN quy định về thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp đối với trường hợp cổ đông lớn của một TCTD và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của một TCTD khác.
Theo đó, TCTD phối hợp với cổ đông lớn rà soát, xác định danh sách cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của một TCTD khác.
TCTD đầu mối phối hợp với TCTD khác, nhóm cổ đông lớn có liên quan lập kế hoạch khắc phục việc sở hữu cổ phần vượt giới hạn.
Chậm nhất ngày 31/12/2020, tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhóm cổ đông lớn có liên quan tuân thủ quy định tại Luật các tổ chức tín dụng.
Thông tư 46/2018/TT-NHNN có hiệu lực kể từ ngày 01/3/2019.
3.Thay thế toàn bộ biểu mẫu sử dụng trong đăng ký doanh nghiệp
Ngày 08/01/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư 02/2019/TT-BKHĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT ngày 01/12/2015 của Bộ hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp.
Ban hành kèm Thông tư này là 86 biểu mẫu gồm 41 mẫu văn bản quy định cho doanh nghiệp/hộ kinh doanh và 45 mẫu văn bản quy định cho Cơ quan đăng ký kinh doanh, điển hình:
– Mẫu Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH một thành viên, công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty cổ phần, công ty hợp danh;
– Mẫu danh sách thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên, danh sách cổ đông sáng lập, danh sách thành viên công ty hợp danh, danh sách người đại diện theo ủy quyền;
– Mẫu Giấy đề nghị cấp đổi sang giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế: Phụ lục II-17;…
Đồng thời, Thông tư cũng sửa đổi một số quy định tại Thông tư 20 cho phù hợp với Nghị định 108/2018/NĐ-CP ngày 23/8/2018.
Thông tư 02/2019/TT-BKHĐT sẽ có hiệu lực từ ngày 11/3/2019.
4.Bổ sung trường hợp Nhà đầu tư nước ngoài được sử dụng ngoại hối
Ngày 29/03/2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 03/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 32/2013/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện quy định hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam.
Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài được đặt cọc, ký quỹ bằng ngoại tệ chuyển khoản khi tham gia đấu giá trong các trường hợp dưới đây:
– Mua cổ phần tại doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa được Thủ tướng phê duyệt;
– Mua cổ phần, phần vốn góp của nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn được Thủ tướng phê duyệt;
– Mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác thực hiện thoái vốn được Thủ tướng phê duyệt.
Trường hợp trúng đấu giá, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện chuyển vốn đầu tư theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối để thanh toán giá trị cổ phần, phần vốn góp.
Trường hợp đấu giá không thành công, nhà đầu tư nước ngoài được chuyển ra nước ngoài số tiền đặt cọc, ký quỹ bằng ngoại tệ sau khi đã trừ đi các chi phí phát sinh liên quan (nếu có).
Thông tư có hiệu lực từ ngày 13/05/2019.
5.Dự kiến sẽ bổ sung thêm 01 ngày nghỉ lễ cho Người lao động
Ngày 05/03/2019, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ra Quyết định 260/QĐ-LĐTBXH ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp” năm 2019.
Theo đó, tại mục I.4 có đề cập đến việc bổ sung thêm 01 ngày nghỉ lễ cho người lao động: Ngày Tri ân người có công (người lao động được nghỉ vào ngày 27 tháng 7 dương lịch).
Theo Kế hoạch triển khai Đề án, Đài truyền hình Việt Nam, tạp chí ngành Lao động, thương binh và xã hội có trách nhiệm truyền thông về bổ sung ngày nghỉ lễ cho người lao động qua đài truyền hình và tạp chí để người lao động biết về quyền lợi của mình.
Quyết định 260/QĐ-LĐTBXH được ban hành và có hiệu lực từ ngày 05/3/2019.
6.Nợ phải phân loại theo quy định của Ngân hàng phát triển Việt Nam
Ngày 29/3/2019, Ngân hành nhà nước ban hành Thông tư 04/2019/TT-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 24/2013/TT-NHNN ngày 20/12/2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về phân loại tài sản có và cam kết ngoại bảng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam ngày 29/03/2019, có hiệu lực từ ngày 15/05/2019.
Theo đó, sửa đổi điều khoản quy định về đối tượng điều chỉnh của Thông tư, cụ thể, kể từ ngày 15/5/2019, nợ phải được phân loại quy định tại Thông tư này bao gồm:
– Cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước;
– Cho vay tín dụng xuất khẩu của Nhà nước theo hợp đồng ký kết trước thời điểm Nghị định 32/2017/NĐ-CP về tín dụng đầu tư của Nhà nước có hiệu lực;
– Cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ;
– Ủy thác cho vay;
– Cho vay khác;
– Các khoản trả thay theo cam kết ngoại bảng.
Thông tư 04/2019/TT-NHNN đã sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 1 Thông tư 24/2013/TT-NHNN như sau:
“…2. Nợ phải được phân loại quy định tại Thông tư này bao gồm:
- a) Cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước;
- b) Cho vay tín dụng xuất khẩu của Nhà nước theo hợp đồng ký kết trước thời điểm Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước có hiệu lực;
- c) Cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ;
- d) Ủy thác cho vay;…”.
Thông tư 04/2019/TT-NHNN có hiệu lực kể từ ngày 15/5/2019.