Quan điểm của Bộ Giao thông Vận tải là không xem xét giảm giá dịch vụ xếp dỡ tối thiểu tại cảng biển đã quy định tại Thông tư 54/2018/TT-BGTVT.
Ông Nguyễn Trí Đức, Chánh Văn phòng Bộ Giao thông Vận tải vừa ký văn bản thông báo kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Văn Công tại cuộc họp trực tuyến diễn ra mới đây về giá dịch vụ cảng biển và phí cảng biển. Trong đó có nội dung quan trọng là Bộ Giao thông Vận tải không xem xét giảm giá dịch vụ xếp dỡ tối thiểu tại cảng biển.
Cụ thể, ông Nguyễn Trí Đức cho biết, giá xếp dỡ container theo Thông tư 54/2018/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải về biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu hàng hải, dịch vụ sử dụng cầu bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt taị cảng biển Việt Nam hiện đã cao hơn so với trước đây, nhưng còn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Do đó, việc giảm giá xếp dỡ container sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp cảng biển Việt Nam. Ở chiều ngược lại mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp vận tải biển nước ngoài, trong khi các doanh nghiệp này vẫn thu các phụ phí cao đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam. Vì vậy quan điểm của Bộ Giao thông Vận tải là không xem xét giảm giá dịch vụ xếp dỡ tối thiểu tại cảng biển đã quy định tại Thông tư 54/2018/TT-BGTVT.
Tại cuộc họp về giá dịch vụ cảng biển và phí cảng biển do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức mới đây, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công hoan nghênh các đơn vị đã khẩn trương tham mưu các cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội thích ứng với dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, do lĩnh vực hàng hải (giá dịch vụ, lệ phí) có tính chất đặc thù rất khác so với các lĩnh vực dịch vụ khác của nền kinh tế nên việc đề xuất được áp dụng giá dịch vụ cảng biển thấp hơn 30% so với mức giá dịch vụ tối theo quy định tại Thông tư 54/2018/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải và giảm một số phí, lệ phí hàng hải cần được nghiên cứu kỹ và đánh giá tác động cụ tể những mặt được và chưa được so với lợi ích xã hội và công tác quản lý nhà nước.
Do đó, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam, Vụ Vận tải khẩn trương hoàn thành dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 54/2018/TT-BGTVT trình Bộ trưởng ban hành trong tháng 9 tới theo hướng tiếp tục tăng có lộ trình đối với giá dịch vụ xếp dỡ container; sửa đổi, bổ sung biểu khung giá dịch vụ hóa tiêu hàng hải, dịch vụ sử dụng cầu bến, phao neo và dịch vụ lai dắt cho phù hợp với thực tế, bảo đảm hài hòa lợi ích của các doanh nghiệp, lợi ích của nhà nước, khắc phục được các vướng mắc hiện nay.
Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải giao Cục Hàng hải Việt Nam làm việc với các Hiệp hội, các doanh nghiệp, tổ chức có liên quan khuyến khích việc giảm giá dịch vụ hoa tiêu hàng hải, dịch vụ sử dụng cầu bến, phao neo, dịch vụ lai dắt trong phạm vi giá tối thiểu được quy định tại Thông tư 54/2018/TT-BGTVT tùy vào khả năng của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ.
Cũng theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, hiện nay việc vận chuyển hàng hóa bằng đường biển chủ yếu do các hãng tàu nước ngoài thực hiện nên việc giảm phí, lệ phí hàng hải sẽ đem lại lợi ích cho các hãng tàu nước ngoài, nhưng sẽ giảm nguồn thu ngân sách nhà nước và chỉ hỗ trợ một phần nhỏ các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam. Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam, Vụ Tài chính nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động, báo cáo Bộ Giao thông Vận tải để có kiến nghị với Bộ Tài chính.
Trước thông tin Bộ Giao thông Vận tải đồng ý không giảm giá bốc dỡ tối thiểu tại các cảng biển, ông Trần Tuấn Hải, Trưởng ban Truyền thông – Tổng công ty Hàng hải Việt Nam chia sẻ, rất đồng tình với chia sẻ của Bộ vì bản thân Vinalines gồm nhiều cảng biển lớn cũng là nhóm bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19. Nếu giảm dịch vụ này thì bản thân các cảng biển sẽ bị thiệt thòi, trong khi đó các doanh nghiệp vận tải trong nước không được hưởng lợi nhiều. Bởi hiện nay việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu chủ yếu do các doanh nghiệp vận tải biển nước ngoài đảm nhận, nếu thực hiện giảm thì các doanh nghiệp này sẽ được ưu đãi nhiều nhất. Do đó, việc Bộ Giao thông Vận tải đồng ý không giảm giá dịch vụ trên cũng là giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp cảng biển vượt qua những thiệt hại từ dich COVID-19.
Trước đó, chiều 14/4, đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho hay, trên cơ sở đề xuất của Hiệp hội Chủ tàu, lãnh đạo Hiệp hội và các doanh nghiệp hoa tiêu thống nhất giảm giá dịch vụ này đến mức tối thiểu theo quy định tại Thông tư số 54/2018/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải ban hành biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam.
Theo đó, sẽ giảm 10% so với mức giá đang áp dụng hiện nay đối với tất cả tàu thuyền Việt Nam hoạt động tuyến nội địa, bao gồm cả tàu thuyền và phương tiện VR-SB (tàu sông pha biển). Thời gian thực hiện giảm giá trong 3 tháng, kể từ ngày 1/5/2020.
Thời gian qua, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng và chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam chủ động nghiên cứu, đề xuất nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng hải bị tác động bởi dịch COVID-19. Tuy nhiên, một trong những đề xuất từ Cục Hàng hải Việt Nam gửi Bộ Giao thông Vận tải có đề xuất về việc giảm 30% giá dịch vụ bốc xếp container tại các cảng biển thì các Hiệp hội như: Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA), Hiệp hội đại lý và môi giới hàng hải Việt Nam (VISABA) cùng các công ty cảng biển đã có văn bản cầu gửi Bộ Giao thông Vận tải xin không thực hiện đề xuất này.