Năng suất giải phóng tàu tại các cảng ở cụm cảng Cái Mép-Thị Vải (CM-TV) sánh ngang với các cảng biển lớn trong khu vực và trên thế giới. Để đạt được kết quả trên là nhờ các DN đẩy nhanh chuyển đổi số.
Tàu làm hàng tại Cảng CMIT
Giải phóng tàu nhanh
Ông Abraham Elias, Tổng Giám đốc Hãng tàu Zim cho biết, hiện các cảng container tại CM-TV luôn có năng suất xếp dỡ cao nhất sánh ngang các nước trong khu vực cũng như trên thế giới. Năng suất xếp dỡ cao trực tiếp góp phần giải phóng tàu nhanh chóng, mang lại lợi ích trực tiếp cho các hãng tàu là một trong những tiêu chí quan trọng để các hãng tàu cân nhắc việc duy trì và đưa thêm các tuyến tàu lớn vào CM-TV.
Tháng 6/2023, cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) đã xác lập một kỷ lục mới về năng suất khai thác khi làm hàng cho tàu mẹ Maersk Emden. Với năng suất cảng kỷ lục 233 container/giờ, gần 7.000 TEU hàng hoá xuất nhập khẩu, trung chuyển và container rỗng đã được xếp dỡ nhanh chóng, an toàn chỉ trong khoảng 20 giờ. Nhờ vậy, tàu mẹ Maersk Emden khởi hành sớm hơn 3 giờ so với kế hoạch, đưa hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam kết nối một cách nhanh nhất với thị trường Mỹ.
Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng Giám đốc Cảng CMIT chia sẻ, năng suất cảng đạt 233 container/giờ thường đạt được khi sử dụng 7-8 cẩu bờ cỡ lớn cho tàu mẹ và ở các cảng trung tâm trung chuyển lớn trên thế giới. Thế nhưng, với chỉ 6 cẩu bờ đưa vào xếp dỡ, CMIT đã tạo ra một kỷ lục khai thác ấn tượng, tiếp tục nâng tầm vị thế của khu cảng nước sâu CM-TV và ngành cảng biển Việt Nam trên bản đồ cảng biển thế giới.
Trong khi đó, Tân Cảng – Cái Mép (TCIT) cũng là đơn vị được đánh giá cao khi năng suất giải phóng tàu năm 2023 đạt 130-135 container/giờ. Ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc kinh doanh TCIT cho biết sẽ tiếp tục nỗ lực để gia tăng năng suất giải phóng tàu, tăng năng lực khai thác, đủ nguồn lực đảm bảo khai thác cho 5-10 năm tới.
Tiếp tục hướng đến công nghệ số
Đến nay, các DN cảng biển tại CM-TV đã ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ trong hoạt động khai thác cảng như phần mềm điều hành, khai thác cảng biển (TopX, Catos, Vtos, Navis, Ptos…); phần mềm cảng thông minh; nền tảng cảng biển số (Smarthub) và nhiều phần mềm quản lý hoạt động của xe container, xà lan ra vào cảng.
Cùng đó, các DN luôn chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin nhằm gia tăng các tiện ích và nâng cao chất lượng dịch vụ cho khách hàng sử dụng dịch vụ tại cảng như e-Port, e-DO. 100% khách hàng thanh toán trực tuyến, áp dụng cập nhật dữ liệu hệ thống handheld nhằm giảm thời gian thực hiện thủ tục giao nhận container của khách hàng tại cổng; ứng dụng hệ thống EDI mới, nhằm trao đổi các dữ liệu thông tin từ hệ thống cảng tới hãng tàu một cách tự động.
Ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc kinh doanh Cảng TCIT thông tin, TCIT đang nghiên cứu và đưa vào ứng dụng hệ thống tự động hóa cho xe giao nhận tại cảng (Auto-gate); tăng cường tối ưu quy trình sản xuất và áp dụng chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả khai thác như bổ sung thêm các dịch vụ đăng ký kiểm hóa, thay đổi cảng chuyển tải/thay đổi tàu xuất, vào sổ tàu online… trên e-Port; đẩy mạnh cải tiến quy trình giao nhận container theo định hướng lấy khách hàng làm trung tâm, dịch vụ giao nhận một cửa – “ONE STOP SERVICE”. Từ đó, tiết kiệm thời gian làm thủ tục giao nhận tại cảng nhằm rút ngắn thời gian giao nhận hàng hoá và tạo thuận lợi cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ tại cảng TCIT.
Cảng Gemalink tiếp tục chú trọng đầu tư trang thiết bị hiện đại, hạn chế phát thải, ứng dụng công nghệ tiên tiến, phát huy việc sử dụng năng lượng tái tạo để đáp ứng các dịch vụ tốt nhất cho khách hàng.
Báo Bà Rịa Vũng Tàu