Cảng Hải Phòng – 150 năm trên bản đồ Hàng hải thế giới

19/08/24 8:27 AM

* Cảng Hải Phòng là biểu tượng gắn với sự phát triển của thành phố Hải Phòng

● Năm 1857: Cảng Hải Phòng lần đầu tiên được nhắc đến với cái tên Cửa Cấm trong báo cáo của phái đoàn Ckeczkows-ki.

● Năm 1874: Triều đình Huế kí “Hiệp ước Giáp Tuất”, “Hiệp ước Philastre”; trong đó nhà Nguyễn dâng cho Pháp đất Hải Phòng và quyền kiểm soát bến Ninh Hải (tức khu vực Cảng Hải Phòng ngày nay). Từ đây, thực dân Pháp bắt tay vào xây dựng Cảng nhằm biến bến thuyền làng Cấm thành một quân cảng và thương cảng lớn, phục vụ ý đồ khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Công trình có quy mô lớn gồm cầu cảng và 6 nhà kho, nên được gọi là Bến Sáu Kho (Cảng Hoàng Diệu ngày nay).

Cảng Hải Phòng năm 1888 sau khi Pháp xây 6 kho hàng và 3 cầu dẫn. Ảnh: Tư liệu

Cảng Hải Phòng năm 1888 sau khi Pháp xây 6 kho hàng và 3 cầu dẫn. Ảnh: Tư liệu

● Ngày 24-11-1929, công nhân Bến Sáu Kho đoàn kết đấu tranh đòi chủ Cảng phải tăng lương và bảo đảm nước uống giành thắng lợi, ghi mốc son chói lọi vào lịch sử vẻ vang của đội ngũ công nhân Cảng Hải Phòng. Từ đó, ngày 24-11 được chọn là Ngày truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và đội ngũ công nhân Cảng.

Ngày 24-11-1929, công nhân Bến Sáu Kho đoàn kết đấu tranh đòi chủ Cảng phải tăng lương và bảo đảm nước uống. Ảnh: Tư liệu

Ngày 24-11-1929, công nhân Bến Sáu Kho đoàn kết đấu tranh đòi chủ Cảng phải tăng lương và bảo đảm nước uống. Ảnh: Tư liệu

Tuần dương hạm Pháp Lamotte-Picquet cập cảng Hoàng Diệu năm 1938. Tàu có tổng chiều dài 181,6 m, mạn thuyền 17,2 m, mớn nước 5,2 m. Thủy thủ đoàn gồm 578 người. Lamotte-Picquet bị đánh chìm trên sông Đồng Nai vào ngày 12-1-1945. Ảnh: Claude Berruyer (1915 - 2009)

Tuần dương hạm Pháp Lamotte-Picquet cập cảng Hoàng Diệu năm 1938. Tàu có tổng chiều dài 181,6 m, mạn thuyền 17,2 m, mớn nước 5,2 m. Thủy thủ đoàn gồm 578 người. Lamotte-Picquet bị đánh chìm trên sông Đồng Nai vào ngày 12-1-1945. Ảnh: Claude Berruyer (1915 – 2009)

Hải Phòng những năm 1920 -1929. Ảnh: Tư liệu

Hải Phòng những năm 1920 -1929. Ảnh: Tư liệu

● Năm 1955: Hải Phòng được giải phóng, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức tiếp quản Cảng Hải Phòng trong bối cảnh kho hàng trống, cầu kè hư hỏng, nhiều máy móc, tài liệu bị mang đi. Đến cuối năm 1955, kế hoạch khôi phục cảng hoàn thành.Cảng Hải Phòng trở thành đầu mối đường biển lớn nhất tiếp nhận hàng viện trợ của Liên Xô và khối Đông Âu.

Ngày 13-5-1955, lính Pháp lên tàu rời khỏi Cảng Hải Phòng dưới sự giám sát của 2 sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: Tư liệu

Ngày 13-5-1955, lính Pháp lên tàu rời khỏi Cảng Hải Phòng dưới sự giám sát của 2 sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: Tư liệu

Cảng Hải Phòng năm 1955 là cảng biển của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: Tư liệu

Cảng Hải Phòng năm 1955 là cảng biển của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: Tư liệu

● Từ năm 1965 đến năm 1975: Trong cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ, cùng với quân và dân thành phố, cán bộ, công nhân và lực lượng tự vệ Cảng Hải Phòng tham gia chiến đấu, giành chiến thắng trong cuộc chiến chống máy bay Mỹ và làm thất bại âm mưu phong tỏa cảng của địch. Những ngày đó, Cảng Hải Phòng vẫn đẩy mạnh sản xuất, tiếp nhận nguồn hàng viện trợ từ Liên Xô và khối các nước xã hội chủ nghĩa, chi viện cho miền Nam. Với tinh thần anh dũng, sáng tạo, kiên cường, lập được nhiều chiến công trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, Cảng Hải Phòng được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Cảng Hải Phòng thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: Tư liệu

Cảng Hải Phòng thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: Tư liệu

Từ năm 1965 đến năm 1972, máy bay Mỹ đánh phá khu vực Cảng hơn 300 lần. Ảnh: Tư liệu

Từ năm 1965 đến năm 1972, máy bay Mỹ đánh phá khu vực Cảng hơn 300 lần. Ảnh: Tư liệu

Năm 1972, máy bay ném bom trúng tàu Ba Lan mang hàng tiếp tế vào cảng Hải Phòng khiến 4 thủy thủ hy sinh. Năm 2021, đại sứ Ba Lan là cháu của một trong bốn người đó đã đến thăm, đặt vòng hoa tại cảng. Ảnh: Tư liệu

Năm 1972, máy bay ném bom trúng tàu Ba Lan mang hàng tiếp tế vào cảng Hải Phòng khiến 4 thủy thủ hy sinh. Năm 2021, đại sứ Ba Lan là cháu của một trong bốn người đó đã đến thăm, đặt vòng hoa tại cảng. Ảnh: Tư liệu

● Từ năm 1975 đến 1986: Đất nước thống nhất, Cảng Hải Phòng đẩy mạnh lao động sản xuất, mở rộng cầu bến, lắp đặt thiết bị nâng hạ…, tiếp nhận và xuất khẩu hàng hóa đi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. Trong đó,nổi bật là máy móc, linh kiện siêu trường siêu trọng để xây dựng nhà máy thủy điện, nhiệt điện, xi măng và thức ăn gia súc…

● Năm 1990: Do biến động lớn ở Liên Xô và Đông Âu, Cảng Hải Phòng sắp xếp lại tổ chức, tìm kiếm khách hàng mới và xây dựng hướng đi mới để đáp ứng với yêu cầu trong tình hình mới.

● Từ năm 1995 – 1997, bước vào thời kỳ đổi mới, cảng Hải Phòng dần vượt qua khó khăn, phát triển nhảy vọt. Sản lượng bình quân hàng ngày đạt 11.000 tấn (so với giai đoạn trước đây chỉ 7.000 tấn). Cảng cũng đầu tư để nâng cấp, mở rộng kho bãi, mua sắm trang thiết bị mới. Năm 1995, với 17 cầu tàu, sản lượng hàng hóa qua cảng đạt 4,5 triệu tấn; trở thành năm đầu tiên, doanh thu toàn cảng đạt mức hơn 200 tỷ đồng.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Văn Tư thăm Cảng Hải Phòng. Ảnh: Tư liệu

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Văn Tư thăm Cảng Hải Phòng. Ảnh: Tư liệu

● Năm 2007: Bộ Giao thông vận tải ra quyết định số 3088/QĐ – BGTVT chuyển Cảng Hải Phòng chuyển sang hoạt động theo mô hình Công ty TNHH một thành viên Cảng Hải Phòng trực thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.

● Năm 2014: Cảng Hải Phòng chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần; từng bước nâng cấp hệ thống thiết bị hiện đại và cơ sở hạ tầng đầy đủ an toàn, phù hợp với các phương thức vận tải, thương mại quốc tế.

* Trong 150 năm hình thành và phát triển, Cảng Hải Phòng vinh dự đón 3 lần Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm trong 9 lần Người thăm Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Cảng.

● Năm 1946: Ngày 20-10-1946, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chính thức nước Pháp với tư cách là Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Người trở về nước bằng đường biển và đặt chân lên Bến Ngự (bến cảng Hoàng Diệu ngày nay).

Chủ tịch Hồ Chí Minh từ nước Pháp trở về Tổ quốc tại Cảng Hải Phòng. Ảnh: Tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh từ nước Pháp trở về Tổ quốc tại Cảng Hải Phòng. Ảnh: Tư liệu

● Ngày 30-5-1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Cảng Hải Phòng. Người đã lên tàu HC15, thăm nơi ăn, chốn ở, chỗ làm việc của công nhân thủy thủ, Bác ân cần nói chuyện với mọi người. Sau khi thăm hỏi về tình hình đời sống và việc làm của công nhân Bác căn dặn: “Mỗi người phải đoàn kết một lòng từ trên xuống dưới, phải nêu cao tinh thần làm chủ, ra sức xây dựng Cảng. Bác chỉ rõ, hàng ngày công nhân tiếp xúc với nhiều người trên thế giới, cho nên phải nêu cao tinh thần quốc tế vô sản, phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt để xứng đáng là giai cấp công nhân, giai cấp lãnh đạo cách mạng”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Cảng Hải Phòng ngày 30-5-1957. Ảnh: Tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Cảng Hải Phòng ngày 30-5-1957. Ảnh: Tư liệu

● Năm 1960: Ngày 10-1-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Hội đồng Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đông đảo nhân dân Hải Phòng đón 922 kiều bào Thái Lan về nước tại Cảng Hải Phòng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh lên tàu An Phú tặng hoa và đón kiều bào. Ảnh: Tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh lên tàu An Phú tặng hoa và đón kiều bào. Ảnh: Tư liệu

Năm 2016, Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng đã tổ chức đón chuyến tàu RORO (Roll -on/Roll – off), loại tàu được thiết kế để chở các loại hàng hóa có bánh xe (ô tô, rơ moóc, toa xe hỏa) cập cảng Tân Vũ – Hải Phòng. Đây là lần đầu cảng Hải Phòng đón loại tàu chuyên dụng, đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc đa dạng hóa các loại hình dịch vụ của mình, góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa qua khu vực Hải Phòng, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của thành phố và các tỉnh phía Bắc.

Trong những năm qua, với những nỗ lực không ngừng, liên tục học hỏi để nâng cao chất lượng dịch vụ, cùng với sự phối hợp hiệu quả của hãng tàu trong công tác đào tạo, Cảng Hải Phòng đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phù hợp, một quy trình khai thác chuẩn, cùng đội ngũ cán bộ, nhân viên vận hành phương tiện và tham gia dây chuyền phục vụ khai thác tàu RORO chuyên nghiệp và bài bản. Trung bình, mỗi năm Cảng Hải Phòng tiếp nhận 60 nghìn ô tô nhập khẩu các loại.

Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hải Phòng lần thứ 16 chỉ rõ 3 trụ cột chiến lược thành phố cần quan tâm đầu tư là cảng biển – logistics, công nghiệp và du lịch thương mại.

Bám sát vào mục tiêu phát triển của thành phố, đáp ứng xu thế phát triển của ngành vận tải biển và nhu cầu của khách hàng, Cảng Hải Phòng đã tập trung mọi nguồn lực để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng hai bến container số 3 và 4 tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, khu bến Cảng Lạch Huyện. Quy mô đầu tư của dự án là xây dựng 2 bến container cho tàu đến 100.000 DWT (tương đương 8.000 TEUs container) với tổng chiều dài 750 m; một bến sà lan tiếp nhận tàu, sà lan sức chứa 3000 DWT – tương đương 160 TEUs; cùng các hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đáp ứng sản lượng hàng hóa thông qua 1,1 triệu TEU/năm.

Dự án được khởi công xây dựng từ tháng 7-2022, đến nay đã hoàn thành cầu số 3 và cầu số 4; đồng thời, triển khai đầu tư thiết bị để đưa vào hoạt động trong quý 1 năm 2025 và đưa vào khai thác toàn bộ trong năm 2025.

Cảng Hoàng Diệu – bến cảng chính gắn với hình ảnh thành phố Cảng, nằm bên bờ sông Cấm, được người Pháp xây dựng từ năm 1874, là một trong 5 cảng của Công ty CP Cảng Hải Phòng. Với gần 150 năm hoạt động, đây là bến cảng hàng đầu khu vực phía Bắc về khai thác các mặt hàng tổng hợp, hàng dự án công trình quốc gia với 9 cầu cảng, tổng chiều dài 1.385 m, có khả năng tiếp nhận các tàu đến 50.000 DWT; chiếm 70-75% khối lượng xếp dỡ mặt hàng sắt, thép và máy móc, thiết bị hạng nặng phục vụ cho các nhà máy xí nghiệp. Đồng thời, đây cũng là bến cảng duy nhất có hệ thống đường sắt kết nối với hệ thống đường sắt quốc gia (Hải Phòng – Hà Nội – Việt Trì – Lào Cai).

Theo Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, việc di dời cảng Hoàng Diệu phục vụ cho dự án đầu tư xây dựng cầu Nguyễn Trãi, là dự án trọng điểm của thành phố, định hướng phát triển không gian đô thị, đất phần cảng ven sông Cấm sau khi di dời dành cho phát triển khu chức năng đô thị, ưu tiên công trình dịch vụ công cộng, cây xanh, văn phòng, thương mại. Từ nay đến tháng 9-2024, Cảng Hoàng Diệu sẽ bàn giao diện tích các cầu cảng 1, 2 và 3 cùng một phần kho bãi phục vụ việc thi công cầu Nguyễn Trãi; vào năm 2025 sẽ hoàn thành toàn bộ việc di dời.

Việc di dời cảng ảnh hưởng ít nhất đến người lao động, ổn định hoạt động sản xuất – kinh doanh nên Cảng Hải Phòng chủ động xây dựng lộ trình sắp xếp, di chuyển thiết bị, tài sản, sắp xếp lại phương án sản xuất kinh doanh; đề xuất phương án và đề nghị thành phố có thêm hỗ trợ về kinh phí đào tạo nghề đối với công nhân bị ngừng việc và trợ cấp người lao động.

Tại Thông báo số 304/TB-VP kết luận của Chủ tịch UBND thành phố: Giữ lại nguyên trạng một số công trình trong Cảng Hoàng Diệu làm công trình bảo tồn khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án, gồm khu nhà điều độ cảng; khu tượng đài công nhân cảng, bức phù điêu sau tượng đài; hầm trú ẩn tập thể thời chiến tranh chống đế quốc Mỹ, cứu nước; khu miếu thờ và cây sanh cổ thụ. Đồng thời, Cảng Hải Phòng đề nghị thành phố cho phép giữ lại hệ thống đường ray xe lửa, một đoạn cầu tàu và 3 chiếc cần cẩu do Liên Xô tặng trước đây để phục vụ hoạt động tham quan, du lịch, góp phần lưu giữ các giá trị lịch sử tiêu biểu của cảng Hải Phòng xưa, Cảng Hoàng Diệu nay đến thế hệ mai sau.

Trong bối cảnh hoạt động xuất nhập khẩu quốc tế đang ngưng trệ do ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu, các cảng biển Hải Phòng vẫn tiếp tục duy trì được sự tăng trưởng mạnh mẽ. Sự tăng trưởng vượt bậc cho thấy hiệu quả từ sự năng động không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả trong khai thác, điều hành sản xuất và chất lượng cung cấp dịch vụ của toàn ngành kinh tế cảng Hải Phòng.

Với vị thế là doanh nghiệp cảng lớn nhất miền Bắc, đảm nhiệm thông qua khoảng 40% tổng lượng hàng hóa qua cảng biển Hải Phòng, Cảng Hải Phòng tiếp tục đóng góp lớn cho sự phát triển chung của thành phố và có sự bứt phá mạnh mẽ hơn nữa, nhất là khi cảng chính thức đưa vào vận hành bến số 3,4 tại Khu bến cảng Lạch Huyện, thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng.

Báo Hải Phòng