Từ đầu năm 2022, Cảng Quy Nhơn chính thức áp dụng mô hình cảng biển e – Port. Với e – Port, khách hàng có thể cập nhật thông tin về vị trí con tàu, lô hàng theo thời gian thực tế 24/7. Áp dụng e – Port là một cách cam kết dịch vụ của cảng đảm bảo chính xác, trung thực, tạo thuận lợi tối đa nhằm giúp khách hàng tiết kiệm chi phí, thời gian.
Với e – Port, khách hàng có thể theo dõi hoạt động xếp dỡ bằng camera hiện trường, đăng ký thủ tục, theo dõi lượng hàng bốc dỡ ở bất cứ đâu.
Với mục tiêu từng bước hình thành “Hệ sinh thái công nghệ cảng biển”, Cảng Quy Nhơn đã tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng dịch vụ theo định hướng “Lấy khách hàng làm trung tâm”. Cảng đưa vào sử dụng nhiều phần mềm trên một số lĩnh vực từ tài chính kế toán, nhân sự, tiền lương đến quản lý điều hành khai thác cảng tổng thể. Hệ thống này có tính thống nhất, dùng chung cơ sở dữ liệu, hoạt động trên một nền tảng, từng bước thay thế các phần mềm lẻ, rời rạc đã dùng nay không còn phù hợp với thực tế…
Ông Đinh Tấn Thanh, cán bộ Công ty TNHH Hào Hưng Phát, ở xã Canh Hiển, huyện Vân Canh, cho biết: Công ty chuyên sản xuất dăm gỗ xuất khẩu. Mỗi tháng, công ty xuất 3 – 7 tàu, số lượng khoảng 36.000 tấn/tàu. Dăm gỗ là hàng rời không theo quy chuẩn như các sản phẩm chứa trong container nên cách thức xếp dỡ, vận chuyển khác biệt, chi phí cao, mất nhiều thời gian. Từ ngày ứng dụng e – Port, chúng tôi không còn phải cử nhiều nhân viên trực tại cảng để phối hợp làm các thủ tục, thanh toán, giao nhận hàng nữa. Với e – Port, ở bất cứ đâu, chỉ cần có kết nối internert và thiết bị đầu cuối phù hợp là có thể khai báo thủ tục, theo dõi quá trình xếp dỡ hàng hóa, nắm được lượng hàng lên xuống tàu… Nhờ đó, tiết kiệm thời gian, cắt giảm chi phí…
Tương tự, ông Trương Phước Điền, đại diện Công ty TNHH Đức Hải, ở lô A25 Khu công nghiệp Phú Tài, phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn, chia sẻ: Toàn bộ quy trình đăng ký, lên lịch, theo dõi quá trình xếp dỡ hàng hóa đều theo mẫu có sẵn trên ứng dụng, mình chỉ việc đánh dấu là xong, rất nhanh chóng, thuận lợi. Đặc biệt, cùng với các thiết bị chuyên dụng, hệ thống mới giúp tiết giảm nhiều loại thủ tục giấy tờ. Nhờ đó, so với trước đây, cùng một khối lượng công việc nhưng nay đã giảm tới hơn 36 tiếng đồng hồ. Riêng thời gian giải phóng tàu, đưa hàng đến cho khách hàng nhanh hơn đã là một lợi ích rất lớn.
Đến nay, toàn bộ 100% khách hàng của Cảng Quy Nhơn đã sử dụng thuần thục e – Port và tất cả đều đánh giá cao những lợi ích mà ứng dụng này mang lại. Ông Hồ Liên Nam, Trưởng phòng kinh doanh Cảng Quy Nhơn, cho biết: E – Port giúp cải tiến thủ tục quy trình giao nhận, thanh toán điện tử và giao nhận hàng hóa thuận tiện theo hướng đơn giản, giảm thời gian khách hàng trực tiếp đến giao dịch tại cảng. Bộ phận phụ trách của cảng giảm số lượng, giảm thời gian xe dừng đỗ tại các cổng cảng làm thủ tục và giảm ách tắc giao thông tại cổng cảng. Để phát huy tối đa lợi ích mà e – Port mang lại, chúng tôi tăng cường đầu tư nhiều loại thiết bị, máy móc, đặc biệt ở khâu tiếp nhận tàu, làm hàng. Điển hình là đầu tư mua cẩu đa dụng QC, loại cẩu này không chỉ làm hàng container mà còn có thể bốc xếp thùng dăm gỗ, tole cuộn; năng lực làm việc gấp đôi cẩu thường, nhờ thế có thể giải phóng tàu nhanh, giúp tàu rời cảng sớm… Đặc biệt, thay vì dùng dầu DO, loại cẩu này dùng điện, vừa tiết kiệm chi phí, vừa bảo vệ môi trường.
Trong khi nhiều cảng biển lớn ở Việt Nam mới chỉ áp dụng e – Port cho hàng container đúng quy chuẩn, thì Cảng Quy Nhơn là đơn vị đầu tiên trong cả nước thực hiện thành công e – Port cho tất cả mặt hàng, không chỉ cho container mà còn dăm gỗ, titan, phân bón, xi măng…
Ông Lê Hồng Quân, Tổng Giám đốc Cảng Quy Nhơn, cho biết: Tới đây, chúng tôi sẽ mở rộng cầu cảng bến số 1 ra phía trước bến hiện tại thêm 35 m, nâng chiều dài bến lên 490 m. Dự án này có tổng vốn đầu tư 550 tỷ đồng, theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào giữa năm 2023. Khi đó, bến số 1 đủ năng lực tiếp nhận đồng thời 2 tàu hàng tổng hợp 50.000 DWT và tàu container 30.000 DWT đầy tải. Đặc biệt, theo quy hoạch của Bộ GTVT, Quy hoạch 1/500 mở rộng Cảng Quy Nhơn đến năm 2030 đã được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt và chiến lược đầu tư của Cảng Quy Nhơn, ngoài việc đầu tư nâng cấp bến số 1, góp phần nâng công suất xếp dỡ, nâng sản lượng hàng hóa qua cảng lên 15 triệu tấn/năm vào năm 2025; giai đoạn 2 (2026 – 2030), cảng sẽ tiếp tục mở rộng về phía thượng lưu đầm Thị Nại, triển khai dự án trọng điểm xây dựng bến số 6. Ngoài ra, cảng Quy Nhơn đang xin chủ trương đầu tư cảng cạn (ICD) tại Tuy Phước – Bình Định, tạo điều kiện thúc đẩy cảng phát triển trong thời gian tới.