Cảng Quy Nhơn triển khai miễn, giảm nhiều dịch vụ cảng biển áp dụng từ ngày 1/4 đến hết ngày 31/5/2020.
Đại diện Công ty cồ phần Cảng Quy Nhơn (đơn vị thành viên của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam) cho biết, thời gian qua, dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại nhiều quốc gia khiến hàng hóa bị lưu thông, tồn đọng ngày càng nhiều, làm phát sinh các chi phí gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh.
Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trước ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, Cảng Quy Nhơn triển khai miễn, giảm nhiều dịch vụ cảng biển áp dụng từ ngày 1/4 đến hết ngày 31/5/2020.
Cụ thể, Cảng Quy Nhơn giảm khoảng 10% giá dịch vụ nâng, hạ container tại bãi cảng – ô tô hoặc ngược lại để phục vụ xuất nhập hàng container thông qua với mức giá: container 20 feet có hàng giảm từ 325.000 đồng còn 295.000 đồng/container; container 20 feet có hàng giảm từ 208.000 đồng còn 188.000 đồng/container; container ≥40 feet có hàng giảm từ 513.000 đồng xuống còn 463.000 đồng/container; container ≥40 feet không hàng giảm từ 320.000 đồng còn 290.000 đồng/container.
Cảng Quy Nhơn cũng sẽ miễn cước dịch vụ lưu bãi cảng, lưu container đối với container có hàng chờ xuất khẩu trong thời gian 2 tháng (tháng 4 và tháng 5/2020) để hỗ trợ chủ hàng xuất nhập khẩu.
Đồng thời, cảng cũng giảm 48% đơn giá xếp dỡ bằng cẩu Gottwald chạy điện làm hàng dăm gỗ; giảm 8% đơn giá đóng bao hàng phân bón rời nhập khẩu khi khách hàng đưa hàng vào kho cảng để giải phóng nhanh tàu; giảm 20% đơn giá tịnh, đóng bao hàng rời từ container; giảm 54% đơn giá điện phục vụ container lạnh; miễn cước dịch vụ lưu bãi hàng container rỗng để khuyến khích khách hàng tập kết vỏ container phục vụ việc đóng/nạp hàng xuất nhập khẩu… so với năm 2019.
Cũng liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng hải, Bộ Giao thông Vận tải vừa kiến nghị Chính phủ xem xét miễn giảm phí neo đậu trong trường hợp tàu, thuyền phải neo đậu cách ly 14 ngày tại khu vực neo đậu chờ kiểm dịch. Đồng thời xem xét bổ sung doanh nghiệp vận tải biển vào trong danh mục doanh nghiệp vừa và nhỏ được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với mức thuế suất là 10% trong 15 năm theo quy định tại Điều 13, 14 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định về thuế ưu đãi.
Về thuế giá trị gia tăng, vận tải quốc tế được áp dụng mức thuế giá trị gia tăng 0%, trong khi vận tải nội địa vẫn đang áp dụng mức thuế giá trị gia tăng 10%. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vận tải nội địa trong giai đoạn khó khăn, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ giao cho Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất miễn giảm thuế giá trị gia tăng đối với vận tải nội địa trong thời gian 3 năm.
Bộ Giao thông Vận tải cũng kiến nghị Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước xem xét khoanh nợ gốc, giãn nợ, cơ cấu dứt điểm các khoản nợ, kéo dài thời hạn vay của các hợp đồng tín dụng, không tính lãi phạt trên lãi và gốc chậm trả trong thời gian dịch, được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và không chuyển nhóm nợ, tiếp tục cho các doanh nghiệp vay vốn lưu động. Đồng thời, báo cáo Quốc hội xem xét, chấp thuận áp dụng mức giảm thuế giá trị gia tăng cho phương thức vận tải container bằng đường thủy từ 10% xuống 5% qua đó tạo tính cạnh tranh cho loại hình dịch vụ vận tải bằng đường thủy.
Đánh giá tác động từ dịch COVID-19 đối với lĩnh vực hàng hải, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, số lượng tàu thuyền vận chuyển hàng hóa vào, rời cảng biển giảm khoảng 15%. Riêng đối với tàu biển chở khách từ các quốc gia khác đến Việt Nam có số lượng hủy chuyến lớn, ước giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái và dự kiến sẽ tiếp tục hủy chuyến trong tháng 4/2020./.