Cảng Sài Gòn – Hơn 160 năm hình thành và phát triển

Cảng Sài Gòn – Hơn 160 năm hình thành và phát triển

Cảng Sài Gòn – Hơn 160 năm hình thành và phát triển

11/12/24 11:01 AM
Với lịch sử phát triển hơn 160 năm, Cảng Sài Gòn là đầu mối giao thương hàng hóa quốc tế quan trọng, cung cấp nhiều dịch vụ đa dạng, bao gồm dịch vụ cảng biển, logistics, vận tải và xếp dỡ container, và trở thành điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp muốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Từ Thương cảng Sài Gòn đến Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn.

Đầu năm 1860, sau khi chiếm Sài Gòn, thực dân Pháp đã công bố thương cảng Sài Gòn mở cửa trở lại đối với tàu thuyền nước ngoài ra vào xuất nhập hàng hóa, đến cuối năm thì đón một số tư sản người Hoa ở Singapore sang nhận thầu xây bến tàu trên bờ sông Sài Gòn để xuất cảng lúa gạo. Từ năm 1863 – sau Hòa ước Nhâm Tuất ký ngày 5 tháng 6 năm 1862 tại Sài Gòn (Vua Tự Đức trao nhận bản ký chính thức vào ngày 16 tháng 4 năm 1863 tại Huế) giữa Triều đình Nhà Nguyễn với Nhà nước Pháp (Napoléon III) và Tây Ban Nha (Isabella II) – Cảng Sài Gòn chính thức trở thành một thương cảng dưới sự cai trị của người Pháp có quy mô bậc nhất tại Đông Dương và là hải cảng đứng thứ 7 của Pháp về mặt khối lượng lưu thông. Với việc thiết lập Cảng Sài Gòn, thực dân Pháp đã biến Sài Gòn thành trung tâm của một “Địa Trung Hải ở châu Á”, có vị trí chiến lược nằm trên các tuyến hàng hải nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương.

Thương cảng Sài Gòn năm 1868, góc nhìn từ Bến Nhà Rồng (Quận 4) hướng về Bến Bạch Đằng (Quận 1) – Nguồn: Internet. 

Sau ngày thống nhất đất nước 30/04/1975, Nha thương cảng Sài Gòn được đổi tên thành Cảng Sài Gòn theo quyết định số 28/TC của Tổng cục Đường biển (23/07/1975). Ngày 12/05/1993 Bộ giao thông vận tải căn cứ theo Nghị Định 388/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 886/QĐ-TCCB-LĐ quyết định thành lập Doanh nghiệp nhà nước Cảng Sài Gòn, có tên giao dịch quốc tế là SAIGON PORT trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam. Từ ngày 01/01/1996, Cảng Sài Gòn trực thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và ngày 30/08/2007 chuyển thành Công ty TNHH một thành viên. Từ 01/10/2015 là Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn.

Phục hồi sản xuất, vượt khó, mạnh dạn đổi mới và xuất hiện anh hùng.

Những ngày đầu sau khi thống nhất, đất nước ta gặp nhiều khó khăn về kinh tế, Cảng Sài Gòn cũng như tất cả các xí nghiệp khác phải hoạt động theo cơ chế tập trung bao cấp, đất nước đang thời bị cấm vận, … và một số cơ sở vật chất của cảng đang trong tình trạng xuống cấp, phần lớn các phương tiện, thiết bị kỹ thuật thuộc sở hữu tư nhân. Mặc dù vậy, đội ngũ cán bộ vẫn cố gắng  hết sức mình để đưa cảng đi lên theo đúng nghĩa của nó nhằm phục vụ cho an ninh, quốc phòng, công cuộc xây dựng đất nước và phát triển các ngành kinh tế của chế độ XH-XHCN.

Tàu Sông Hương – Nguồn: Báo Thanh Niên. 

Ngày 13/05/1975, tàu Sông Hương có sức chở 10.000 tấn đã cập bến Cảng Sài Gòn chở 541 cán bộ miền Nam trở về quê hương. Tiếp theo đó là tàu Đồng Nai từ Cảng Hải Phòng đưa hàng trăm cán bộ và chuyển hàng ngàn tấn hàng chi viện cho miền Nam. Ngày 07/06/1976, Cảng đã đón tàu International trọng tải 20.000 tấn của Liên Xô chở hàng viện trợ cho nước ta nhằm khắc phục vết thương chiến tranh, ổn định đời sống kinh tế xã hội cho đất nước vừa mới thống nhất. Hàng vạn lượt tàu lần lượt ra vào Cảng, trong đó tàu có trọng tải lớn nhất là 30.000 tấn, dài 200 mét cập cầu cảng an toàn. Trong thời kỳ này, Cảng đã phục vụ tốt các chiến dịch vận tải gạo ra Bắc, xi măng, sắt thép từ Bắc vào Nam phục vụ lưu thông hàng hóa hai miền. Tiếp theo sau đó, Cảng Sài Gòn tiếp nhận bộ phận hoa tiêu Sài Gòn, Cửu Long và trực tiếp lãnh đạo trong việc đưa đón tàu bè.

Từ năm 1977, các đội bốc xếp sát nhập trở về cảng. Từ đây cảng hoạt động toàn diện theo chức năng, nhiệm vụ được giao, không ngừng nâng cao chất lượng bốc xếp và tiếp nhận hàng hóa, phục vụ đắc lực cho xây dựng và phát triển kinh tế của các tỉnh phía Nam và cả nước. Sản lượng thông qua năm 1976 là 1,1 triệu tấn (sản lượng thông qua năm 1974 là 1,35 triệu tấn).

Hoạt động của Cảng Sài Gòn dần đi vào nề nếp, đúng theo chủ trương, hoạch định của Đảng và Nhà nước. Thể theo tình cảm và nguyện vọng của CBCNV, với lòng tôn kính và niềm tự hào được sống và làm việc trên mảnh đất lịch sử – nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước trên con tàu – Đại hội Đảng bộ Cảng Sài Gòn lần thứ 2, năm 1980 đã ra nghị quyết lấy ngày 5/6 hàng năm làm “Ngày truyền thống Công nhân Cảng Sài Gòn”. Từ đó, sự kiện này đã trở thành nguồn động lực tinh thần lớn lao, tiếp thêm sức mạnh cho CBCNV kiên trì vượt qua mọi khó khăn, đưa doanh nghiệp tiến lên chính quy hiện đại.

Phối cảnh mô hình tàu Amiral Latouche Tréville cùng Bến Nhà Rồng lịch sử – Nguồn: Cảng Sài Gòn. 

Nhiều điển hình tiên tiến đã xuất hiện và tiêu biểu nhất là “Hiệp sĩ trên  biển” – Tàu CSG-240. Chỉ tính từ năm 1980 đến 1984, tập thể tàu đã phát huy và áp dụng 25 sáng kiến có giá trị, làm lợi cho công quỹ hơn nửa triệu đồng, qua 15.000 giờ vận hành, con tàu chưa một lần phải trung, đại tu dù lúc đó tuổi con tàu này đã hơn 40. Tàu CSG-240 đã tham gia nhiều hoạt động lai dắt, kéo biển, cứu hộ quan trọng, đưa lại doanh thu hàng trăm triệu đồng vào thời giá giữa thập kỷ 80. Trong 5 năm, đội tàu đã được công nhận là đội lao động xã hội chủ nghĩa, được tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen, cờ thi đua xuất sắc của Hội đồng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và của Bộ Hàng hải Liên Xô, Bộ Giao thông Bưu điện Cam-pu-chia,…

Đến năm 1985, Tập thể tàu CSG-240 đã được Hội đồng Nhà nước tuyên dương là đơn vị Anh hùng Lao động.

Cũng thời điểm này, “anh hùng trên sông nước” – Anh hùng Lao động, Hoa tiêu trưởng Tôn Thọ Khương – được bạn bè, đồng đội trong ngành hàng hải cả nước biết đến với những kỳ tích bất hủ, chưa có tiền lệ như đưa tàu năm vạn tấn vào sông nhà Bè; đưa tàu Fuchik, loại phương tiện vận tải biển hiện đại từ Vũng Tàu vào Thiềng Liềng rồi vào đến Nhà Bè; đưa tàu Roro loại thế hệ mới của Liên Xô có chiều dài lớn, khó xoay trở vào cập bến Tân Thuận an toàn. Thời ấy, bằng tài năng và tinh thần lao động sáng tạo, Hoa tiêu trưởng Tôn Thọ Khương cùng các học trò đã sớm báo hiệu với thế giới rằng Cảng Sài Gòn có đủ khả năng và trình độ ngang tầm quốc tế để tổ chức đưa đón, bốc xếp hàng hóa cho các tàu biển nước ngoài.

Sản lượng thông qua năm 1986 đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 2 triệu tấn và đạt 2,3 triệu tấn, gấp đôi năm 1976.

Anh hùng lao động: Cảng Sài Gòn, Hoa tiêu trưởng Tôn Thọ Khương và Tàu CSG-240 – Nguồn: Cảng Sài Gòn. 

Từ năm 1986, theo chủ trương đổi mới của Đảng, Cảng Sài Gòn chuyển dần sang chế độ hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Trên tinh thần này, Cảng xóa bỏ hàng loạt hình thức quản lý trung gian và thành lập các xí nghiệp thành viên, trao quyền chủ động cho từng giám đốc xí nghiệp. Các phòng ban cũng được tinh giản gọn nhẹ, đảm bảo sự quản lý và vận hành có hiệu lực. Giai đoạn 1989-1991, cấp trên cho phép tự trang trải, Cảng mạnh dạn áp dụng các hình thức hoạt động mới, đổi mới cơ chế sản xuất kinh doanh, chi trả lương theo hao phí lao động dưới các hình thức khoán,… Kết quả, Cảng Sài Gòn đã hoàn hoàn thành nhiệm vụ được giao, đảm bảo nghĩa vụ nộp ngân sách, kinh doanh có lãi, nâng dần đời sống của CBCNV, tích lũy vốn, phát triển quy mô doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh. Từ năm 1992, các nguồn vốn mới tích luỹ và vay từ nhiều nguồn khác nhau được dồn vào việc nâng cấp để hiện đại hóa thêm một bước bến bãi, cầu tàu và trang bị kỹ thuật. Bên cạnh đó, Cảng đã tiến hành đào tạo và đào tạo lại đội ngũ CBCNV nhằm thích ứng với qui trình công nghệ mới, tiến dần lên hiện đại hóa, đáp ứng kịp thời yêu cầu sản xuất kinh doanh. Đến năm 1996 thì sản lượng thông qua Cảng Sài Gòn có mức tăng hết sức ấn tượng, đạt 7,3 triệu tấn, gấp hơn 3 lần sau mười năm không ngừng đổi mới quản lý, cải tiến kỹ thuật công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Tự hào là người công nhân trên Bến Cảng Sài Gòn – nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước vào ngày 05/6/1911 – Cảng Sài Gòn luôn ra sức phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình và đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động vào năm 1996.

Hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.

Được quan tâm đầu tư từ Nhà nước và sự tài trợ quốc tế, một dự án đầu tư nâng cấp và hiện đại hoá hầu hết cơ sở hạ tầng và phương tiện làm hàng tiên tiến cho hai khu cảng trực thuộc là Nhà Rồng, Khánh Hội có tổng vốn 40 triệu USD đã được triển khai từ năm 1997 và kết thúc vào đầu năm 2000.

Cùng thời gian này, Cảng Sài Gòn còn sử dụng khoảng hơn 300 tỷ đồng từ nguồn vốn tự bổ sung và vốn ngân sách xây dựng hoàn chỉnh toà nhà trung tâm điều hành sản xuất, 400 mét cầu cảng container, khu cảng hàng rời Tân Thuận 2 và cảng tổng hợp tại Cần Thơ. Với các dự án đầu tư có quy mô lớn nhất từ trước cho đến thời điểm đó, năng lực bốc xếp của Cảng Sài Gòn được nâng lên 16 triệu tấn/năm. Từ năm 2001 trở đi, Cảng đã khai thác được mỗi năm trên dưới 11 triệu tấn hàng. Đặc biệt, năm 2009 sản lượng thông qua của Cảng Sài Gòn đã lập kỷ lục đạt 14 triệu tấn hàng hóa.

Khu Nhà Rồng – Khánh Hội tấp nập tàu bè, hàng hóa – Nguồn: Cảng Sài Gòn. 

Hiện nay, Cảng Sài Gòn vẫn giữ vai trò là thương cảng tổng hợp có quy mô hàng đầu trong hệ thống cảng biển của Việt Nam với hơn ba ngàn mét cầu cảng nằm dọc theo sông Sài Gòn cùng hệ thống kho bãi, trang thiết bị khá hoàn chỉnh theo quy trình công nghệ tiên tiến trong ngành khai thác cảng, đã được tổ chức BVQI (Bureau Veritas Quality International – nay là Bureau Veritas Certification) cấp chứng chỉ ISO 9001:2000 vào năm 2004 về khai thác và cung ứng dịch vụ container. Đây là cảng duy nhất của nước ta có thể tiếp nhận làm hàng cùng một lúc đến hơn 30 tàu biển. Đội ngũ nhân lực được thừa hưởng bề dày truyền thống, kinh nghiệm từ nhiều lớp cha anh đi trước ngày nay lại càng vững mạnh hơn do được đào tạo, bồi dưỡng bởi môi trường giáo dục chính quy, hiện đại, đang trên đà phát triển của đất nước và nhất là được tham gia các khóa học tập, huấn luyện của những cơ quan, tổ chức có uy tín bậc nhất trong lĩnh vực hàng hải toàn cầu như International Maritime Organization (IMO), International Association of Ports and Harbors (IAPH) và các nước có ngành hàng hải phát triển như Hà Lan, Bỉ, Singapore, v.v…

Các cảng liên doanh của Cảng Sài Gòn ở Bà Rịa – Vũng Tàu – Nguồn: Cảng Sài Gòn 

Thực hiện chủ trương chiến lược phát triển kinh tế biển của Quốc gia, Cảng Sài Gòn đã và đang vận dụng nội lực và liên kết hiệu quả với những tập đoàn hàng hải mạnh của thế giới là PSA – Singapore, SSA Marine – Hoa Kỳ, Maersk A/S – Đan Mạch để xây dựng 03 cảng hiện đại tại khu vực Cái Mép – Thị Vải thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với 2.000 mét chiều dài cầu cảng có thể tiếp nhận tàu đến 80.000 DWT, năng lực xếp dỡ hơn 3,5 triệu TEU/năm, tổng mức đầu tư là 800 triệu USD. Vị thế của Cảng Sài Gòn đã có nhiều đổi thay. Hiện Cảng Sài Gòn đang giữ vai trò nòng cốt trong Hiệp hội Cảng biển Việt Nam ­– VPA, từng đảm nhận trọng trách Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Đông Nam Á – APA, là đối tác tin cậy của các tập đoàn hàng hải hàng đầu thế giới.

Giữ gìn thương hiệu – Phát huy văn hóa doanh nghiệp

Giờ đây, mỗi người lao động tại Cảng Sài Gòn càng có trách nhiệm hơn với doanh nghiệp, với đồng nghiệp, với khách hàng. Những hiện tượng tiêu cực như lánh nặng tìm nhẹ, trộm cắp hàng hóa, vòi vĩnh khách hàng, quan liêu, cửa quyền,… đã và đang dần trôi vào quá khứ, thay vào đó là tác phong công nghiệp, cung cách phục vụ, ứng xử, trách nhiệm với cộng đồng đang ngày càng văn hóa hơn. Doanh nghiệp vững vàng vượt khó, đi lên cũng là nhờ từ sự trưởng thành nhanh chóng và sự tự khẳng định đầy bản lĩnh của đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, điều hành của doanh nghiệp. Các cấp lãnh đạo chính quyền, đoàn thể trên dưới một lòng đoàn kết, thống nhất chèo lái con tàu Cảng Sài Gòn vượt qua sóng gió, vươn ra biển lớn. Doanh nghiệp đang đối mặt cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp trong nước cũng như các tập đoàn quốc tế có trình độ sản xuất hiện đại trong thị trường cảng biển đầy thách thức hiện nay bằng sự công nhận của khách hàng, đối tác, của bè bạn cả nước cũng như quốc tế về chất lượng dịch vụ, văn hóa phục vụ, về sự phát triển vững vàng của mình.

Những nghĩa cử chia sẻ, hỗ trợ bằng cả tâm huyết của doanh nghiệp khi khách hàng gặp khó khăn đã và đang dần tạo nên một Cảng Sài Gòn hết sức thân thiện và đầy tinh thần trách nhiệm. “Lấy khách hàng làm trung tâm” giờ đây đã trở thành một thuật ngữ văn hóa ở Cảng Sài Gòn vì bao hàm trong đó là “Năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống CBCNV và chống tiêu cực”. Những đóng góp đầy trách nhiệm của Cảng Sài Gòn với xã hội bằng chính những thành quả lao động của CBCNV, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, các chỉ tiêu kế hoạch mà cấp trên tin tưởng giao phó. Đó là những gói mì tôm, những tấm áo, những căn nhà tình nghĩa, tình thương, những con đường, ngôi trường,… mà Cảng Sài Gòn đã sẻ chia cho đồng bào ruột thịt trên khắp mọi miền đất nước.

Công tác xã hội từ thiện – Nguồn: Cảng Sài Gòn. 

Đảng, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội đã dành trao cho Cảng Sài Gòn những khen thưởng xứng đáng mà ngay chính tự thân những danh hiệu và phần thưởng đó đã là những biểu trưng văn hóa chuẩn mực ghi nhận những nỗ lực đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Gần 50 năm qua, Cảng Sài Gòn sản xuất kinh doanh, tăng trưởng có hiệu quả, chăm lo chu đáo đời sống vật chất cho người lao động và thực hiện tốt các nghĩa vụ xã hội, xây dựng được cơ cấu tổ chức phù hợp, cơ chế quản lý nội bộ doanh nghiệp minh bạch, hợp lý, có tác dụng khuyến khích, động viên tính tích cực và sáng tạo của người lao động. Đơn vị xây dựng được một tập thể lao động đoàn kết, hợp tác, có tinh thần tương thân tương ái, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, cùng chung hưởng thành quả của doanh nghiệp, cùng chia sẻ khó khăn, cùng chung sức xây dựng doanh nghiệp ngày càng phát triển, coi doanh nghiệp là gia đình lớn của mình. Cảng Sài Gòn đã và đang đi đúng định hướng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chấp hành tốt pháp luật, có đạo đức và văn hóa trong kinh doanh, tôn trọng khách hàng và có ý thức bảo vệ môi trường, thân thiện với thiên nhiên.

Những thành quả này chính là giá trị văn hóa doanh nghiệp, là thương hiệu đặc trưng của Cảng Sài Gòn – Tập thể Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Phát triển bền vững cùng thành phố Hồ Chí Minh và đất nước.

Nhìn về tương lai, Cảng Sài Gòn đã và đang vận dụng mọi nguồn lực, tranh thủ thời cơ, phát huy mạnh mẽ những tiềm năng của mình, giữ vững và nâng cao hơn nữa thương hiệu “Cảng Sài Gòn” – một trong những cảng biển quan trọng hàng đầu của Việt Nam ngay tại Thành phố Hồ Chí Minh với hơn 160 năm hình thành và phát triển. Tiếp tục đóng góp tích cực vào hoạt động cũng như sự phát triển bền vững của Hiệp hội Cảng biển Việt Nam.

Theo định hướng phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh cũng như của ngành hàng hải Quốc gia, ngày 16/05/2009, Cảng Sài Gòn – Hiệp Phước tại huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh cũng đã được khởi công xây dựng với diện tích 100 héc ta, tổng chiều dài bến 1.800 mét, năng lực thông qua khoảng 18 triệu tấn hàng hóa/năm, cỡ tàu ra vào cảng đến 50.000 DWT, tổng mức đầu tư là 3.000 tỷ đồng. Hiện nay đã hoàn tất Giai đoạn 1 với 800 mét cầu cảng và đang đưa vào khai thác. Song song là Dự án Khu Dịch vụ Hậu cần Hiệp Phước giao Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn – Hiệp Phước tiếp tục triển khai. Dự án Bến tàu khách quốc tế Nhà Rồng – Khánh Hội tại Quận 4 đang được triển khai lập hồ sơ xin chủ trương đầu tư. Đặc biệt là Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Hội đồng quản trị Cảng Sài Gòn đã ban hành Nghị quyết số 46/NQ-CSG thành lập Ban chuẩn bị dự án đầu tư Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; đã nộp hồ sơ đề xuất đầu tư và đang được Bộ Kế hoạch Đầu tư thẩm định.

Phối cảng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (SIGP) – Nguồn: Cảng Sài Gòn 

Phát huy truyền thống tốt đẹp sẵn có, CBCNV Cảng Sài Gòn chung sức, đồng lòng, quyết tâm hoàn thành xuất sắc trọng trách được giao, góp phần tích cực cùng Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, cùng Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước thực hiện thành công Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, “Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đồng thời, phục vụ đắc lực cho sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh, xứng tầm là một “Bến cảng lịch sử, anh hùng”, nơi lưu dấu chân người – Chủ tịch Hồ Chí Minh – ra đi tìm đường cứu nước để dân tộc Việt Nam được tự do, đất nước Việt Nam được độc lập, thống nhất, hội nhập cùng bạn bè thế giới, phát triển bền vững vì hạnh phúc của nhân dân.

Từng người công nhân bến cảng qua nhiều thế hệ đều có quyền tự hào vì đã ít nhiều đóng góp sức mình để làm nên những giá trị văn hóa Cảng sài Gòn bằng những hành động cụ thể, bằng trái tim nóng với trí tuệ, kiến thức, kinh nghiệm, tay nghề, nghiệp vụ chuyên môn. Tất cả cùng ra sức hoàn thành và hỗ trợ đồng nghiệp, hoàn thành xuất sắc vai trò trách nhiệm vì một Cảng Sài Gòn ngày càng phồn thịnh, sớm sánh vai cùng các cảng biển hàng đầu của thế giới, vì sự ấm no, hạnh phúc của chính bản thân và gia đình của mỗi người. Để cho mai sau, các thế hệ con em luôn tự hào mỗi khi nhắc tới cha anh – những người đã từng là Công nhân Cảng Sài Gòn.

Lý Đức Hiếu – Cảng Sài Gòn