Cảng trung chuyển Cần Giờ sẽ mang lại 40.000 tỉ đồng/năm

26/06/23 8:38 AM

Khi cảng đi vào hoạt động và đạt công suất thiết kế, sơ bộ cảng trung chuyển Cần Giờ sẽ đóng góp trực tiếp cho ngân sách nhà nước thông qua các khoản thuế phí là 34.000-40.000 tỉ đồng/năm.

Phối cảnh cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ

Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản báo cáo đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ gửi UBND TP.HCM. Trong đề án, Sở GTVT TP cũng có những đánh giá về tác động kinh tế – xã hội, tác động đến các cảng khác, đánh giá về tác động môi trường của cảng đến khu vực…

Đóng góp lớn từ thu thuế, phí

“Khi cảng đi vào hoạt động và đạt công suất thiết kế, sơ bộ đóng góp trực tiếp cho ngân sách nhà nước thông qua các khoản thuế từ hoạt động bốc xếp, lưu bãi của doanh nghiệp cảng; thuế thu nhập doanh nghiệp; các loại phí, lệ phí hàng hải từ tàu vào, rời cảng; phí thuê mặt nước và thuế xuất nhập khẩu hàng hóa 34.000-40.000 tỉ đồng/năm” – đề án của Sở GTVT nêu.

Ngoài con số trên, cảng cũng sẽ thu hút được số vốn đầu tư lớn từ doanh nghiệp để đầu tư xây dựng hạ tầng cảng biển hiện đại. Tạo việc làm cho khoảng 6.000-8.000 nhân viên, lao động làm việc tại cảng và tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động phục vụ các ngành dịch vụ hậu cần, trung tâm logistics và khu phi thuế quan.

Theo Sở GTVT TP, thời gian qua, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển TP.HCM tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2015-2022 khoảng 9,3%. Dự báo trong giai đoạn 2022-2030, tổng lượng hàng thông qua cảng biển TP tăng trưởng bình quân trên 5%/năm, tải trọng hàng container tăng trưởng bình quân khoảng 6,%/năm. Các bến container tại khu vực cảng biển TP.HCM (nằm sâu trong khu vực trung tâm TP) đã đầu tư xây dựng cơ bản hoàn chỉnh theo quy hoạch, công suất khai thác năm 2022 đã vượt so với quy hoạch.

Sở GTVT TP dự báo sơ bộ về lượng hàng hóa dự kiến thông qua khu bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đến năm 2030 là 4,8 triệu teu, đến năm 2047 là 16,9 triệu teu. Do đó, việc bổ sung quy hoạch, triển khai phát triển cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trong giai đoạn 2021-2030 là rất cần thiết nhằm hỗ trợ hệ thống cảng biển TP, tạo lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực, tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế biển cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Lưu ý khác khi xây dựng cảng

Vị trí cảng đề xuất là ở cửa sông Cái Mép, thuộc huyện Cần Giờ, TP.HCM. Đây là khu vực nằm trong vùng đệm của khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, không ảnh hưởng đến vùng lõi khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.

Theo đề án, đánh giá sơ bộ tác động môi trường khi hình thành cảng tại khu vực, trong đó nhận dạng, dự báo các tác động môi trường chính như: Tác động về môi trường nước, không khí, tiếng ồn; phát sinh chất thải, tác động có rủi ro sự cố hàng hải; tác động đến hệ sinh thái rừng ngập mặn, thủy hải sản hiện hữu… “Cần đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động môi trường như nghiên cứu phát triển cảng đồng bộ, hiện đại, các thiết bị sử dụng tại cảng sử dụng điện, nhằm hạn chế cao nhất chất thải các loại ra môi trường để giảm thiểu, ngăn ngừa tác động đến môi trường” – đề án góp ý.

Theo Sở GTVT TP, về đánh giá tác động xói lở bờ, bồi lắng lòng sông, tư vấn đã thu thập số liệu, tính toán, sử dụng mô hình toán mô phỏng chế độ thủy động lực học để nghiên cứu. Kết quả mô phỏng cho thấy không xuất hiện hiện tượng bồi xói nào đáng kể tại các khu vực lân cận do ảnh hưởng của việc xây dựng các công trình ở cảng.

Ngoài ra, hiện tại chưa có giao thông đường bộ, đường sắt kết nối trực tiếp tới khu vực vị trí cảng. TP sẽ rà soát, cập nhật, điều chỉnh quy hoạch giao thông đường bộ kết nối với cảng biển khu vực Cần Giờ vào quy hoạch chung TP.HCM để phát triển huyện Cần Giờ hiệu quả, bền vững.

“Trong đó, tổ chức đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ, nâng cấp, mở rộng đường Rừng Sác, xây dựng đường trên cao dọc theo đường Rừng Sác. Bổ sung quy hoạch, đầu tư xây dựng nút giao kết nối với đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, nghiên cứu quy hoạch và đầu tư xây dựng đường kết nối từ vị trí xây dựng cảng với đường Rừng Sác” – Sở GTVT TP đề xuất.

Báo Pháp luật Tp.HCM