Châu Phi và bài toán về phát triển cảng biển thông minh

5/06/20 7:30 AM

Các cảng biển châu Phi sẽ trở thành điểm tựa cốt lõi của sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế châu lục giai đoạn hậu COVID-19.

Trang mạng Daily Maverick mới đăng bài phân tích của hai tác giả Richard Chelin và Denys Reva, nghiên cứu viên thuộc Dự án Hàng hải, Viện Nghiên cứu an ninh (ISS) Nam Phi về nhu cầu phát triển cảng biển thông minh và cách ứng phó hiệu quả với các mối đe dọa an ninh tại châu Phi.

Theo nhóm tác giả bài viết, khoảng 90% giao dịch thương mại của châu Phi được thực hiện qua đường hàng hải. Trong bối cảnh đó, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dự đoán sự suy giảm chi tiêu tiêu dùng do đại dịch COVID-19 gây ra sẽ khiến thương mại quốc tế giảm 30% và sẽ tác động sâu rộng đến các nền kinh tế châu Phi vốn phụ thuộc vào xuất khẩu.

Điểm tựa cốt lõi của sự phục hồi

Nâng cao hiệu quả và năng lực của các cảng châu Phi là mục tiêu chính sách lớn của Liên minh châu Phi (AU) và các cộng đồng kinh tế khu vực (RECs), cũng như của các tổ chức như Hiệp hội quản lý cảng khu vực phía Đông-Nam châu Phi. Trong quá khứ, các cảng biển châu Phi đã phải đối mặt với sự chậm trễ và tồn đọng hàng hóa do mức độ tự động hóa thấp.

Ngay cả trước cuộc khủng hoảng COVID-19 toàn cầu, các cơ quan quản lý cảng trên toàn thế giới đã đứng trước áp lực phải tăng hiệu quả, giảm tác động môi trường và tăng cường an ninh cho các cơ sở cảng. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã khiến hiệu quả hoạt động của các cảng trở thành vấn đề an ninh quốc gia.

Những tiến bộ công nghệ nhanh chóng, dễ tiếp cận hơn và sự đổi mới sáng tạo đã dẫn đến sự ra đời và phát triển các cảng thông minh. Một cảng được coi là thông minh nếu sử dụng tự động hóa và các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, kết nối vạn vật và công nghệ chuỗi khối (blockchain) để nâng cao hiệu suất hoạt động.

Mục đích xây dựng cảng thông minh là nhằm tăng cường tính an toàn và bảo mật, tối ưu hóa quản lý và cho phép lập kế hoạch tốt hơn. Trong đó, tự động hóa là yếu tố rất quan trọng để tăng cường khả năng cạnh tranh, cũng như tính hiệu quả của một cảng, chẳng hạn như cần cẩu, xe tải tự lái và cảm biến nâng hàng.

Ngoài ra, nền tảng dữ liệu lớn cho phép hướng dẫn lập kế hoạch mới và tạo điều kiện cho khâu hậu cần vận chuyển cảng thông qua sự thu thập thông tin về các vị trí tàu đến hoặc rời cảng. Thông qua kết nối vạn vật, các cảng được chuyển đổi thành các trung tâm mạng thông tin hàng hải.

Cuối cùng, điều này sẽ dẫn đến việc tự động hóa gần như hoàn toàn các quy trình, liên kết với kết nối vạn vật, tối ưu hóa các chi phí và thời gian cho nhiều hoạt động vận hành. Chẳng hạn, Cảng Rotterdam đã ra mắt nền tảng kết nối vạn vật cho phép các quan chức cảng xác định thời điểm và địa điểm tốt nhất để tàu cập cảng. Điều này đã cải thiện đáng kể hiệu quả hoạt động.

Rủi ro về an ninh mạng

Nam Phi đang sở hữu một số cảng tấp nập nhất khu vực phía Nam sa mạc Sahara châu Phi. Nước này đã triển khai dự án hiện đại hóa cơ sở hạ tầng cảng để tăng lợi thế cạnh tranh theo khái niệm cảng thông minh. Cơ quan Quản lý cảng quốc gia Nam Phi (Transnet) đã chọn Durban là cảng thí điểm cho dự án mới này.

Đến nay, dự án của Nam Phi đã đạt được một số tiến bộ đáng chú ý, chẳng hạn như việc thành lập một nền tảng thương mại điện tử và cơ sở dữ liệu kết nối các hệ thống cảng, camera giám sát, cảm biến và các công cụ theo dõi. Dự án này cũng đang sử dụng máy bay không người lái để điều hướng tàu, giám sát và thu thập dữ liệu.

Tuy nhiên, những đổi mới sáng tạo mới mẻ này cũng kèm theo những rủi ro mới. Khi các cảng trên toàn thế giới cải thiện tính cạnh tranh và hiệu quả, bất kỳ cảng thông minh nào cũng đứng trước những thách thức về an ninh mạng.

Trong những năm gần đây, nhiều sự cố quy mô lớn và các cuộc tấn công mạng cho thấy những lỗ hổng do sự phụ thuộc ngày càng nhiều hơn vào công nghệ mang lại. Các cuộc tấn công như vậy có thể xảy ra tại bất kỳ điểm nào dọc theo chuỗi cung ứng.

Sự cố đáng chú ý nhất xảy ra vào năm 2017. Hãng vận tải lớn nhất thế giới Maersk đã bị tấn công bởi virus NotPetya, gây ra sự gián đoạn diện rộng cho các đường cung cấp quốc tế và thiệt hại 300 triệu USD, khiến nhà ga cảng Rotterdam vốn hoàn toàn tự động phải ngừng hoạt động trong hơn một tuần.

Các cuộc tấn công mạng khác bao gồm tấn công nhắm vào các máy chủ và các hệ thống tại Cảng Barcelona và một loạt các cuộc tấn công thao túng dữ liệu đòi tiền chuộc nhằm vào cảng San Diego và Long Beach.

Báo cáo năm 2019 của Cơ quan An ninh mạng – Liên minh châu Âu đã nhấn mạnh các cảng đang đối mặt với nhiều vấn đề trong việc thực hiện biện pháp đảm bảo an ninh mạng, gồm sự thiếu văn hóa kỹ thuật số trong hệ sinh thái cảng, hầu như không được đào tạo và có nhận thức thấp về an ninh mạng, cũng như khó theo kịp các mối đe dọa và rủi ro mới nhất của chuyển đổi kỹ thuật số.

Nam Phi hiện là quốc gia xử lý lượng hàng hóa lớn nhất ở khu vực phía Nam Sahara châu Phi. Tuy nhiên, quốc gia miền Nam châu Phi này chỉ xếp hạng 56/175 trong Chỉ số An ninh mạng toàn cầu 2018 dựa trên đánh giá các quốc gia về mức độ cam kết an ninh mạng. Các quốc gia châu Phi khác có các cảng tấp nập như Ai Cập, Kenya và Nigeria lần lượt xếp thứ 23, 44 và 57.

Trong bối cảnh đó, tình trạng thiếu sự sẵn sàng để đối phó với các cuộc tấn công mạng nhằm vào các cảng của Nam Phi, Ai Cập và Kenya là điều đáng lo ngại. Một cuộc tấn công tương tự như sự cố từng xảy ra đối với Maersk năm 2017 nhằm vào bất kỳ cảng nào của các nước trên có thể sẽ gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế quốc gia đó.

Do đó, cần có các biện pháp thích hợp để phòng ngừa và chuẩn bị cho các cuộc tấn công mạng nhằm vào các cảng châu Phi, bao gồm liên tục xác định và quản lý các rủi ro và mối đe dọa liên quan đến hệ sinh thái cảng. Chính phủ các nước cũng cần thiết lập các thông lệ và quy trình cho công nghệ thông tin cũng như quản lý công nghệ vận hành.

Ngoài ra, việc triển khai đào tạo an ninh mạng bắt buộc cho quản trị viên hệ thống, quản lý dự án, nhà phát triển, nhân viên an ninh, quản lý cảng và nhân viên chủ chốt khác cũng cần được lưu ý, bên cạnh việc áp dụng các biện pháp để bảo vệ toàn bộ các hệ thống – bao gồm cả máy tính để bàn và máy chủ – khỏi phần mềm độc hại hoặc virus.

Dù các mối đe dọa và rủi ro là gì, nhu cầu đối với các cảng thông minh là tất yếu và hệ thống cảng này ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn sau cuộc khủng hoảng COVID-19. Các cơ quan quản lý cần đưa ra những biện pháp để giảm thiểu rủi ro và tối đa hóa lợi nhuận. Là nước tiên phong trong sự phát triển cảng thông minh, Nam Phi có cơ hội để thiết lập tiêu chuẩn cho châu Phi trong việc đối phó với các mối đe dọa mới nổi này./.

Bnews/TTXVN