Ngày 24/5, Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) và Cảng Tân Cảng – Cái Mép Thị Vải (TCTT) đã chính thức mở cổng kết nối giữa 2 cảng. Đây là sự kiện đánh dấu một bước tiến mới trong mô hình hợp tác khai thác và phát triển cảng biển.
Các đại biểu thực hiện nghi thức mở cổng cảng CMIT và TCTT
Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT; Mai Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh BR-VT; Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT; Nguyễn Cảnh Tĩnh, Phó Bí thư Đảng uỷ, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam; Đại tá Nguyễn Năng Toàn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Tổng công ty TCSG; Đại tá Ngô Minh Thuấn, Tổng giám đốc Tổng công ty TCSG; đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Hải quan tỉnh BR-VT, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cái Mép, các cơ quan, ban, ngành địa phương, các cổ đông, các đối tác và cán bộ nhân viên của hai cảng.
Container đầu tiên được vận chuyển qua cảng CMIT và TCTT
Cảng CMIT và TCTT có vị trí nằm liền kề nhau trong khu cảng nước sâu Cái Mép, cầu bến 2 cảng có nhiều điểm tương đồng về hạ tầng cầu bến cảng nên có thể kết hợp với nhau tạo thành một cầu bến dài 1.200m và tiếp nhận cùng lúc ba tàu mẹ với chiều dài trên 350m.
Trong bối cảnh các hãng tàu ngày càng đặt yêu cầu cao về chất lượng dịch vụ, tiếp tục đưa vào khai thác những tàu có kích thước lớn hơn, tái cơ cấu các tuyến dịch vụ, tăng cưởng, mở rộng thêm tuyến dịch vụ mới, tuy nhiên, với chiều dài cầu bến hạn chế và sự thiếu liên kết chặt chẽ giữa các cảng vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng, hãng tàu. Điều này đặt ra thách thức lớn cho các cảng tại khu vực Cái Mép trong việc tìm kiếm các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo duy trì sự phát triển kinh tế chung của khu vực. Việc hợp tác mở cổng kết nối, khai thác cầu bến chung giữa hai cảng CMIT – TCTT là một giải pháp tiên phong, mang tính đột phá trong việc giải quyết những thách thức trên.
Trước đề xuất của hai cảng, Bộ Giao thông vận tải và Cục Hàng hải Việt Nam đã có văn bản chấp thuận chủ trương cho phép nghiên cứu kết nối bến chung giữa hai cảng CMIT và TCTT. Việc hợp tác này cũng nhận được sự ủng hộ của Tổng Cục Hải Quan, Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cái Mép và cho phép hàng hoá được vận chuyển giữa hai cảng thông qua cổng kết nối nội bộ.
Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng Giám đốc cảng CMIT chia sẻ, “Sự ủng hộ của các cơ quan ngành hàng hải và cơ quan hải quan các cấp cũng như sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh là cơ sở quan trọng không chỉ để hai cảng triển khai các bước tiếp theo trong việc nghiên cứu hình thành bến chung ở giữa nhằm nâng cao hiệu quả khai thác cảng mà xa hơn nữa là tạo điều kiện phát triển Cái Mép thành cảng quốc tế trung chuyển lớn nhất cả nước và có tầm cỡ khu vực châu Á và thế giới như Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra”.
Ông Vũ Hồng Hùng, Giám đốc cảng TCTT cho biết, “Việc hợp tác giữa hai cảng là một bước đột phá mới về mô hình hợp tác giữa các cảng, mở ra nhiều cơ hội, tiềm năng phát triển trong khai thác cảng biển tại khu vực Cái Mép Thị Vải, mà còn tối ưu hoá giá trị gia tăng cho các khách hàng, hãng tàu, tạo sự an tâm về chất lượng dịch vụ, giúp các cảng đảm bảo thực hiện đúng cam kết với Hãng tàu, nâng tầm vị thế uy tín, năng lực và chất lượng dịch vụ của các cảng biển Việt Nam tại khu vực Cái Mép Thị Vải”.
Cảng CMIT và cảng TCTT trao biên bản ghi nhớ hợp tác
Trước sự chứng kiến của các lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, các cơ quan chức năng và các cổ đông của hai cảng, ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng Giám đốc cảng CMIT và ông Vũ Hồng Hùng, Giám đốc cảng TCTT đã cùng nhau ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác hình thành bến chung. Đây là tiền đề quan trọng để hai cảng cùng nhau tiếp tục nâng cao mối quan hệ hợp tác sâu rộng lên một tầm cao mới.
Bốn tháng đầu năm 2024, sản lượng thông qua khu cảng Cái Mép nói chung có sự tăng trưởng tốt đạt 37% so với cùng kì năm ngoái. Riêng sản lượng xếp dỡ cho tàu thông qua TCTT đạt mức tăng trưởng 26% và CMIT tăng trưởng 54%. Hàng tuần, hai cảng tiếp nhận 14 chuyến tàu quốc tế cập cảng, trong đó có 8 chuyến cập tại TCTT và 6 chuyến cập tại CMIT. Đặc biệt, hiện nay, một trong những hãng tàu top 9 thế giới đã lựa chọn Cái Mép là cảng trung chuyển trong khu vực khi triển khai cả 5 tuyến dịch vụ cập tại hai cảng CMIT và TCTT, việc hai cảng hợp tác kết nối cầu bến là một trong những thuận lợi để hãng tàu quyết định lựa chọn.
Công ty TNHH Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) được thành lập ngày 26 tháng 1 năm 2007 trên cơ sở liên doanh giữa Tổng Công Ty Hàng Hải Việt Nam, Cảng Sài Gòn và APM Terminals – nhà khai thác cảng Công-ten-nơ hàng đầu thế giới của Đan Mạch. Đây là cảng công-ten-nơ nước sâu tại khu vực Cái Mép, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Với hệ thống cơ sở vật chất vận hành và khai thác cảng hiện đại, CMIT có thể cung cấp các dịch vụ chất lượng cao cho các hãng tàu và khách hàng với thời gian nhanh nhất, thông qua các tuyến vận chuyển quốc tế trực tiếp từ Việt Nam đến các thị trường lớn như Châu Á, Châu Âu và Châu Mỹ. Chính sách của CMIT là hoạt động kinh doanh hiệu quả, chú trọng vào vấn đề bảo vệ sức khoẻ và an toàn cho các bộ công nhân viên và cộng đồng địa phương.
Công ty TNHH MTV Cảng Tân Cảng – Cái Mép Thị Vải (TCTT) được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thành lập ngày 30/10/2015, là Công ty con trực thuộc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Quân chủng Hải quân – nhà khai thác cảng hàng đầu Việt Nam với hệ thống mạng lưới kinh doanh 28 cơ sở cảng, kho bãi rộng khắp trên cả nước. Cảng TCTT là cảng container nước sâu tại khu vực Cái Mép Thị Vải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Với cơ sở hạ tầng, trang thiệt bị hiện đại, hệ thống quản lý – khai thác cảng tiên tiến, TCTT luôn cung cấp đến các Hãng tàu, khách hàng dịch vụ với chất lượng và uy tín cao, hiện nay cảng đang tiếp nhận 8 tuyến dịch vụ mỗi tuần cho các tàu có hải trình đi trực tiếp từ Việt Nam đến các cảng Bờ Đông – Bờ Tây Mỹ, châu Âu và các tuyến dịch vụ Nội Á của các Hãng tàu lớn trên thế giới.