Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – 25 năm xây dựng và phát triển (25/11/1996 – 25/11/2021)

25/11/21 6:08 AM

Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 1456/QĐ-TLĐ ngày 25/11/1996 của Đoàn Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, là Công đoàn Tổng công ty 91, trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Tuy mới trải qua 25 năm thành lập và 5 kỳ Đại hội nhưng đã kế thừa hơn 60 năm truyền thống của ngành Hàng hải, Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã trưởng thành, lớn mạnh, luôn không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với từng giai đoạn phát triển của Tổng công ty và đất nước.

Từ ngày đầu mới thành lập với 30 Công đoàn cơ sở trực thuộc và gần 18.000 đoàn viên, đến nay Công đoàn Tổng công ty đã phát triển lên 65 Công đoàn cơ sở với hơn 25.000 cán bộ, CNVCLĐ, đoàn viên có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, tay nghề cao, ý thức kỷ luật và tác phong công nghiệp, năng động, tận tâm, trách nhiệm, văn minh, sống nghĩa tình, luôn sẵn sàng hỗ trợ cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng thời cơ, góp phần vào sự ổn định và phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và đất nước.

Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Công đoàn Tổng công ty luôn bám sát mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn, gắn với nhiệm vụ chính trị của doanh nghiệp và Tổng công ty, lấy lợi ích là điểm quan trọng tập hợp, thu hút người lao động đến với tổ chức công đoàn; luôn chủ động, tích cực thực hiện tốt vai trò đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ; nghiên cứu xây dựng các Chương trình hành động, nghị quyết chuyên đề phù hợp với từng giai đoạn phát triển của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.

Các cấp công đoàn đã chủ động tham mưu với lãnh đạo chuyên môn thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức Hội nghị người lao động, gặp gỡ, đối thoại với CNLĐ để “nghe người lao động nói, nói người lao động nghe”, qua đó ghi nhận, trao đổi và kịp thời đưa ra giải pháp tháo gỡ những vấn đề bức xúc, giải quyết những nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.

Đặc biệt, trong quá trình thực hiện chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế của Đảng, Chính phủ, những năm vừa qua, thực hiện mục tiêu đồng hành với chuyên môn, công đoàn các cấp tích cực tham gia vào quá trình sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp, phương án sản xuất kinh doanh, sắp xếp lại nguồn nhân lực sau tái cơ cấu, chủ động tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, chế độ chính sách có liên quan trực tiếp đến người lao động, doanh nghiệp và tổ chức công đoàn.

Các phong trào thi đua yêu nước được nghiên cứu triển khai phù hợp, bám sát với nhiệm vụ SXKD của doanh nghiệp, thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ, đoàn viên, NLĐ đã góp phần vào sự ổn định, phát triển của từng doanh nghiệp và toàn Tổng công ty. Mỗi năm, có hàng trăm CNVCLĐ có sáng kiến, giải pháp ở cấp cơ sở về cải tiến điều kiện kỹ thuật, điều kiện làm việc, nâng cao hiệu quả SXKD, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… với tổng giá trị làm lợi hàng tỷ đồng.

Trong suốt chặng đường hình thành và phát triển của mình, công tác chăm lo đời sống, phúc lợi cho đoàn viên, NLĐ luôn được Công đoàn Tổng công ty chỉ đạo các cấp công đoàn quan tâm thực hiện. Trong các dịp như Tháng Công nhân, Tết Nguyên đán hằng năm…, các cấp Công đoàn Tổng công ty đều tổ chức đi thăm, tặng quà CNLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tổ đội sản xuất, con tàu… với tổng số tiền chi cho hoạt động này ước tính hàng tỷ đồng mỗi năm. Chương trình Mái ấm công đoàn cũng được triển khai đến NLĐ để họ thực hiện xây mới, sửa chữa nhà, “an cư lạc nghiệp” cho bản thân và gia đình, từ đó yên tâm công tác, cống hiến cho đơn vị. Các cháu con CNVCLĐ bị nhiễm chất độc đi-ô-xin, bị dị tật bẩm sinh, các cháu có hoàn cảnh khó khăn vượt khó vươn lên và các cháu đạt thành tích cao trong mỗi năm học đều được công đoàn, chuyên môn thường xuyên chăm lo, động viên khen thưởng kịp thời.

Ông Lê Phan Linh - Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (bên phải) động viên người lao động. Ảnh: CĐHH

Với truyền thống “sống nghĩa tình” của người lao động ngành Hàng hải, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng cán bộ, đoàn viên, NLĐ các doanh nghiệp luôn tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội thông qua việc đóng góp vào các cuộc vận động, chương trình an sinh xã hội của Chính phủ, địa phương, ngành với tổng số tiền đóng góp hàng năm lên đến hàng chục tỷ đồng. Công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, NLĐ cũng thường xuyên được đổi mới về nội dung, phương thức, trong đó dành sự quan tâm hơn đến việc động viên CNVCLĐ tích cực, chủ động học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề, kỹ năng, đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới.

Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện đều đặn định kỳ, tạo ra sự chuyển biến tích cực trong tổ chức và hoạt động công đoàn, góp phần cho hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành công đoàn các cấp đạt hiệu quả tốt. Các cấp công đoàn luôn quan tâm thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ tham gia xây dựng đảng, xây dựng chính quyền và việc thực hiện học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Công tác tài chính công đoàn được thực hiện đúng quy định, tập trung vào phong trào và NLĐ ở cơ sở, đảm bảo nguồn thu kinh phí cho hoạt động công đoàn.

Công đoàn Tổng công ty chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn, kịp thời điều chỉnh nội dung, phương thức hoạt động thích ứng với sự thay đổi của thực tiễn; Coi trọng chất lượng hoạt động của công đoàn cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu, lấy nhu cầu hợp pháp, chính đáng của số đông đoàn viên, NLĐ làm nền tảng cho hoạt động công đoàn; Chủ động xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có đủ năng lực, trình độ, kỹ năng, nhiệt tình, trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn.

Trong những năm sắp tới, Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đứng trước nhiều thuận lợi và thời cơ song cũng không ít những khó khăn, thách thức khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ ở các nước trên thế giới cùng với việc Việt Nam tham gia sâu hơn vào các hiệp định kinh tế thế hệ mới sẽ làm thay đổi về chất trong mối quan hệ lao động giữa các bên. Bên cạnh đó, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” cùng với Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam là tiền đề, là cơ sở để Công đoàn Tổng công ty tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, quyết liệt thực hiện hiệu quả chức năng cốt lõi của tổ chức Công đoàn là đại diện chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ; phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của Công đoàn ngành nghề; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, góp phần kế tục xứng đáng truyền thống của các thế hệ đi trước, hoàn thành nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của từng doanh nghiệp và Tổng công ty, xây dựng tổ chức Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam ngày càng vững mạnh, xứng đáng là người đại diện, là tiếng nói của hơn 25.000 đoàn viên, CNVCLĐ, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước./.