Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ – TPHCM có quy mô dự kiến là 571 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 113,5 nghìn tỷ đồng, chia 7 giai đoạn đầu tư trong vòng 22 năm được đánh giá là có tính khả thi cao.
Lãnh đạo các bộ, ngành báo cáo tại cuộc họp
Sáng 28/8, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành, địa phương về dự thảo Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển và nghe báo cáo chủ trương đầu tư Dự án Cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn (cảng Cần Giờ).
Tại cuộc họp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo về dự án Cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn tại huyện Cần Giờ (TP.HCM) chuyên cung cấp các dịch vụ liên quan đến khai thác cảng container cảng biển.
Đây là dự án có quy mô dự kiến 571 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 113.500 tỷ đồng và chia thành 7 giai đoạn đầu tư trong vòng 22 năm.
Những yêu cầu đối với nhà đầu tư về công nghệ khai thác hiện đại, thân thiện với môi trường, đảm bảo quá trình đầu tư xây dựng và hoạt động khai thác cảng không làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, đặc biệt là khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, sẽ được nghiên cứu, xây dựng để lựa chọn nhà đầu tư xây dựng cảng.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ, ngành, TP. HCM đã thảo luận, phân tích về tiến độ thực hiện, tổng vốn đầu tư, hạ tầng kỹ thuật, kết nối giao thông với Dự án..
Theo ông Nguyễn Cảnh Tĩnh – Tổng Giám đốc Tổng Công ty hàng Hải Việt Nam(VIMC), dự án được đánh giá có tính khả thi cao vì sản lượng hàng hóa đã được xác định. Tổng giám đốc VIMC đề nghị TPHCM chỉ đạo các giải pháp, bảo đảm vấn đề giao đất cho dự án theo đúng tiến độ ở từng giai đoạn; đồng thời xây dựng , công bố rõ các tiêu chí, điều kiện trong thu hút đầu tư cũng như những vấn đề mà nhà đầu tư cần phải cam kết.
Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Lê Công Thành và đại diện Bộ Ngoại giao cho rằng, đây là dự án nằm ở vùng đệm Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ có hệ thống rừng ngập mặn tái sinh được UNESCO công nhận, do đó việc triển khai dự án cần phải có những đánh giá tác động kỹ lưỡng đến những vấn đề về môi trường, bảo tồn thiên nhiên, môi trường và tài nguyên biển…
UBND TP. HCM khẳng định và cam kết, việc đánh giá chi tiết tác động môi trường của dự án cảng sẽ được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng trong bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án theo quy định pháp luật về môi trường, đảm bảo không ảnh hưởng đến Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, thiết kế của Cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn phải đồng bộ, tổng thể, chi tiết cho 7 giai đoạn đầu tư
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành liên quan, UBND TPHCM rà soát tính đồng bộ, thống nhất của dự án với các quy hoạch liên quan, khẩn trương hoàn thiện đầy đủ hồ sơ để tiến hành thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư.
Tiếp tục làm rõ các mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn, “vòng đời dự án” theo đúng quy định pháp luật; bổ sung yêu cầu, định hướng về chuyển giao công nghệ hiện đại…
“Thiết kế của Cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn phải đồng bộ, tổng thể, chi tiết cho 7 giai đoạn đầu tư, xác định rõ vị trí các khu chức năng, giải quyết mối quan hệ với các cụm cảng biển khác, hạ tầng dùng chung, hạ tầng kết nối, đào tạo nhân lực…”, Phó Thủ tướng Chính phủ lưu ý.
Phó Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, “không bỏ qua, hy sinh môi trường”, bảo đảm lợi ích tổng thể, hài hòa, tránh xung đột với các dự án khác.
Dự án phải góp phần thực hiện mục tiêu phát triển một số cảng biển đủ khả năng cạnh tranh quốc tế và khu vực; tìm được nhà đầu tư có năng lực công nghệ, nhân lực, quản trị…, thu hút được các hãng tàu lớn trên thế giới; có lộ trình chuyển đổi thành cảng biển xanh với hạ tầng đi kèm.