Đẩy mạnh chuyển đổi số trong dịch vụ logistics

24/02/21 9:40 AM

Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 221/QĐ-TTg, sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14 tháng 2 năm 2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.

Giảm tỷ trọng đóng góp dịch vụ logistics trong GDP còn 5 – 6% vào năm 2025

Quyết định sửa đổi một số mục tiêu ở Kế hoạch hành động năm 2017. Theo đó, đến năm 2025, giảm tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5% – 6% (quy định cũ yêu cầu đạt tỷ trọng 8% – 10%).

Tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15% – 20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50% – 60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16% – 20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.

Bên cạnh đó, quyết định mới cũng bổ sung lộ trình thực hiện Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam.

Cụ thể, giai đoạn 2020 – 2021 sẽ rà soát tình hình thực hiện các nhiệm vụ nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam. Năm 2022 tiếp tục triển khai các nhiệm vụ nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam.

Sang năm 2023, sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch hành động, chuẩn bị cơ sở lý luận và thực tiễn để nghiên cứu, xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025-2035, tầm nhìn đến 2045.

Năm 2024, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam. Tổ chức xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 – 2035, tầm nhìn đến 2045.

Đến 2025, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch hành động. Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 – 2035, tầm nhìn đến 2045.

Cùng với việc quy định mới sửa đổi về nguồn kinh phí thực hiện, quyết định mới cũng bổ sung điều khoản yêu cầu các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chinh phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm gửi báo cáo định kỳ tình hình triển khai thực hiện kế hoạch hành động về Bộ Công Thương định kỳ vào tháng 6 và tháng 12 hàng năm báo cáo Ủy ban Chỉ đạo Quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại.

Đẩy mạnh chuyển đổi số logistic

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong dịch vụ logistics để nâng cao năng lực doanh nghiệp.

Nhiều nhiệm vụ cụ thể được đặt ra nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025 vừa được điều chỉnh trong quyết định mới.

Các nhiệm vụ đặt ra tập trung vào 6 nhóm chính là: hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistic; hoàn thiện hạ tầng logistic; Nâng cao năng lực doanh nghiệp và dịch vụ; phát triển thị trường logistic; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và các nhiệm vụ khác.

Trong đó, yêu cầu đẩy mạnh áp dụng Cơ chế Một cửa Quốc gia, xây dựng Cổng thông tin thương mại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tra cứu thuế suất và các thủ tục xuất nhập khẩu liên quan đến từng mặt hàng.

Chính phủ cũng đặt nhiệm vụ phát triển sàn giao dịch logistics và cải thiện cơ sở hạ tầng logistics gắn với thương mại điện tử. Cụ thể là phát triển hệ thống vận chuyển nhằm đáp ứng xu thế phát triển của thương mại điện tử trong đó chú trọng đến giao hàng chặng cuối, ứng dụng công nghệ để phân loại, xử lý đơn hàng.

Để nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ, các nhiệm vụ được đặt ra là khuyến khích, hướng dẫn doanh nghiệp trong một số ngành áp dụng mô hình quản trị chuỗi tiên tiến. Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển đổi số trong dịch vụ logistic. Trong đó ưu tiên bố trí ngân sách hỗ trợ nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới, tiễn bộ kỹ thuật trong quản lý, vận hành, đào tạo về chuỗi cung ứng và dịch vụ logistic. Đồng thời, xã hội hoá nguồn lực cho phát triển dịch vụ logistic.

ICTNews