Để doanh nghiệp sớm trở lại “đường đua”

12/06/20 7:35 AM

Để khôi phục và thúc đẩy dịch vụ logistics phát triển hậu COVID-19, trong năm 2020 – 2021, ngành dịch vụ logistics Việt Nam cần tập trung vào 3 vấn đề chủ yếu là tài chính, hoạt động kinh doanh và áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đã kịp thời đề ra những giải pháp, sáng kiến giúp các doanh nghiệp logistics sớm vượt qua khủng hoảng, hoạt động ổn định trở lại.

Theo khảo sát của VLA, COVID-19 đã làm 20% – 50% hoạt động của các Hội viên bị ảnh hưởng (giảm về hoạt động và doanh thu), trong đó dịch vụ logistics hàng không, đường bộ và đường sắt bị ảnh hưởng nhiều nhất. Nhiều doanh nghiệp bị đình trệ sản xuất và một số doanh nghiệp có nguy cơ giải thể nếu đại dịch tiếp tục kéo dài.

Tuy nhiên, nhìn ở góc độ khách quan, đại dịch COVID-19 cũng là một cơ hội để các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics xem xét lại chiến lược hoạt động, đa dạng hóa thị trường cung cấp dịch vụ. Đây cũng là lúc các doanh nghiệp cần sớm tìm ra con đường hợp tác, khôi phục hiệu quả, vượt qua khủng hoảng.

Vừa qua, VLA đã có báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đề xuất các giải pháp, sáng kiến tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp logistics. Theo đó, ngành dịch vụ logistics Việt Nam cần tập trung vào 3 vấn đề chủ yếu là tài chính, hoạt động kinh doanh và áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Về tài chính

Một trong những khó khăn lớn nhất mà tất cả các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics phải đương đầu hiện nay là giải quyết vấn đề tài chính, nguồn vốn sản xuất kinh doanh. Để giải quyết vấn đề này, VLA đã kiến nghị Nhà nước trong thời gian còn lại của 2020 và năm 2021 cần có nhiều chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics.

Cụ thể, đẩy nhanh giải ngân các gói tín dụng, gói cứu trợ, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, bảo đảm an sinh xã hội của Chính phủ, một cách thuận lợi cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics sẽ tận dụng nguồn vốn vay từ các gói này và sử dụng có hiệu quả trong mở rộng kinh doanh, phát triển thị trường cung cấp dịch vụ logistics.

Giảm chi phí về kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, cụ thể là giảm phí cảng biển (không bao gồm phí xếp dỡ hàng hóa vì chỉ có hãng tàu nước ngoài được hưởng lợi do họ thu phụ phí xếp dỡ tại cảng rất cao); giảm phí cảng hàng không. Trong đó, giảm 50% hoặc miễn phí sử dụng kết cấu công trình cảng biển khu vực Hải Phòng trong thời hạn 1 năm. Giảm chi phí vận tải đường bộ, giảm 20% – 30% phí cầu đường BOT, đường cao tốc cho các xe vận chuyển hàng hóa trong thời hạn 6 tháng đến 1 năm.

Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính có những biện pháp kiểm soát các hãng tàu container nước ngoài không ban hành các phụ phí, tăng phụ phí, tăng cước trong thời gian 6 tháng sau dịch bệnh. Kiểm soát chặt chẽ các cảng, depot, CFS, ICD không tăng chi phí nâng hạ container, bốc xếp, lưu kho và các phụ phí khác để hỗ trợ cắt giảm chi phí trực tiếp cho toàn bộ doanh nghiệp xuất nhập khẩu, logistics.

Hoạt động kinh doanh

Để các doanh nghiệp không bị quá phụ thuộc vào thị trường, khách hàng truyền thống, Nhà nước cần thông qua các cơ quan sứ quán, thương vụ tại nước ngoài tăng cường công tác hợp tác quốc tế, xúc tiến thương mại, giới thiệu khách hàng và thị trường mới cho doanh nghiệp. Đồng thời, cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển vận tải qua biên giới, vận tải đa phương thức trong điều kiện sau đại dịch qua việc làm việc với các nước láng giềng để giải quyết các vấn đề vướng mắc theo kiến nghị cụ thể của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh.

Việt Nam cần có một chiến lược dài hạn về phát triển vận tải biển khi hơn 90% hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam là thông qua các cảng biển. Phát triển nhanh các cảng biển nước sâu cho hoạt động nội vùng và toàn cầu, vì Việt Nam hiện đang trở thành một trung tâm sản xuất và xuất khẩu lớn của khu vực. Mỹ và Nhật Bản đã có kế hoạch rút các nhà máy sản xuất hàng thiết yếu ra khỏi Trung Quốc, và có xu hướng chuyển sang các nước Đông Nam Á.

Các doanh nghiệp nên tận dụng tốt các FTA thế hệ mới, nhất là EVFTA. Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường công tác hướng dẫn cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các hiệp định này; có cơ chế phối hợp tốt giữa các Bộ, ngành trong việc chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện.

Áp dụng khoa học công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Sau COVID-19, để các doanh nghiệp hoạt động trở lại, vấn đề quan trọng nằm ở việc nguồn nhân lực có đáp ứng đầy đủ được các yêu cầu phục hồi và mở rộng kinh doanh của doanh nghiệp hay không. Khủng hoảng là lúc doanh nghiệp cải tổ bộ máy hoạt động, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh và cắt giảm chi phí nhằm tối đa hóa hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Trong báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, VLA đã kiến nghị Chính phủ/Bộ Khoa học Công nghệ hỗ trợ VLA kinh phí để triển khai dự án e.DO. Tại Quyết định số 283/QĐ-TT ngày 19/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định trong mục tiêu phát triển đến 2025 ngành dịch vụ logistics là ngành dịch vụ tiềm năng, có hàm lượng tri thức và công nghiệp và cần tập trung phát triển. Dự án e.DO là một trong những kế hoạch hành động theo chủ trương số hóa trong lĩnh vực logistics. VLA sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác này, như đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng dự án e.DO và học tập trao đổi với các doanh nghiệp lớn đang áp dụng các giải pháp công nghệ mới trong lĩnh vực dịch vụ logistics, nhằm hỗ trợ Hội viên mới ứng dụng ngay vào hoạt động hàng ngày.

Ngoài ra, VLA cũng kiến nghị Chính phủ/Văn phòng Chính phủ về việc bảo trợ cho VLA nghiên cứu đề án Chỉ số logistics cấp vùng. Dịch COVID-19 đã cho thấy hầu hết các địa phương đều hành động theo lợi ích cục bộ. Xây dựng và đánh giá Chỉ số logistics cấp vùng sẽ giúp các cơ quan quản lý cũng như địa phương có cách nhìn rõ ràng hơn về mối liên kết logistics giữa các địa phương trong từng vùng, từ đó có những cơ chế chính sách phù hợp.

VLR